(KTSG) - Để vượt qua những thách thức, liên kết vùng được xem là yếu tố cốt lõi. Từ nghị quyết về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long đến đề án quy hoạch vùng, tất cả đã mở ra cánh cửa vận hội mới. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ dừng lại trên giấy nếu tư duy liên kết không vượt qua rào cản địa giới hành chính.
- Liên kết ngành lúa gạo: Nông dân gia công cho doanh nghiệp có được hay không?
- Nông nghiệp bền vững và những nguyên tắc cần tuân thủ trên thực địa
Ai đi miền xa nhớ về quê nhà
Thăm con đường xưa bến cũ miền Tây.
Mỗi lần về lại miền Tây, lòng tôi lại dạt dào cảm xúc. Trên từng nẻo đường, dòng sông, cánh đồng, tất cả gợi lên một miền ký ức về vùng đất cuối cùng của Tổ quốc - nơi hơn 300 năm trước, cha ông ta đã khai phá, mở mang. Miền Tây lạ lắm, cứ như một người bạn thân quen mà mỗi lần gặp lại đều mang đến niềm vui mộc mạc, ấm áp.
Một vùng châu thổ đặc biệt, thuộc nhóm những châu thổ rộng lớn nhất thế giới, là nơi dòng Mêkông - con sông dài bậc nhất địa cầu - kết thúc hành trình vạn dặm, ôm trọn miền đất này vào lòng. Đây là nơi giao thoa của văn hóa các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm - mỗi bước chân khẩn hoang đều in dấu những giá trị văn hóa đặc sắc. “Miền Tây gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Từ những cái tên như Nam Kỳ lục tỉnh, miệt vườn, miệt thứ, đến bán đảo Cà Mau, vùng đất phương Nam này đã trở thành biểu tượng của kinh tế trù phú và văn hóa độc đáo.
Văn hóa miền Tây - hồn cốt từ sông nước
Dấu tích văn hóa Óc Eo vẫn còn trải dài trên vùng biên giới. Những ngôi chùa Khmer Nam Tông thanh tịnh, những mái đình của người Kinh, hay các món ăn đậm dấu ấn người Hoa đều làm giàu thêm bức tranh văn hóa nơi đây. Áo bà ba, khăn rằn mộc mạc, câu hò điệu lý, đờn ca tài tử - tất cả như hòa vào từng nhịp sống của người dân miền sông nước.
Đây từng là nơi thiên nhiên ưu ái: mưa thuận gió hòa, phù sa nước ngọt quanh năm, cá tôm dồi dào, ruộng vườn xanh tốt. Nền nông nghiệp lúa nước, những vườn cây trái, nguồn lợi thủy sản đã giúp miền Tây sớm đi vào nền kinh tế hàng hóa. Người miền Tây tự hào về quê hương mình, bởi nơi đây không chỉ sản sinh ra lương thực cho cả nước mà còn là cái nôi của những con người nghĩa tình, hào sảng.
Thách thức của hôm nay
Nhưng miền Tây ngày nay không còn là bức tranh thanh bình như thuở trước. Diện tích đất đai “thẳng cánh cò bay” dần bị thu hẹp bởi đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nước ngọt và phù sa từ dòng Mêkông ngày càng ít ỏi; mùa nước nổi không còn mang theo cá tôm dồi dào như trước. Đất đai bạc màu, dòng nước ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Những vùng đất trù phú thuở nào giờ phải đối mặt với sạt lở, sụt lún, hạn mặn.
Con người miền Tây, từ chỗ tìm đến đây lập nghiệp với niềm hy vọng, giờ lại phải rời đi, mang theo trong lòng nỗi nhớ quê da diết. Vùng đất này còn đối mặt với những thách thức nội tại: hạ tầng yếu kém, giáo dục chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đủ sức đáp ứng.
Liên kết - chìa khóa phát triển bền vững
Để vượt qua những thách thức, liên kết vùng được xem là yếu tố cốt lõi. Từ nghị quyết về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long đến đề án quy hoạch vùng, tất cả đã mở ra cánh cửa vận hội mới. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ dừng lại trên giấy nếu tư duy liên kết không vượt qua rào cản địa giới hành chính.
Một nhà đầu tư nước ngoài từng nói: “Thế giới biết đến Mekong Delta, nhưng ít ai phân biệt được Đồng Tháp, Bến Tre hay Trà Vinh. Nếu các anh liên kết lại dưới thương hiệu Mekong Delta, thế giới sẽ biết nhiều hơn”. Câu nói ấy khiến tôi giật mình. Phải chăng, chúng ta đã quá quen thuộc với vùng đất mình mà quên mất rằng trên thế giới có hàng trăm quốc gia, hàng ngàn địa phương, và không phải ai cũng biết đến mình?
Đồng bằng vượt lên chính mình
Người miền Tây hôm nay vẫn mang trong mình tinh thần không cam chịu. Nhiều sáng kiến nông nghiệp thuận thiên, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được triển khai. Những nông dân tâm huyết vẫn giữ lại cây lúa mùa đặc sản - không chỉ để bảo tồn mà còn để nhắc nhớ về văn hóa lúa nước của cha ông.
Các mô hình nông nghiệp sinh thái như tôm - lúa, tôm - rừng, lúa - sen… đã cho thấy người miền Tây đang tìm cách hòa hợp với thiên nhiên để phát triển bền vững. Các sáng kiến như Mekong Connect, Mekong Startup, và Quy hoạch 1 triệu héc ta lúa giảm phát thải cũng là những phép thử quan trọng để phát huy tinh thần liên kết vùng.
Đồng bằng cần hướng đến việc hình thành các cụm liên kết nông - công nghiệp, gắn với khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Những cụm liên kết này sẽ là nơi đào tạo nông dân, hợp tác xã chuyển đổi phương thức sản xuất hiện đại, đồng thời thu hút trí thức trẻ trở về phát triển quê hương.
Những cây cầu dây văng, những tuyến cao tốc đang dần thay thế hình ảnh “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, báo hiệu sự thay đổi diện mạo đồng bằng. Nhưng những điều ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn liền với liên kết không gian kinh tế giữa các địa phương, vượt qua rào cản hành chính.
Người miền Tây vẫn luôn tin tưởng và khát vọng. Một ngày không xa, vùng đất Chín Rồng sẽ cất cánh, mang theo tiếng hò câu lý vọng mãi:
Cánh chim tung trời về Đất Phương Nam,
Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm.
Bao la tình đời, màu lục bình trôi.