Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đối diện với thách thức nhưng kinh tế TPHCM vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong năm 2024 gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng GRDP của TPHCM vẫn ước đạt 7,17% so với năm ngoái và có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vậy, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong năm nay trên địa bàn đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 đô la Mỹ.

Quang cảnh hội nghị tổng kết. Ảnh: L.H

Ngày 26-12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Nhiều điểm sáng kinh tế, nhưng vốn đầu tư của doanh nghiệp giảm

Báo cáo về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM, cho biết năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước.

Cụ thể quí 1 tăng 6,79%, quí 2 là 6,53%, quí 3 là 7,36% và quí 4 ước tăng 7,92%. Như vậy, tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra là tăng từ 7,5-8%).

Xuất khẩu ước đạt 46 tỉ đô la và nhập khẩu ước đạt 58,6 tỉ đô la, tương ứng tăng 8,3% và 5,9% so với năm ngoái.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Theo ông Hải, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi.

Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6%. Khách quốc tế ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20%.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 508.553 tỉ đồng, đạt 105% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 127.460 tỉ đồng, đạt 85% dự toán.

Năm 2024, thành phố đã giải quyết việc làm cho 330.000 lượt người, tạo ra 150.000 việc làm mới. Tỉ lệ thất nghiệp đô thị là 3,81%.

Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế - xã hội 2024 của TPHCM, cho thấy tình hình đăng ký và cam kết đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong năm nay đều bị sụt giảm so với kết quả của năm ngoái.

Cụ thể, lượng doanh nghiệp thành lập cả năm dự kiến khoảng 52.500 với số vốn đăng ký mới ước đạt 400.000 tỉ đồng, giảm 1,2% về số lượng và giảm 16,6% về vốn đăng ký.

Trong cùng thời gian này, có khoảng 4.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,6% và 32.500 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 17,2%. Dù vậy, trong năm nay, có 15.800 doanh nghiệp tạm ngưng trước đó quay trở lại hoạt động, tăng 21% so với cùng kỳ.

Tương tự, về đầu tư nước ngoài, báo cáo cho thấy tổng vốn nước ngoài thu hút được trong năm nay của thành phố giảm 18,9% so với năm ngoái, ước đạt 4,85 tỉ đô la (năm ngoái đạt gần 5,98 tỉ đô la).

Tổng số vốn này là từ hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.

Năm 2025 mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%

TPHCM xác định chủ đề năm 2025 là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, nghị quyết 98; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TPHCM".

Theo Phó Chủ tịch, UBND thành phố tập trung thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu (gồm 31 chỉ tiêu thành phần) kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và phân chia thành 5 nhóm.

Theo đó, nhóm chỉ tiêu về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 đô la. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%...

TPHCM cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025

TPHCM đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025. Đó là Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm; Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị giải pháp huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 dự ước 500.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch chung thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tập trung tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

TPHCM tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện mô hình, khung khổ pháp lý chính quyền đô thị sát với thực tiễn phát triển. Cùng với đó là xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới