Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 740 điểm sạt lở

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 743 điểm sạt lở với tổng chiều dài 794 km. Trong đó, có 168 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Dự báo, diễn biến thiên tai vùng này còn phức tạp, khó lường hơn thời gian tới.

Một điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Ảnh ninh họa: Trung Chánh

TTXVN đưa tin, ngày 29-11 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ có diễn ra diễn đàn nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại đây, đại diện Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết trong số 743 điểm sạt lở có gần 690 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 600km và 57 điểm sạt lở bờ biển dài hơn 200km; đặc biệt có 168 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, hơn 200 điểm sạt lở nguy hiểm.

Thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2022-2023, vùng ĐBSCL có gần 22 triệu m3 đất cát lòng sông bị xói lở, nhưng khối lượng bồi chỉ gần 5 triệu m3, thiếu hụt gần 17 triệu m3. Đối với bờ biển, giai đoạn 2020-2023, miền Tây có hơn 400 km đường bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 458 hecta đất.

Để bảo vệ bờ sông, bờ biển, các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên trồng rừng ngập mặn, xây dựng bờ kè kiên cố... Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL còn một số bất cập của hệ thống thủy lợi như kênh bị thu hẹp, thiếu khả năng trữ nước ngọt, thiếu trạm bơm để điều tiết nước; công trình chống ngập đô thị chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, vùng còn thiếu công trình kiểm soát lũ đầu mối sông Tiền, sông Hậu; nước biển dâng cộng với sụt lún làm gia tăng ngập úng vùng giữa đồng bằng và ven biển.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, thiên tai vùng này sẽ còn phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt về sụt lún, sạt lở, ngập lụt, xâm nhập mặn… Tình trạng này là do biến đổi khí hậu, các hoạt động khai thác ở thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển nóng về kinh tế - xã hội ở vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới