Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đòi nợ và phạm pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đòi nợ và phạm pháp

Châu Phan

(TBKTSG) – Tin tức về vụ việc một tổ chức đòi nợ thuê cho một công ty tài chính của ngân hàng nọ dẫn đến sự tự tử của con nợ đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Chỉ mới trước đó ít ngày thôi Quốc hội đã biểu quyết cấm đầu tư kinh doanh ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Vụ việc đòi nợ dẫn đến cái chết của một con người như thế xem như một giọt nước tràn ly để cả xã hội “nói không” với đòi nợ thuê. Nhưng không cho đòi nợ thuê không có nghĩa là con nợ không còn bị đe dọa.

Hãy cùng nhìn nhận tỉnh táo sự việc để rút ra được những bài học và giải pháp phù hợp. Trước tiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của con nợ là do bị đe dọa bởi tổ chức đòi nợ thuê. Ở đây có hai vấn đề, gồm đe dọa và đòi nợ thuê. Có lẽ nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng (tổ chức) đòi nợ thuê luôn gắn liền với đe dọa nên bỏ phiếu cấm luôn ngành đòi nợ thuê.

Nhưng các tổ chức cho vay vẫn có một khe hở để lách luật. Đó là tự mình đòi nợ thông qua công ty quản lý tài sản (AMC) của mình, hoặc một tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp trực thuộc mà không đi thuê ai đòi nợ hộ cả. Thực ra thì đây luôn là một quyền lợi hợp pháp của tổ chức cho vay, không thể cấm đoán. Nếu có con nợ nào lại phải tự tử thì nguyên nhân sẽ chủ yếu bởi, được quy cho là do con nợ bị đe dọa.

Vậy vấn đề nằm ở chỗ con nợ có bị đe dọa để bị dồn vào tình thế quẫn bách, đường cùng, phải tìm đến cái chết hay không, chứ không phải kẻ đòi nợ là tổ chức đòi nợ thuê hay là một ai khác, có thể chính là chủ nợ. Nói cách khác, cấm đòi nợ thuê thì vẫn không ngăn được các hành vi đòi nợ gây khốn quẫn cho con nợ. Lẽ ra, chỉ cần cấm mọi hành vi đòi nợ có tính đe dọa (như nói thêm dưới đây) là đủ và hợp lý hơn.

Tiếp theo, liên quan đến việc đe dọa. Thực tế thì quy định của pháp luật về đòi nợ thuê trước đây cũng đã có yêu cầu: “Trong thời hạn 03 ngày trước khi thực hiện hợp đồng đòi nợ, phải có văn bản thông báo cho công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ. Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”.

Quy định liên quan đến sự đe dọa như trên là không đủ, chưa chặt chẽ và kín kẽ. Hãy tham khảo những quy định về những điều mà người đòi nợ không được làm ở Singapore thì sẽ thấy rõ hơn vấn đề này.

Cụ thể, người đòi nợ không được gây tổn thương về thể xác cho con nợ, đe dọa hay làm nhục con nợ; phá hoại tài sản (ví dụ như ném sơn vào nhà con nợ hay treo biển, dán thông báo đòi nợ tại nơi ở hay nơi làm việc của con nợ); theo dõi/đeo bám theo con nợ một cách bất hợp pháp nhằm quấy rối, gây bức xúc, căng thẳng cho con nợ; tụ tập trái pháp luật. Nếu vi phạm những điều cấm này thì có những hình phạt cụ thể đi kèm, gồm phạt tù và/hoặc phạt tiền(1).

Nếu cho rằng cấm người đòi nợ như vậy thì sẽ không đòi nợ được, vì chẳng còn phương cách nào khác để đòi nợ (ngoài chuyện kiện tụng), thì hãy tham khảo quy định đòi nợ (thuê) ở Mỹ theo đạo luật Fair Debt Collection Practices Act. Luật này quy định cụ thể khi nào, như thế nào và tần suất là bao nhiêu người đòi nợ có thể tiếp xúc với con nợ. Trong một số trường hợp, người đòi nợ có thể lập ra kế hoạch trả nợ, tất toán nợ để giúp con nợ trả nợ. Nếu luật này bị vi phạm thì người đòi nợ có thể bị kiện ra tòa án bang/liên bang về những thiệt hại và chi phí kiện tụng trong vòng một năm kể từ lúc vi phạm(2).

Đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan của Singapore hay Mỹ, có thể thấy quy định pháp luật của Việt Nam về việc đòi nợ (thuê) là quá sơ sài, không đầy đủ, rõ ràng. Chẳng hạn, theo quy định trên, các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng là gì và thế nào là ảnh hưởng đến trật tự công cộng thì lại không rõ, không được giải thích. Chiếu theo quy định này, kẻ đòi nợ vẫn hoàn toàn có thể, ví dụ, “đóng cửa bảo nhau” với con nợ trong nhà con nợ mà không gây ầm ĩ lối xóm nhưng con nợ thì vẫn “sợ xanh mặt” bằng những lời lẽ và “phương tiện” chỉ có hai bên biết với nhau, chứ không nhất thiết phải (đe dọa) dùng đến súng hay dao.

Tóm lại, nếu đã thông qua việc cấm ngành kinh doanh đòi nợ thuê mà không muốn sửa lại quyết định của mình, thì Quốc hội ít nhất cần phải cho soạn thảo và thông qua điều luật sửa đổi, quy định mới về hành vi đòi nợ (kể cả tự đòi nợ) hợp pháp và không hợp pháp, cũng như những chế tài cụ thể cho sự vi phạm các quy định này. Có làm được như vậy thì mới mong giảm được các vụ việc đau lòng liên quan đến vay nặng lãi (hay kể cả hợp pháp) đã và đang xảy ra hiện nay.

(1) https://singaporelegaladvice.com/law-articles/what-can-debt-collectors-do-and-not-do-under-the-law/

(2) https://www.investopedia.com/terms/f/fair-debt-collection-practices-act-fdcpa.asp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới