Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển

Quốc Hùng

(TBKTSG) - Cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư có kế hoạch dịch chuyển sản xuất nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Liệu Việt Nam có nắm được cơ hội thu hút đầu tư từ sự dịch chuyển này?

Đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển
Công nhân trong dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp có vốn FDI. Ảnh: Quốc Hùng

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Gần đây, Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Apple lần đầu sản xuất khoảng 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods ở Việt Nam. Con số này tương đương 30% tổng sản lượng AirPods của Apple trong quí 2-2020.

Trên thực tế, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn thẩm định kế hoạch chuyển 15-30% sản lượng phần cứng của hãng ra khỏi Trung Quốc ở đỉnh điểm căng thẳng giữa Washington-Bắc Kinh vào năm ngoái. Giờ đây, Covid-19 tiếp tục thúc đẩy quá trình đó. GoerTek, nhà lắp ráp AirPods chủ chốt, có trụ sở tại Trung Quốc, bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam từ tháng 10-2018 và đã sản xuất thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái. Cũng vào năm ngoái, một nhà cung cấp khác của Apple là Luxshare-ICT đã đầu tư vào Việt Nam và cũng sản xuất tai nghe không dây. Inventec, một nhà lắp ráp AirPods khác, hiện đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam, theo yêu cầu của Apple.

Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng linh kiện âm thanh ở phía Bắc Việt Nam, nơi mà gã khổng lồ công nghệ Cupertino từ lâu đã hợp tác với các nhà máy sản xuất EarPods - tai nghe có dây đi kèm với iPhone. Trong khi đó, nhà cung cấp linh kiện âm thanh Merry Electronics đang hợp tác với Luxshare xây dựng cơ sở tại Việt Nam và dự kiến hoạt động trong mùa hè này. Hai nhà sản xuất iPhone lớn là Foxconn và Pegatron cùng nhà sản xuất iPad Compal Electronics cũng đang mở rộng sản xuất.

Tại Hội nghị Thủ tướng chính phủ với các doanh nghiệp vào tuần trước, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đều khẳng định mối quan tâm của họ đối với điểm đến đầu tư Việt Nam. Ông Nicolas Audier từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho rằng các biện pháp của Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19 giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cũng cho biết Kocham sẽ tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư có chất lượng cho Việt Nam.

Nói về gói hỗ trợ khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ của chính phủ Nhật dành cho các công ty Nhật di chuyển nhà máy về nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết Việt Nam đang nhận được sự chú ý. “Năng lực quản lý rủi ro của Việt Nam được các công ty Nhật đánh giá tích cực khi chính phủ đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh”, ông nói.

Cạnh tranh gay gắt

Đứng trước cơ hội đón tiếp dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam đang có nhiều “đối thủ” nặng ký. Theo hãng tin Bloomberg, gần đây, Ấn Độ đã thu hút được cả ngàn công ty Mỹ. Ngoài sức hấp dẫn là một thị trường lớn với dân số đứng thứ nhì thế giới, Ấn Độ có hàng loạt ưu đãi đầu tư nước ngoài, ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. Chính phủ nước này thuyết phục các nhà đầu tư rằng dù tổng chi phí có cao hơn so với đầu tư ở Trung Quốc, nhưng các chi phí về đất đai, lao động lành nghề... vẫn rẻ hơn so với Mỹ hay Nhật Bản. Họ cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử...

Còn theo Nikkei Asian Review, Thái Lan đã công bố gói chính sách mới bao gồm hàng loạt biện pháp khuyến khích về thuế và tiến tới sửa đổi Luật Kinh doanh nước ngoài, qua đó “bật đèn xanh” cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư ở Thái Lan. Ngoài ra, gói chính sách này còn đưa ra các biện pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, nhà tư vấn và quản lý bất động sản JLL nhận định Việt Nam tuy là điểm đến đang được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, mức lương công nhân tại Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam nhưng tay nghề công nhân của họ cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, những điểm yếu cố hữu khác của Việt Nam là cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất; nguồn nhân lực chất lượng cao ít; tính liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn yếu dẫn tới việc chuyển giao công nghệ chưa được như kỳ vọng; sự phức tạp, chồng chéo trong xử lý các thủ tục hành chính làm chậm quá trình đầu tư... Do vậy, giới quan sát cho rằng Việt Nam cần phải hành động nhanh hơn nữa để khắc phục những mặt hạn chế. Các cơ quan chức năng cần tiếp cận ngay để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia, không thụ động chờ họ tìm đến mình.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, lưu ý tới việc “cài đặt” một bộ lọc để có thể lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện môi trường và tuân thủ luật pháp quốc tế về đầu tư. “Sự chủ động của Việt Nam sẽ quyết định xu hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới”, ông nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thế giới đang rất cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Mỹ đã đưa ra luật định chính phủ có quyền xem xét đầu tư nước ngoài chứ không phải tự do như trước đây. Việt Nam cần tham khảo vấn đề này để thiết kế bộ lọc lựa chọn các doanh nghiệp nước ngoài có chất lượng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới