“Đời sống quanh đây có vạn lời mời...”
Danh Anh
(TBKTSG) - Câu hát trong bài Này em có nhớ của Trịnh Công Sơn bất ngờ trở lại, thật khớp với cảm xúc mà bộ phim The Secret Life of Walter Mitty (Bí mật của Mitty) mang đến. Nhà làm phim như nhà xã hội học, nhẹ nhàng bày ra câu chuyện về cuộc sống vừa thực vừa mơ, mang tâm trạng của biết bao người.
Từ mấy năm nay, công chúng không còn lạ lẫm khi nghe tin tờ báo lâu đời này, tạp chí danh tiếng kia đóng cửa, sáp nhập hoặc chỉ duy trì phiên bản trực tuyến. Trong The Secret Life of Walter Mitty, đó là hiện thực của Life, nguyên mẫu của ấn phẩm cùng tên có thật được phát hành kể từ năm 1883. Qua nhiều lần cải tổ và vào thời kỳ hoàng kim, Life trở thành ấn bản ăn khách, uy tín; nhưng cuối cùng, tạp chí phải chuyển thành trang báo điện tử có địa chỉ life.com.
Trong truyện ngắn gốc nổi tiếng của tác giả James Thurber, dĩ nhiên chưa có hiện thực đó. Đến khi chuyển thể, Walter Mitty (Ben Stiller) không phải là một người viết “xoàng” luôn cảm thấy bí bách với cuộc sống hiện tại mà trở thành người chuyên tráng phim âm bản của tòa báo. Từ đó, khán giả hôm nay dễ dàng hòa nhập với cuộc sống của Walter Mitty, chứng kiến sự đổi thay của tạp chí “Cuộc sống”, bước vào thế giới hiện đại vô cùng phức tạp với sự bùng nổ của mạng xã hội, sự giảm biên chế hàng loạt tại các tập đoàn...
Sự chuyển đổi vai trò của nhân vật và bối cảnh thời đại không chỉ tạo nên cái cớ thuyết phục cho câu chuyện mà còn mang đến hoàn cảnh thú vị cho nhân vật chính. Người đàn ông “thất bại” Mitty khó tránh khỏi nguy cơ mất việc ở tuổi 42 khi tờ tạp chí mình đang làm việc thay chủ mới, chuyển đổi mô hình hoạt động. Lúc này anh mới vỡ lẽ, hóa ra xưa nay mình chỉ thực sự sống với công việc nơi phòng tối, trải nghiệm qua những hình ảnh mà các nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh khắp nơi gửi về.
Ở những thước phim đầu, chân dung về Mitty - nhân viên mẫn cán, luôn trốn tránh thực tại bằng cách chui vào những giấc mơ - có thể chưa khiến khán giả thấy chân thật, gần gũi. Tuy vậy, những điều ẩn khuất bên trong con người Mitty dần lộ diện trong hành trình anh quyết tâm tìm kiếm tác giả của tấm phim số 25. Tấm phim ấy sẽ là bức ảnh trang bìa cho số cuối cùng của Life, người chụp là nhiếp ảnh gia kỳ cựu Sean O’Connell (Sean Penn) từng có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử của tạp chí.
Theo dấu con người bí ẩn này, Mitty bước vào cuộc hành trình không hẹn trước, từ vùng đất băng tuyết, hoang vu Greenland chuyển tới Iceland, rồi đắm chìm trong sự hùng vĩ của dãy Himalaya. Cả thế giới với Mitty xưa nay là những bức hình, là mộng tưởng thì bây giờ có thể chạm tới, cảm thấy, cả trong khoảnh khắc cận kề cái chết, đối mặt biển sâu, núi cao và cá mập. Chính những điều này có trong tôn chỉ của Life. Và với riêng Mitty, anh không còn phải để trống những ô về “nơi đã đi”, “trải nghiệm đáng nhớ nhất” trong hồ sơ tìm nửa yêu thương của mình trên mạng.
Triết lý về cái “tĩnh” trong cái “động” từ bộ phim, từ hành trình vượt lên của Walter Mitty và từ vòng đời của tạp chí Life truyền đến chúng ta cảm hứng dám đổi thay và thay vì trách cứ hoàn cảnh, lo lắng về biến động của thời đại hãy hết mình với việc mình làm, người mình yêu và dang tay khám phá cuộc sống.