(KTSG Online) - Theo khảo sát của Sapo, năm qua, hơn 57% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng gồm cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là hơn 68%.
- Apple sẽ mở cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam vào 18-5 tới
- Xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đạt 296.000 tỉ đồng vào năm 2027
TTXVN thông tin, kết quả khảo sát khoảng 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm vừa qua của Sapo cho biết, hơn 57% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng gồm cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến. Đồng thời, tỷ lệ người chỉ bán tại cửa hàng khoảng 13% và người chỉ bán hàng trực tuyến là hơn 17%.
Xét về doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là hơn 68%, trong khi đó, con số này đối với những thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến hoặc chỉ bán ở cửa hàng lần lượt là 16,9% và 15,07%. Như vậy, nhà bán hàng đa kênh đang chiếm ưu thế khi kết hợp những hình thức vừa bán trực tiếp vừa trực tuyến.
Cũng theo bản tin trên, thống kê của Metric cho biết, thương mại điện tử quí 1-2023 tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2022, đây cũng là hình thức bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng là 49,69%. Trong đó, tính năng mua sắm mới xuất hiện từ năm 2022 là TikTok Shop đang chiếm 1,24% thị phần chung.
Dự kiến, năm nay, nền tảng TikTok Shop này sẽ còn phát triển khi người tiêu dùng đang có xu hướng vừa được mua sắm vừa được giải trí. Theo báo cáo Future of Commerce 2022 của TikTok, thị trường mua sắm giải trí dự kiến sẽ đạt 100 tỉ đô la trong khu vực APAC (châu Á - Thái Bình Dương) vào năm 2025.
Liên quan đến mua sắm trực tuyến, theo báo cáo thường niên Repota 2023 về chuyển dịch xu hướng marketing vừa được công bố của công ty Adsota, hình thức Omni shopper (người mua sắm đa kênh) được nhiều người tiêu dùng bình chọn, TTXVN cho biết.
Cụ thể, người dùng mua sắm qua kênh website thương mại điện tử chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 78%, tiếp theo là mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo với tỷ trọng là 42%.
Người tiêu dùng quan tâm đến nhiều yếu tố khi mua sắm trực tuyến, trong đó có giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, độ tin cậy của website thương mại điện tử, những chương trình khuyến mãi, sự đa dạng của hàng hóa.