Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đọc Tuyển tập Huy Nam Tương thích và phát triển bắt kịp

GS. Trần Văn Thọ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vào khoảng đầu thập niên 1990 các giới ở Nhật Bản bắt đầu bàn nhiều về triển vọng đổi mới ở Việt Nam. Nói chung là họ lạc quan về triển vọng cải cách và phát triển của nước ta. Một yếu tố để họ lạc quan là Việt Nam có một miền Nam đã từng phát triển trong cơ chế thị trường và hy vọng kinh nghiệm đó sẽ lan tỏa ra khắp nước. Đó là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nhiều nền kinh tế ở Đông Âu trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường.

Nhận xét đó có phần đúng. Tuy nhiên thực tiễn sống động thường bị tư tưởng và lý lẽ xưa cũ níu kéo. Những lãnh đạo thức thời đã phải nỗ lực tạo đồng thuận và dò dẫm để đưa ra lộ trình khả thi. Trong tình hình như vậy vai trò của các chuyên gia uy tín rất quan trọng trong việc đóng góp tri thức giúp xã hội nói chung và các nhà lập chính sách nói riêng hiểu rõ về kinh tế thị trường, về kinh nghiệm thế giới, và kết quả là đã rút ngắn được quá trình tạo đồng thuận để đưa ra các chính sách cải cách. Anh Huy Nam là một trong những chuyên gia uy tín đã đóng vai trò ấy trong gần 40 năm qua.

Anh Huy Nam là chuyên gia sinh trưởng và học hết bậc đại học ở miền Nam trước năm 1975. Anh học trường Kinh doanh Đà Lạt, nơi giảng dạy kinh tế, kinh doanh theo phương thức và tiêu chuẩn của các đại học hàng đầu ở Mỹ. Nhờ được đào tạo bài bản, với kiến thức cơ bản về chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, cùng với nhiệt huyết muốn đóng góp vào việc cải cách và phát triển đất nước, anh theo dõi những thay đổi trên thế giới, nghiên cứu thêm về lý luận và khảo sát thực tiễn của Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị cần thiết. Cần nói thêm là khả năng viết, diễn đạt của chuyên gia rất quan trọng. Vấn đề kinh tế, kinh doanh, nhất là khi đi vào các lĩnh vực rất chuyên môn như thị trường tài chính, chứng khoán, làm sao để diễn đạt dễ hiểu cho những người ngoài chuyên môn là vô cùng quan trọng. Về điểm này, anh Huy Nam cũng là một chuyên gia xuất sắc.

Những điểm tôi vừa nói độc giả có thể dễ dàng cảm nhận khi đọc tuyển tập này. Nội dung của tuyển tập rất phong phú, ở đây tôi chỉ ghi lại vài ấn tượng.

Thứ nhất, tôi tâm đắc nhất chỗ anh Huy Nam bàn về điểm phải tương thích mới hội nhập đổi mới ở Việt Nam là quá trình cải cách thể chế để phân bổ các nguồn lực có hiệu quả và cũng là để hội nhập, tham gia phân công lao động với các nước theo cơ chế thị trường, với mục tiêu là phát triển kinh tế. Để hội nhập phải tương thích, tương thích từ cách dùng khái niệm, chữ nghĩa thông tin, đến đường lối, nguyên tắc ở tầm quốc gia. Như đã đề cập ở trên, thực tiễn sống động luôn bị tư tưởng, lý luận xưa cũ níu kéo. Do đó trong một thời gian dài, các văn bản về chủ trương, chính sách thường cố né tránh bản chất khi dùng từ ngữ, khái niệm liên quan đến cải cách, phát triển.

Ví dụ, hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước gọi là cổ phần hóa đã được giải thích bằng tiếng Anh là “equitization” là không tương thích. Bởi, hoạt động này dù lý lẽ thế nào thì thực chất đó vẫn là “privatization”, là tư hữu hóa. Anh Huy Nam đã chỉ ra là thế giới không đâu có cách hiểu như ta vì “equitization” chỉ có nghĩa rất hẹp trong nghiệp vụ xử lý vốn chỉ có tính nội bộ giữa doanh nghiệp mẹ - con với nhau thôi.

Về sự tương thích ở phạm trù lớn, tầm chiến lược quốc gia, chủ trương, đường lối cần nhất quán khi chuyển sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do nặng lý luận với tư duy cũ, việc xác lập “định hướng” đã thiên về lý tưởng dài lâu, không tương hợp và thiếu khẳng định cho mục đích gần. Điểm này khá tế nhị, khó bàn, nhưng với tinh thần khoa học và trách nhiệm, Huy Nam đã rất mạnh dạn chỉ ra sự bất tương thích và bất lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Anh cho rằng trong khi nhiều thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) muốn giúp ta xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ, thì ở ta nền kinh tế lại được định hướng theo tư duy chủ quan. Lẽ ra để được công nhận là kinh tế thị trường, nền kinh tế cần được định hướng theo tiêu chí phổ quát, nhưng Việt Nam lại định hướng theo lý tưởng riêng. Hoạt động kinh tế như phải chịu định hướng song hành. Do có định hướng song hành nên chẳng những khó hội nhập mà còn làm cho khu vực trong nước cũng khó phát triển vì chính sách dễ bị diễn dịch theo hướng chủ quan, dẫn đến thiếu tập trung cho chiến lược canh tân nước nhà.

Ý “tương thích và yêu cầu đồng bộ sẽ rất cần, bởi ta không thể xây nhà to, cao ốc hiện đại trên cái nền móng cũ” là ý hay. Trong một dịp trao đổi về vấn đề định hướng, Huy Nam đã đề nghị nếu ta dùng “slogan” ngắn gọn là “kinh tế thị trường định hướng xã hội” sẽ tương hợp hơn. Tôi cho rằng về vấn đề này, phân tích và đề nghị của Huy Nam có sức thuyết phục cao.

Thứ hai, hội nhập phải đi kèm với củng cố nội lực, phải tăng năng lực cạnh tranh để theo kịp lộ trình hội nhập với khu vực và thế giới. Về vấn đề quan trọng này, Huy Nam cũng đưa ra các kiến giải xác đáng. Dĩ nhiên ở đây ta phải lùi lại khoảng năm 2000 khi đánh giá ý kiến của Huy Nam. Lúc đó anh bức xúc thấy ai cũng nói “thời cơ và thách thức của hội nhập” nhưng thực tế thì nhiều đơn vị và địa phương không biết bắt đầu từ đâu.

Khảo sát thực tế, anh cho rằng nhiều địa phương, kể cả tại các vùng trọng điểm, đã bắt đầu phát triển công nghiệp nhưng ở thế thụ động bằng các khu công nghiệp, mà thực chất là khai thác đất, cho thuê đất. Khu công nghiệp trở thành phong trào vì nó là thứ sẵn nhất và có lẽ dễ bắt đầu nhất. Về mặt chính sách, yêu cầu cải cách mạnh và sâu trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nhưng trong thực tế Việt Nam cứ loay hoay việc “sắp xếp” cơ cấu sở hữu.

Huy Nam rất đúng khi chủ trương phải tách bạch hai khái niệm kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước để khi nói đến “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế ta không bị lẫn lộn. Kinh tế nhà nước nên tập trung vào các ngành chiến lược, khai thác tiềm năng, hoạt động với quy mô tư bản lớn, có tác động mở đường và dọn đường… chứ không phải cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân.

Đọc Tuyển tập Huy Nam(1) ta còn thấy thú vị với nhiều phân tích, nhận xét khác. Chẳng hạn đoạn bàn về việc tiếp thị với thị trường thế giới. Thông thường marketing là nỗ lực sản xuất và tiếp thị cái mà thị trường cần, nhưng từ khảo sát kinh nghiệm của Trung Quốc, Huy Nam cho rằng cần có nỗ lực và nghệ thuật bán cái mình có nữa, nhất là những đặc sản của riêng mình. Bàn về phát triển các thành phố, tác giả cũng nêu những ý kiến hay, dựa trên khảo sát hiện trường kết hợp với tri thức phong phú về phát triển đô thị.

Chẳng hạn khi nghe người bạn trên đường từ Hà Nội vào TPHCM, muốn ghé Đà Nẵng ăn canh cá diếc nấu rau răm, anh nghĩ ngay đến chính sách Đà Nẵng cần có để thu hút khách đi giữa Hà Nội và TPHCM dừng chân lại thành phố biển miền Trung này để thư giãn thay vì bay thẳng đến nơi đã dự định.

Tuyển Tập Huy Nam là một tư liệu quý về bức tranh sống động của quá trình đổi mới ở Việt Nam; về trí tuệ, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của một chuyên gia, luôn trăn trở về con đường phát triển của đất nước. Các bạn trẻ có thể tìm thấy nhiều bài học quý từ một người từ nhỏ đã có tinh thần vượt khó, luôn học hỏi, chủ động nắm bắt thời cơ và đã thành công trên đường đời, cả trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

(*) Đại học Waseda, Nhật Bản

(1) Tuyển tập Kinh tế tài chánh chứng khoán Alpha books - NXB Thế giới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới