(KTSG Online) - Foster & Partners – cha đẻ của những công trình kiến trúc biểu tượng của Apple dự kiến sẽ cho ra đời một thiết kế khu đô thị mang tính biểu tượng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á mang tên The Global City.
Khi nhắc đến các thiết kế của Apple, người ta không chỉ nhớ đến những sản phẩm công nghệ cuốn hút mà còn ấn tượng với những cửa hàng Apple độc đáo và bắt mắt. Ít người biết rằng, những tác phẩm kiến trúc đó đều đến từ bàn tay tài hoa của những kiến trúc sư tại Foster & Partners. Đây là công ty kiến trúc hàng đầu thế giới với trụ sở tại Anh Quốc cũng là đối tác thiết kế kiến trúc ruột của Apple trong suốt 23 năm qua.
Với mạng lưới văn phòng rộng khắp các châu lục và danh mục hơn 350 dự án đã và đang hoàn thành trên toàn thế giới, Foster & Partners được coi là một gã khổng lồ trong làng thiết kế kiến trúc. Và sắp tới đơn vị này sẽ lần đầu tiên thiết kế một khu đô thị tại Việt Nam – khu đô thị The Global City của Masterise Homes tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
Những kiến trúc sư được Steve Jobs đánh giá là “tài giỏi nhất thế giới”
Dự án đầu tiên làm nên mối quan hệ hợp tác dài hạn giữa Foster & Partners và Apple chính là Công viên Apple – trụ sở của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này tại California, Mỹ. Với diện tích lên tới 71 ha, dự án mất 9 năm để hoàn thành và đã nhận được nhiều lời tán dương khi mở cửa năm 2018. Sở hữu thiết kế hình vòng tròn, hàm ý chỉ sự toàn diện, đồng nhất và hòa hợp trong hoạt động của tập đoàn Apple, đây được coi là một trong những trụ sở văn phòng có thiết kế độc đáo nhất thế giới.
“Tôi muốn để lại cho các thế hệ sau một trụ sở công ty mang tính biểu tượng và thể hiện đầy đủ các giá trị của Apple,” Steve Jobs từng nói với người viết tiểu sử của ông, Walter Isaacson. Isaacson viết rằng cố đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Apple đã chọn Foster+Partners cho dự án này vì ông tin rằng đây là các kiến trúc sư tài giỏi nhất thế giới.
Foster+Partners đã chuyển hóa chính sự tỉ mỉ trong thiết kế, chất lượng vượt trội của chất liệu và tinh thần sáng tạo làm nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple vào tòa văn phòng trụ sở của tập đoàn này, với mặt đứng mượt mà được lắp ghép từ những tấm kính cong lớn nhất thế giới. Các kiến trúc sư đã ứng dụng nhiều xu hướng và công nghệ tiên tiến để làm nên một thiết kế xứng tầm với trụ sở của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Toàn bộ tòa nhà sử dụng nguồn năng lượng 100% tái tạo, được bao quanh bởi 80% diện tích dành cho hơn 9.000 cây xanh, bên cạnh đó là các tiện ích đa dạng trong khuôn viên như đường đi bộ, chạy bộ, bãi cỏ, sân thể thao ngoài trời, ao nước v.v.
Từ dự án Công viên Apple, Foster+Partners đã tiếp tục thiết kế các cấu phần khác trong khuôn viên của đại dự án này, gồm có Nhà hát Steve Jobs (từ năm 2009) và Trung tâm đón tiếp du khách của công viên (từ năm 2015)
Dấu ấn tại hơn 20 cửa hàng Apple trên toàn cầu
Năm 2013, khi Apple quyết định đăng ký nhãn hiệu cho thiết kế và mặt bằng cửa hàng của mình, Foster+Partners đã trở thành đơn vị thiết kế cho tất cả các cửa hàng của tập đoàn này từ đó về sau. Cửa hàng Apple đầu tiên ra đời dưới sự hợp tác này tọa lạc tại trung tâm thương mại Zorlu Centre, thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với 2 tầng hầm và một hộp kính nhô lên trên khỏi mặt đất giúp khách hàng có thể nhìn thấy những hoạt động sôi động bên trong cửa hàng. Được biết thiết kế này được lấy cảm hứng từ những chiếc hộp sản phẩm của Apple và niềm vui của khách hàng khi mở chúng. Dự án này được hoàn thành năm 2014.
Từ đó đến nay, Foster+Partners đã liên tục hoàn thành hơn 20 cửa hàng của Apple trên khắp thế giới, mỗi thiết kế đều mang một dấu ấn riêng với sự sáng tạo, độc đáo đầy thu hút. Ví dụ như cửa hàng Apple tại Piazza Liberty, Milan, Ý với đài phun nước cao 8 mét được đặt chìm, dưới những bậc thang đặc trưng của các quảng trường Ý. Thiết kế này được lấy ý tưởng từ niềm vui trẻ thơ khi vui đùa với đài phun nước.
Hay như cửa hàng Apple tại Marina Bay Sands, Singapore với thiết kế hình cầu có cấu trúc mái vòm hoàn toàn bằng kính và khả năng tự nâng đỡ hoàn toàn, lấy cảm hứng từ đền Pantheon ở Rome, một quả cầu đặt ở đỉnh của mái vòm cung cấp một tia sáng tràn ngập truyền qua không gian. Được bao quanh hoàn toàn bởi nước, cửa hàng Apple này xuất hiện như một quả cầu lơ lửng trên Vịnh Marina lấp lánh, đem đến trải nghiệm bán lẻ mới cực kỳ hấp dẫn tại một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất ở Singapore.
Hợp tác thiết kế khu trung tâm mới của TPHCM
Mới đây Foster + Partners đã ký kết với Masterise Homes và chính thức trở thành đơn vị quy hoạch và thiết kế của The Global City, hứa hẹn kiến tạo dự án thành một khu đô thị toàn cầu hiện đại, văn minh và sôi động - một “downtown” mới (trung tâm thứ hai) của TPHCM. Đơn vị này sẽ đảm nhận tư vấn kiến trúc đồng bộ cho khu đô thị rộng 117,4 ha, đưa ra các giải pháp thiết kế tiên tiến và bền vững để tạo ra một thành phố toàn cầu đích thực, đúng như tên gọi của dự án.
Ông Gerard Evenden, Đối tác cấp cao, Foster + Partners cho biết: “Khu đô thị The Global City là một dự án phức hợp mới đầy hứa hẹn tọa lạc tại khu vực trung tâm của TP.HCM và tập trung chính vào cấu phần nhà ở. Thiết kế của dự án hướng tới việc cân bằng giữa sự đa dạng sinh học trong cảnh quan và sức khỏe của cư dân và du khách trong không gian đô thị, kết hợp hài hòa các tòa nhà với không gian công cộng linh hoạt và các tiện ích cộng đồng để tạo nên một khu đô thị toàn diện và bền vững của tương lai.”
Cũng theo Foster + Partners, quy hoạch tổng quan của khu đô thị The Global City được thiết kế để tăng cường sự kết nối giữa con người với con người và tái kết nối con người với thiên nhiên. Cảnh quan và cây xanh chính là xương sống của toàn khu đô thị, liên kết 5 khu vực dân cư, mỗi khu mang một nét cá tính riêng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân khu vực đó.
Hiện The Global City đã bắt đầu thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành trong 48 tháng.
Việc đưa những tư duy thiết kế mới vào VN sẽ có ảnh hưởng lan tỏa tích cực, thông qua đó sẽ tăng cường thêm sự lão luyện tay nghề cho kiến trúc của ta, nhất là mở ra những cơ hội thu hút đầu tư mới. Ví dụ, việc xây dựng các trung tâm tài chính ở Sài gòn, Đà nẵng cần phải có định hướng khác biệt về kiến trúc và dịch vụ trong bối cảnh thời đại 4.0. Sài gòn có Thủ thiêm làm trung tâm, trong khi Đà Nẵng có thể lựa chọn Vịnh Đà Nẵng làm nơi đột phá khẩu, vừa thay đổi hẳn cảnh quan đô thị, vừa mang lại cơ hội phát triển mới.
Hài hòa là quan trọng nhất trong quy hoạch/ kiến trúc/ xây dựng. Kiến trúc hiện đại có thể cần thiết, nhưng phải đúng nơi đúng lúc. Đừng bao giờ quên kiến trúc truyền thống. Những tác phẩm kiến trúc sinh thái của KTS Võ trọng Nghĩa rất có uy tín ở nước ngoài nhưng ở ta thì có vẻ chưa được phổ biến lắm.