Thứ bảy, 1/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng chảy thông tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng chảy thông tin

Việc hình thành Bộ Thông tin và Truyền thông ở nước ta đúng vào thời điểm ngành báo chí trên khắp thế giới đang trải qua nhiều thay đổi. Đầu tiên là ở các nước mà sự thâm nhập Internet đã len vào từng ngõ ngách của cuộc sống: các tờ báo in chứng kiến sự sút giảm lượng phát hành, phải mở rộng hoạt động qua ấn bản điện tử trên mạng để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và riêng biệt của từng giới độc giả.

Xu hướng này ở nước ta chưa xảy ra nhưng sự cạnh tranh thông tin giữa báo điện tử và báo giấy đã có và ngày càng mạnh lên thêm.

Bên cạnh đó, hàng ngàn nhật ký điện tử trên mạng - thường được biết đến dưới tên gọi “blog” - đã thu hút sự quan tâm của nhiều người như một dạng “báo chí công dân”, dù thông tin vàng thau lẫn lộn nhưng đôi lúc là tiếng nói bổ sung, phản biện, giải thích thêm cho hệ thống báo chí chính thống. Đó là một thực tế không thể bỏ qua.

Việc gắn kết hai mảng thông tin và truyền thông vì thế là xu hướng tất yếu khi đã dần hình thành sự hội tụ các phương tiện truyền tải thông tin, bất kể dưới hình thức in, phát thanh, phát sóng hay tải trên Internet. Cái cốt lõi là nội dung thông tin chứ không phải phương tiện thể hiện. Vì thế, quản lý nhà nước trong tình hình này đòi hỏi phải có một sự thay đổi căn bản, chứ không thể giữ nguyên tư duy “quản tới đâu mở tới đó” như trước nữa. Bộ Thông tin và Truyền thông chắc chắn không đủ nhân lực và nguồn lực để đọc hết các blog thay đổi nội dung hàng ngày, hàng giờ.

Thay đổi cơ bản nhất, theo chúng tôi, là xem các phương tiện thông tin, truyền thông đa dạng này cũng là các kênh chuyển tải thông tin đến với người dân chứ không phải là “đối tượng phải quản lý” theo nghĩa siết chặt. Nó cũng là kênh phản hồi ngược lại ý kiến, suy nghĩ và tâm tư của người dân đến với các nhà lãnh đạo và những người làm chính sách. Như vậy, vấn đề là cần cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và chính xác cho xã hội và sử dụng các phương tiện thông tin đó như động lực để mang lại sự minh bạch cao hơn cho hoạt động mọi mặt của Nhà nước. Ở đây chúng tôi không đề cập các blog “đen” - loại xâm phạm thuần phong mỹ tục hay lăng nhục người khác (loại này chỉ cần dùng pháp luật để giải quyết).

Cũng phải xem tình hình bùng nổ các phương tiện thông tin là tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ, đẩy lùi sai sót. Các báo chính thống, chẳng hạn, không thể đăng tin sai vì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn blog “đính chính” lại. Báo in sẽ không thể trễ nải trong việc đưa tin vì báo điện tử sẽ lấp đầy khoảng trống này. Thử đọc một số blog bàn chuyện thời sự, rõ ràng ý kiến nào cố tình bóp méo sự thật sẽ bị chính những người vào đọc phản đối. Riêng với hiện tượng các blog viết theo dạng “báo chí công dân”, thời kỳ thu hút người tò mò sẽ nhanh chóng trôi qua nếu báo chí chính thống đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc, cộng với sự chuyên nghiệp, chiều sâu, độ tin cậy cao. Quản lý, trong tình hình đó là tôn trọng thông tin và tạo dòng chảy cho thông tin chứ không phải nhắm đến việc nắm các phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện trên mạng Internet.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới