(KTSG) - Một chiến lược phòng chống dịch Covid-19 thành công phải là một chiến lược được nhìn từ cả nhãn quan cộng đồng lẫn góc nhìn cá nhân bởi một chiến lược có thể rất tốt, rất hay ho trên giấy nhưng khi triển khai vào thực tế lại không được suôn sẻ như ý muốn.
Các nhà hoạch định chính sách hay chiến lược cho cả cộng đồng, nếu bỏ qua số phận từng cá nhân chịu tác động của chính sách hay chiến lược đó sẽ khó lòng đạt được thành công như mong đợi.
Nhìn từ trách nhiệm với cả xã hội, ai cũng thấy người dân nhập cư tốt hơn cả là ở yên một chỗ, đừng tìm cách chạy xe máy cả ngàn cây số để về quê, vừa gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình, vừa có thể là nguồn phát tán bệnh tật khắp nơi trên đường đi. Nhưng từng cá nhân sẽ có những nỗi khổ riêng như hết tiền trả tiền thuê nhà, hết tiền dành dụm để mua thức ăn, hay nỗi lo bệnh xuống không thể nương nhờ ai để được hỗ trợ. Chính vì thế TPHCM đang tìm mọi cách để hỗ trợ vô điều kiện cho hàng triệu người dân đang gặp khó khăn - được hỗ trợ họ mới có thể yên tâm “nhà nào ở yên nhà đó” trong thời gian giãn cách.
Hay lấy ví dụ chuyện chích vaccin, nhìn từ lợi ích của cộng đồng, chắc chắn ai cũng mong muốn càng nhiều người được chích vaccin càng sớm càng tốt cho nên với người làm chính sách không hề có sự phân biệt giữa vaccin này với vaccin khác. Nhưng nếu nhìn từ các quyết định riêng lẻ của từng cá nhân, đằng sau mỗi quyết định đều có sự cân nhắc đắn đo nhiều lẽ. Nếu biết được các đắn đo này chúng ta có thể tìm cách truyền thông để giải tỏa một cách có hiệu quả.
Ngay lúc mới bùng phát dịch Covid-19, kỳ vọng vào các thành tựu công nghệ để hỗ trợ cho việc truy tìm dấu vết tiếp xúc từ đó nhanh chóng khoanh vùng các ca phơi nhiễm là rất lớn - thế giới đã có không biết bao nhiêu ứng dụng cài đặt lên chiếc điện thoại di động mà hầu như ai cũng có. Thế nhưng cho đến nay các nước đều thừa nhận các ứng dụng này đã không đáp ứng được kỳ vọng đó vì nhiều lý do. Chúng ta cứ thử tự hỏi đã có bao nhiêu F0 được yêu cầu nộp điện thoại để cơ quan y tế tổng hợp các trường hợp từng tiếp xúc rồi thông báo tận tay cho các trường hợp này? Không phải ai cũng nhớ để bật bluetooth hay điện thoại có sẵn 3G, 4G để kết nối Internet...
Khi đặt mình vào vị thế của các cá nhân chịu tác động của chính sách, các cơ quan quản lý mới có thể đưa ra các quyết định hợp lý, kịp thời hay điều chỉnh quyết định mỗi khi cần thiết.
Thời gian qua chính sách phòng chống Covid-19 có sự linh hoạt rất lớn có lẽ chính nhờ vào góc nhìn này và biết đâu trong những ngày sắp tới người thân của bệnh nhân F0 nặng đang nằm trong bệnh viện sẽ được sàng lọc để những ai đủ điều kiện được vào chăm sóc trực tiếp bệnh nhân. Một quyết định như thế sẽ giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế đồng thời có thể nâng cao chất lượng điều trị vì không ai chăm sóc người bệnh tốt bằng thân nhân của họ.
Giãn cách xã hội (social distancing) phải đi kèm với lắng nghe xã hội (social listening) theo quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới chính là để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống đại dịch.