Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đón khách Hồi giáo, cơ hội mới cho du lịch Việt Nam

Ngọc Khuyến - Trung Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiếm gần 1/4 dân số thế giới, cộng đồng người theo đạo Hồi là đối tượng khách du lịch đặc biệt và đầy triển vọng. Mặc dù có mức chi tiêu cao, dòng khách này vẫn chưa được Việt Nam khai thác hiệu quả. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã thành công trong việc thu hút nhóm khách này nhờ các sản phẩm và dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn Hồi giáo.

Chi tiêu cao và những tiềm năng

Khách du lịch theo đạo Hồi đến từ các quốc gia Trung Đông, cùng các nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, đang là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam, bởi đây là nhóm khách có khả năng chi tiêu cao.

Ông Đoàn Đức Minh, Phó trưởng khoa Du lịch Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, tiềm năng du lịch của dòng khách Hồi giáo tại Việt Nam là rất lớn. “Du khách Hồi giáo thường có mức chi tiêu cao hơn so với khách du lịch thông thường. Theo một số nghiên cứu, mức chi tiêu trung bình của khách Hồi giáo cho mỗi chuyến đi khoảng 1.800 đô la Mỹ, cao hơn 30% so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế", ông Minh nói.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền Thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cũng cho biết, thị trường này có mức chi tiêu bình quân cao nhất trong lượng khách quốc tế mà công ty phục vụ và đang trở thành một thị trường tiềm năng, dù lượng khách trong năm 2024 chưa thực sự lớn.

Bên trong điểm lưu trú phục vụ khách Hồi giáo ở Lào Cai. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Mới đây, sau chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Malaysia vào tháng 11 và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp Halal. Đây được xem là cánh cửa mở ra nhiều thuận lợi cho ngành du lịch Halal Việt Nam.

Ngoài ra, chuyến thăm còn thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Điển hình, hãng hàng không Vietjet Air đã khai trương thêm đường bay kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, trong khi Saigontourist Group ký kết hợp tác với Tập đoàn Genesis Group nhằm phát triển du lịch giữa hai nước.

Trước đó, vào cuối tháng 10, lãnh đạo Việt Nam cũng có chuyến thăm đến ba quốc gia Trung Đông gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar. Những chuyến thăm này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút du khách từ các thị trường này.

Theo CrescentRating, thị trường du lịch Hồi giáo toàn cầu đạt 160 triệu lượt khách vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 230 triệu lượt vào năm 2028, với tổng chi tiêu ước tính lên tới 225 tỉ đô la Mỹ. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra thách thức cho các quốc gia chưa quen phục vụ khách Hồi giáo.

Tại Đà Nẵng, theo Sở Du lịch tỉnh này, lượng du khách theo đạo Hồi từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Malaysia đang tăng trưởng tốt, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tính trong 10 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng đã đón hơn 27.000 khách từ Indonesia, mức cao nhất trong 4 năm qua. Tương tự, khách từ Malaysia cũng phục hồi mạnh, đạt gần 145.000 lượt khách trong năm 2023.

Còn tại Thừa Thiên Huế, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đại dịch Covid-19 gần như không có khách Hồi giáo đến địa phương này, nhưng từ năm 2022, nhờ các đường bay trực tiếp từ Malaysia, Singapore, Trung Đông và Ấn Độ, thị trường này đã bắt đầu phát triển. Nhưng, sự tham gia của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế do đang trong quá trình thử nghiệm và chờ đợi chính sách rõ ràng.

Thiếu hụt đầu tư và dịch vụ Halal

Theo các công ty lữ hành, các điểm đến phổ biến mà du khách Hồi giáo thường lựa chọn khi đến Việt Nam bao gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Ninh, bởi những nơi này đã có nhiều cơ sở Halal và có kinh nghiệm tiếp đón du khách quốc tế, trong đó có du khách từ các quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, ngoài những tỉnh thành này, Việt Nam còn rất nhiều điểm đến khác cũng hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và sở thích của nhóm khách này.

Ông Đoàn Đức Minh nhận định "Du khách Hồi giáo rất yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử và con người bản địa. Các điểm đến có di sản văn hóa phong phú và kiến trúc độc đáo luôn thu hút sự quan tâm của họ".

Một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận An Giang là nơi có cộng đồng người Chăm lớn và các điểm đến du lịch hấp dẫn như vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Mũi Né và Phan Thiết đều có tiềm năng đón khách Hồi giáo. Dù vậy, một trong những trở ngại lớn nhất là thiếu các dịch vụ Halal chuẩn, bao gồm thực phẩm Halal, nhà hàng chứng nhận Halal, và cơ sở phục vụ như phòng cầu nguyện.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty Nhà Hàng Khách Sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ chia sẻ: "Chỉ riêng việc cung cấp thực phẩm Halal đã là một thách thức lớn. Nhiều nhà hàng và khách sạn tại Việt Nam chưa đạt chứng nhận Halal, gây khó khăn cho du khách Hồi giáo trong việc lựa chọn điểm đến".

Tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện nay, thành phố chỉ có hai nhà hàng được chứng nhận Halal, trong khi nhu cầu về thực phẩm Halal tại Việt Nam đang gia tăng mạnh.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở An Giang, nơi có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhưng thiếu các dịch vụ Halal đạt chuẩn.

Một vấn đề khác là các địa phương du lịch ở Việt Nam thiếu các điểm cầu nguyện phù hợp. Du khách Hồi giáo cần không gian yên tĩnh, sạch sẽ và kín đáo để thực hiện nghi lễ cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Việc chú trọng đến những yếu tố nhỏ như chỉ dấu hướng cầu nguyện và cung cấp thảm cầu nguyện thể hiện sự chu đáo của ngành du lịch và tạo ấn tượng tốt đối với du khách.

Ảnh minh họa: Khách du lịch theo đạo Hồi, với mức chi tiêu cao hơn 30% so với bình thường đang là một thị trường tiềm năng.

Có thể thấy sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ văn hóa Hồi giáo và các hoạt động giải trí phù hợp cũng là yếu tố hạn chế khả năng thu hút du khách Hồi giáo đến Việt Nam. Chính vì vậy, các quốc gia láng giềng như Malaysia, Indonesia và Thái Lan hiện vẫn là những điểm đến ưu tiên của du khách Hồi giáo.

Nỗ lực tiếp cận dòng khách mới

Để khai thác tối đa tiềm năng thị trường du lịch Hồi giáo, Việt Nam không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của du khách mà còn phải đẩy mạnh xúc tiến du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch Halal. Nhiều tỉnh, thành phố như TPHCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai các chương trình xúc tiến để thu hút khách Hồi giáo. Một số doanh nghiệp lữ hành cũng đang đẩy mạnh khai thác dòng khách này thông qua các sản phẩm du lịch phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương cho biết “Dù du khách theo đạo Hồi chiếm chưa đến 5% trong tổng số khách hàng mà công ty đang phục vụ, nhưng chúng tôi đánh giá đây là nhóm khách hàng tiềm năng”. Công ty đã thiết kế các tour du lịch riêng để phục vụ nhóm khách này, chẳng hạn như tour "Đa sắc Cửu Long" khai thác văn hóa cộng đồng người Chăm Islam tại An Giang, và tour "Con đường lúa gạo Xà No" khám phá Cần Thơ và vùng Tây sông Hậu. Công ty cũng đang đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú có khu vực cầu nguyện và bếp ăn Halal để phục vụ du khách này.

Đối với tỉnh An Giang, địa phương đang đẩy mạnh khai thác du lịch văn hóa gắn với cộng đồng người Chăm, với các điểm đến nổi bật như thánh đường Mubarak, Masjid Jamiul Azhar và làng Châu Phong.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, cho biết "Chúng tôi đang triển khai chương trình 'Một ngày làm người Chăm', mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa, phong tục và đời sống truyền thống của người Chăm. Tỉnh cũng chú trọng phục hồi nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu là việc khôi phục đội trống Ráp-pà-nà – nhạc cụ đặc sắc đã mai một từ lâu. Đây là đội trống duy nhất trong 9 xóm Chăm tại An Giang và hiện được biểu diễn phục vụ du khách".

Ngoài ra, ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng xã Châu Phong đang được xây dựng trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng. Những nỗ lực này không chỉ góp phần quảng bá văn hóa Chăm mà còn tạo dấu ấn riêng, nâng cao sức hút cho du lịch An Giang.

Theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó trưởng Ban Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Việt Nam, một trong những vấn đề lớn hiện nay là thiếu thông tin về văn hóa Hồi giáo, sự thiếu hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức Halal, cũng như thiếu chứng nhận Halal cho các sản phẩm và dịch vụ. Do đó, vừa qua Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Việt Nam đã công bố Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 14230:2024 về "Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu". Theo bà Thảo, việc này sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ khách du lịch Hồi giáo, một thị trường đầy tiềm năng.

Không chỉ vậy, Việt Nam có thể học hỏi từ những điểm đến đã thành công trong việc thu hút khách du lịch Hồi giáo, chẳng hạn như Kuala Lumpur, Malaysia là một ví dụ điển hình với cơ sở hạ tầng du lịch phát triển và dịch vụ Halal đa dạng, từ khách sạn, nhà hàng đến trung tâm mua sắm và giải trí. Hay Seoul (Hàn Quốc) là một ví dụ đáng chú ý vì dù không phải là quốc gia Hồi giáo, họ vẫn nỗ lực phát triển du lịch Halal thông qua việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách Hồi giáo.

Quan trọng nhất, để phát triển bền vững thị trường này, việc phải chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài, đảm bảo cung cấp cho du khách những gì họ cần dựa trên tiềm năng sẵn có, đồng thời tuân thủ đúng chuẩn mực. Chỉ khi nắm rõ thông tin và đặc điểm thị trường du lịch Hồi giáo mới có thể tạo dựng được lòng tin và sự quan tâm từ họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới