Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng bằng sông Cửu Long cần một cơ chế điều phối vùng mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng bằng sông Cửu Long cần một cơ chế điều phối vùng mới

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long cần một mô hình phát triển mới theo hướng bền vững và có tính liên kết vùng, thay vì tập trung vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như trước đây, theo TS. Vũ Thành Tự Anh.

Chia sẻ tại một hội thảo trực tuyến do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức, TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc trường, đồng chủ biên Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 – cho biết sự phân tán là một trong những điểm yếu khiến khu vực này ngày càng tụt hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long cần một cơ chế điều phối vùng mới
Các chuyên gia khuyến nghị ĐBSCL cần chú trọng đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với vùng Đông Nam bộ. Trong ảnh là một phần tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ - Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Quá trình ‘đi lùi’ của Đồng bằng sông Cửu Long

TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TPHCM chỉ bằng 2/3 Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, nhưng tới năm 2010 thì GDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 TPHCM. Tỷ lệ này được duy trì tới hiện tại.

Tương tự, ĐBSCL đóng góp 27% vào GDP cả nước năm 1990. Nhưng tỷ lệ này giảm xuống mức 17,7% vào năm 2000, rồi duy trì trong ngưỡng 17,7-18,3% trong gần 20 năm tiếp theo.

“Những con số này cho thấy ĐBSCL đã tiến lùi về kinh tế trong 30 năm qua”, ông Tự Anh nhận xét.

"Tiến lùi", theo vị chuyên gia kinh tế này, là sự tụt hậu về phát triển của khu vực này so với các khu vực khác ở Việt Nam, dù nằm sát TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là dần tụt hậu về tăng trưởng kinh tế so với TPHCM và cả nước.

Lý giải thực trạng, ông Tự Anh cho rằng quan điểm chú trọng an ninh lương thực khiến chính quyền và người dân duy trì diện tích trồng lúa trong thời gian dài, bất chấp những khó khăn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư công được tập trung để xây đập ngăn mặn, thay vì hạ tầng giao thông. Còn các nguồn tài nguyên gồm nước ngọt, đất phù sa bị tận khai do có tới 3 vụ lúa với diện tích gieo trồng lớn. Thậm chí, tình trạng sử dụng phân bón, hóa chất và khai thác nước ngầm phục vụ gieo trồng quá nhiều đã khiến đất đai sụt lún.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng sự hạn hẹp về khái niệm "tài nguyên" và "an ninh lương thực" cũng khiến khu vực này bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

“Việc quy an ninh lương thực thành an ninh về lúa, quy an ninh về lúa thành diện tích về lúa phải giữ khiến khu vực này khó chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế khác”, ông Tự Anh phân tích.

Cụ thể, với cây lúa thì nước ngọt là tài nguyên, nhưng với tôm và cá thì nước mặn và nước lợ là tài nguyên. Việc khu vực này ưu tiên trồng lúa đã khiến các lĩnh vực khác không thể phát triển, dù tôm và cá mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Bên cạnh việc ưu tiên trồng lúa, sự phân tán là một yếu tố khiến ĐBSCL tụt hậu, theo phân tích của Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Thứ nhất, đó là sự phân tán về chính sách. Hiện tồn tại tình trạng cạnh tranh lẫn nhau để phát triển giữa 13 tỉnh trong khu vực này, khiến việc giải quyết các thách thức có quy mô cấp vùng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói mòn tài nguyên gặp nhiều khó khăn.

“Nếu như tiếp tục phân tán thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất sức mạnh”, ông Tự Anh nhấn mạnh.

Thứ hai, người dân vùng ĐBSCL có tập quán sinh sống theo tuyến – dọc theo lộ và các con sông, thay vì sống theo cụm. Điều này khiến việc phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, hoạt động sản xuất của đồng bằng, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hội nghề nghiệp theo hướng "mạnh ai nấy chạy", thay vì phát triển theo chuỗi giá trị.

Ngoài ra, cơ chế hội đồng vùng hiện còn yếu và thiếu hiệu lực. “Hội đồng vùng chỉ họp hai lần mỗi năm, nên ngay cả khi đạt được sự đồng thuận với nhau thì về địa phương mạnh ai nấy chạy”, ông nói.

Xu hướng "tiến lùi" về phát triển đã tạo ra nhiều hệ luỵ về y tế, xã hội với khu vực ĐBSCL, gồm tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thấp nhất cả nước; tăng trưởng dân số duy trì ở mức âm từ năm 2016 tới nay do tình trạng xuất cư; chất lượng y tế cũng tụt hạng khi chỉ có 24,8 giường bệnh và 7,7 bác sĩ trên mỗi 10.000 dân.

Một chỉ báo đáng ngại với khu vực này là quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tỉnh khá thấp, chỉ đóng góp khoảng 6% vào tổng NSNN. Trong đó chỉ có Cần Thơ tự chủ tài chính và có điều tiết về trung ương, còn tất các tỉnh khác đều phải trông chờ vào nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương.

Đáng chú ý, đặc trưng cơ bản của cơ cấu thu NSNN khu vực này là sự phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xổ số. “20% ngân sách tới từ xổ số, dù thực chất đây là một loại thuế lũy thoái đánh vào người nghèo”, ông Tự Anh nêu quan điểm.

Còn báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020 do VCCI và trường Fulbright thực hiện, cho rằng nguồn thu NSNN hạn chế khiến hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL bị hạn chế về khả năng vay nợ của chính quyền địa phương. Điều này dẫn tới việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển bị hạn chế.

Xây dựng cơ chế quản trị vùng mới

“Cơ chế điều phối thực sự có hiệu lực phải tạo ra được các quyết định về tài khóa, quy hoạch, đầu tư và ở vị trí có động cơ theo đuổi lợi ích toàn vùng chứ không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ địa phương”, ông Tự Anh nói

Đề xuất giải pháp, ôngTự Anh cho rằng cần thay đổi cơ chế khuyến khích cho các địa phương. Cụ thể, cần thay đổi cơ chế đánh giá địa phương và lãnh đạo địa phương bằng tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, xuất - nhập khẩu và các chỉ tiêu có tính cục bộ địa phương khác nhằm hạn chế tâm lý chỉ lo cho địa phương mình quản lý, thay vì toàn vùng.

Ngoài ra, vị chuyên gia này đề xuất Chính phủ cần xem xét việc tạo ra một cơ chế liên kết vùng chặt chẽ hơn, thậm chí xây dựng một chính quyền vùng để tạo ra một chỉnh thể kinh tế đủ lớn thực hiện việc phát triển kết cấu và hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh, hiện đại.

“Cơ chế điều phối thực sự có hiệu lực phải tạo ra được các quyết định về tài khóa, quy hoạch, đầu tư và ở vị trí có động cơ theo đuổi lợi ích toàn vùng chứ không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ địa phương”, ông nói.

Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, mô hình phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long nên được xây dựng trên 4 trụ cột, gồm kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị.

Với trụ cột quản trị, một trong những điểm yếu của ĐBSCL là sự phân tán, các tỉnh cạnh tranh nguồn lực với nhau, không đưa ra được chiến lược chung.

“Các thách thức như thiếu nước ngọt, xói mòn đất đều mang tính toàn vùng mà các tỉnh lại hành xử theo kiểu địa phương”, ông Tự Anh nói.

Nguồn lực đầu tư dù có xu hướng tăng khi thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP, nhưng chưa đủ để bù đắp cho khoảng thời gian dài bị “bỏ quên”. Vì vậy, các tỉnh cần có sự thống nhất, đồng thuận để phân bố nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.

Về cơ sở hạ tầng, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất cần tạo ra trục giao thông đường bộ mang tính "xương sống" với khả năng kết nối toàn bộ vùng.

“Nếu có rất nhiều tiền thì chúng ta xây được nhiều tuyến đường, nhưng ngân sách không dư dả nên phải ưu tiên cho hai trục là Cần Thơ-Cà Mau và  An Giang-Sóc Trăng. Hai tuyến này sẽ tạo ra xương sống chính cho khu vực”, ông đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới