Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đóng cửa theo mùa hay tạm thời để du lịch hồi sinh?

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Rác thải và ô nhiễm môi trường đã trở nên nghiêm trọng hơn tại các bãi biển, điểm du lịch biển nổi tiếng ở Đông Nam Á. Một số nơi đã chọn đóng cửa theo mùa hoặc tạm thời để hồi sinh du lịch. Liệu đó có phải là giải pháp hữu hiệu?

Năm 2023, vịnh Maya đóng cửa hai tháng từ ngày 1-8 đến 1-10 nhằm giúp thiên nhiên hồi phục. Ảnh: TAT cung cấp

Năm 1999, chỉ hai năm sau khi khu nghỉ dưỡng (resort) đầu tiên của Việt Nam thuộc sở hữu của cặp vợ chồng người nước ngoài khai trương, Mũi Né ở thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận đã trở thành “thủ phủ resort” với các khu nghỉ dưỡng mọc lên như nấm. Thời điểm đó, khách đã ngán ngẩm với nạn du khách và người dân trong khu vực vất rác lung tung, với nhiều rãnh nước đen ngòm từ các resort thải thẳng ra biển…

Hơn 20 năm sau, rác thải đã “bủa vây bãi biển, khiến du khách bịt mũi ngao ngán bỏ đi, không dám xuống biển tắm” - như truyền thông trong nước và quốc tế mô tả về tình trạng hiện nay ở Mũi Né và các điểm du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam. Hạ Long, Đồ Sơn, Hằng Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc… rác đều vây tứ bề, trên cạn lẫn dưới biển. Một số tỉnh thành trong nước đã cố gắng gom rác thải, xây dựng nhà máy xử lý rác… nhưng môi trường vẫn chưa sạch, không khí vẫn chưa dễ thở hơn.

Một bài báo của hãng AFP, Pháp vào tháng 6-2023 đã viết: “Từ đầu tháng 3, 10.000 mét khối rác - đủ lấp đầy bốn bể bơi tiêu chuẩn Olympic - được vớt khỏi mặt nước, theo Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Vấn đề rác thải đặc biệt nghiêm trọng trong hai tháng qua, khi kế hoạch thay thế phao xốp ở các bè nuôi cá trên vịnh bằng giải pháp mang tính bền vững hơn đã không hiệu quả. Ngư dân đã vứt bỏ các khối nhựa PS dư thừa xuống biển. Chính quyền đã điều 20 sà lan, 8 thuyền và hàng chục người tiến hành dọn dẹp. Dù vậy, vịnh Hạ Long đang chịu áp lực từ rác”.

Rác và tình trạng ô nhiễm trên bờ, dưới nước ở các khu du lịch biển cũng là vấn nạn ở các vùng đảo Đông Nam Á.

Philippines: xóa đi xú danh “bể chất thải”

Boracay là một hòn đảo nhỏ có diện tích xấp xỉ hơn 10 cây số vuông thuộc tỉnh Aklan, nằm cách thủ đô Manila của Philippines hơn 300 cây số về phía Nam. Năm 2018, nguyên Tổng thống Rodrigo Duterte đã gọi hòn đảo này là “bể chất thải” (cesspool) khi các bãi biển ở đây quá đông đúc, nước thải xả thẳng ra biển, tảo biển tạo nên thủy triều xanh, đường sá tắc nghẽn và các công trình xây dựng ngổn ngang khắp hòn đảo.

Bãi biển Maya nằm trên đảo Koh Phi Phi Leh nổi tiếng thế giới qua bộ phim The Beach với tài tử Leonardo DiCaprio đóng vai chính. Ảnh: TAT cung cấp

Ông Duterte đã ra lệnh đóng cửa hòn đảo trong sáu tháng. Đây là một quyết định gây sôi sục dư luận khi các nhà điều hành resort và khách sạn, các hãng hàng không và người dân phải “treo niêu” chịu đói trong nhiều tháng. Dịch Covid-19 là cú giáng mạnh mẽ sau sắc lệnh của ông Duterte, nhưng lại là một tác nhân mới thúc đẩy sự hồi phục, tự chữa lành của hòn đảo khi du khách vắng bóng.

Nhà báo Jack Board của kênh truyền hình Channel News Asia ở Singapore đã mô tả về Boracay mới mẻ khi thăm hòn đảo này vào đầu tháng 7 rồi: “Có thể thấy những thay đổi tích cực đối với Boracay kể từ khi đóng cửa năm 2018. Từng là biểu tượng nhộn nhạo của hòn đảo trước đây, bãi White Beach không còn những “lô cốt” bán hàng hay dịch vụ, các trò múa lửa và những nơi ăn uống xô bồ trên cát. Các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với ăn uống trên bãi biển, cấm khách bay flycam và hàng rong chèo kéo. Tiếng động cơ ồn ào của ca nô, của các trò chơi, môn thể thao dưới nước biến mất. Bầu không khí tiệc tùng cũng đã tan biến”.

Jack Board cũng mô tả đường xá ở Boracay đã được mở rộng và chỉnh trang. Các tòa nhà quá gần đường đã bị phá bỏ hoặc buộc phải sửa đổi. Xe ba bánh chạy bằng điện dành cho người đi làm và khách du lịch đã thay thế cho những chiếc xe thải khói đen xì.

Theo Văn phòng Du lịch Malay Boracay, tính từ đầu năm đến hôm 17-6, hơn một triệu lượt khách đã đến thăm Boracay. Chính phủ Philippines vẫn áp dụng quy định về phát triển bền vững của Boracay: Số khách tối đa vào cùng một thời điểm mà hòn đảo có thể đón tiếp là 19.215 nước ngoài, trong đó số người được lưu trú chỉ chiếm một phần ba, tức 6.405 người.

Thái Lan: để thiên nhiên tự chữa lành, hồi phục môi trường

Thái Lan, một điểm đến hàng đầu thế giới với khoảng 40 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019, cũng có những câu chuyện tương tự như Boracay.

Vốn được Hollywood chọn làm bối cảnh cho phim The Beach với diễn viên Leo DiCaprio đóng vai chính phát hành năm 2000, vịnh Maya ở tỉnh Krabi ngày càng trở nên nổi tiếng và đông khách. Vịnh này đã bị đóng cửa trong hơn ba năm (2020-2022) theo kế hoạch phục hồi môi trường theo nhiều giai đoạn của Chính phủ Thái Lan. Dù môi trường đã hồi phục, hiện chính quyền địa phương vẫn kiểm soát nghiêm ngặt số lượng thuyền cập bến, số du khách được phép đến thăm và bơi lội. Chính quyền địa phương vẫn đóng cửa vịnh Maya hai tháng mỗi năm để thiên nhiên kịp hồi phục. Trong năm 2023, Maya đóng cửa từ ngày 1-8 đến 1-10.

Koh Kradan, được mệnh danh là “đảo ngọc của biển Andaman”, thuộc tỉnh Trang ở phía Nam Thái Lan là một ví dụ khác. Từ năm năm qua, trong bốn tháng từ tháng 6 đến tháng 10 mỗi năm, chính quyền địa phương phong tỏa lối vào hòn đảo để đảm bảo an toàn cho du khách trong những tháng thời tiết xấu, cũng như để thiên nhiên phục hồi và tự chữa lành. Đầu năm nay, Koh Kradan đã được World Beach Guide, một trang web du lịch của Vương quốc Anh, bầu chọn là bãi biển đẹp nhất thế giới. Số người đến Koh Kradan tăng gần ba lần sau đó.

Hòn đảo rộng gần 2,4 cây số vuông, nằm trong Công viên Quốc gia Hat Chao Mai, có nghĩa là nhà chức trách có nhiệm vụ thực thi thời gian đóng cửa bốn tháng mỗi năm. Đóng cửa “bãi biển đẹp nhất thế giới” có lẽ là quyết định khó khăn của chính quyền Trang bởi việc mở cửa đón khách mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho cộng đồng địa phương ở đảo Koh Kradan và tỉnh Trang.

Họ muốn trả lại những bãi cát trắng dài không một bóng người, không một vết chân trên cát ở Koh Kradan, không có tiếng ồn ào từ động cơ những chiếc thuyền du lịch. Koh Kradan chỉ còn tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng và trong trẻo. Nhưng việc chăm sóc và nuôi dưỡng vẻ đẹp của hòn đảo sẽ quan trọng hơn. Một trung tâm du lịch hiện đại đã được xây dựng, chính quyền đề ra các kế hoạch để quản lý du khách và xử lý rác thải tốt hơn để chờ Koh Kradan mở cửa trở lại từ ngày 1-10 sắp tới.

“Nếu chúng tôi không chăm sóc hòn đảo và để nó bị hủy hoại, chúng tôi sẽ không thể kiếm được tiền từ hòn đảo”, Wichit Kunji, người quản lý của Kradan Beach Resort, nói. Còn nhà điều hành tour Rungroj nói rằng: “Chúng tôi không cảm thấy mình bị mất doanh thu bởi chúng tôi biết rằng các rạn san hô có thể phục hồi và thiên nhiên có thể có thời gian phục hồi. Không ai muốn một cái kết đóng cửa nhiều năm như Maya Bay ở Phuket”.

Bài học phát triển du lịch từ Thái Lan

Thon Thamrongnawasat, nhà nghiên cứu khoa học biển nổi tiếng Thái Lan đang làm việc tại Đại học Kasetsart, nói rằng việc đóng cửa một phần sẽ chỉ có tác động rất hạn chế đối với môi trường. Thon giải thích rằng chỉ hạn chế lượng khách du lịch không đảm bảo sẽ mang lại kết quả. “Đóng cửa một phần không có ý nghĩa gì nhiều. Khi đề cập sự phục hồi nhất quán của hệ sinh thái, chúng ta phải nói về việc đóng cửa dài hạn. Và đôi khi, đóng cửa dài hạn cũng không hiệu quả. Để đạt kết quả, cần các chương trình quản lý tích cực hơn, đóng cửa toàn bộ các đảo, không chỉ vài nơi trên đảo”.

Paul Pruangkarn, chánh văn phòng của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), cho rằng kênh liên lạc với người dân địa phương sẽ rất quan trọng để bảo vệ Koh Kradan và những điểm đến mong manh khác như vậy.

Dịch Covid-19 đã khiến các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch bị ảnh hưởng, sau dịch họ càng nóng lòng lấy lại những gì đã mất. Pruangkarn nói rằng Thái Lan vẫn là một trường hợp nghiên cứu thú vị về giá trị của việc đóng cửa sau khi du lịch đại chúng đã tàn phá môi trường, tài nguyên ra sao.

“Đầu tiên, cộng đồng địa phương phản ứng dữ dội với làn sóng du khách. Sau đó các nơi đóng cửa nhằm bảo vệ môi trường. Và hiện tại, người ta không biết phải đối phó điều này ra sao. Tôi nghĩ rằng các điểm đến cần đánh giá lại họ đã hoạt động và khai thác tài nguyên du lịch như thế nào, đó có phải là kế hoạch tối ưu chưa…”

Các nhà bảo tồn địa phương cũng cho rằng không thể gạt đi tiếng nói của cộng đồng địa phương và để họ tham gia vào các kế hoạch chiến lược của bất kỳ điểm đến nào.

Bà Supakan Yodchun, Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại Việt Nam trả lời Kinh tế Sài Gòn

Cân bằng hài hòa giữa du lịch và phát triển bền vững

KTSG: Chính phủ Thái Lan, cả trung ương và địa phương, có những quy định nào để ngăn ngừa ô nhiễm, tác hại và xói mòn môi trường cho đến nay, đặc biệt là hậu Covid khi du lịch đại chúng quay trở lại?

- Bà Supakan Yodchun: Đạo luật công viên quốc gia năm 1991 và 2019 cùng với Đạo luật quy định hành chính chính phủ năm 2002 có những quy định về đóng cửa các hoạt động du lịch và cho phép khai thác du lịch ở vườn, lâm viên quốc gia.
Tổng cục đã xem xét kỹ thời gian đóng cửa đối với hoạt động du lịch và cắm trại tại các công viên và lâm viên quốc gia nhằm quản lý hiệu quả các điểm tham quan phù hợp với thời tiết từng mùa và tạo điều kiện cho nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội phục hồi, an toàn cho du khách. Các giấy phép cũng được cấp cho một số hoạt động du lịch, và việc này được thông tin công khai.

Trang web Công báo Chính phủ đăng thông báo về lịch đóng cửa du lịch và cắm trại tại các vườn, lâm viên quốc gia hàng năm.

KTSG: Tạm đóng cửa điểm nóng du lịch một số tháng trong năm hoặc mùa cao điểm liệu có hiệu quả? Chính phủ Thái Lan và TAT tự hào về thành quả du lịch bền vững như thế nào, thưa bà?

- Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang quảng bá Thái Lan là nơi cung cấp các chuyến du lịch có ý nghĩa, nhằm đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho du khách như khám phá, tự thay đổi bản thân, hoàn thiện và gắn kết giữa con người, văn hóa và thiên nhiên. Điều này nhấn mạnh định hướng của TAT trong việc hình thành một điểm đến có vẻ đẹp thiên nhiên được bảo vệ, tôn tạo hay các danh lam thắng cảnh theo nghĩa rộng hơn. Đồng thời TAT cũng thúc đẩy một loạt các sáng kiến về môi trường.

Các yếu tố chính của sản phẩm và dịch vụ du lịch phản ánh các chiến lược tổng thể của TAT bao gồm trải nghiệm du lịch sang trọng, du lịch chăm sóc thể trạng và du lịch hướng tới sự bền vững. Du lịch chịu trách nhiệm hoàn toàn về những tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường ở hiện tại và đồng thời ở tương lai, bằng cách giải quyết các nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng dân cư.

Các nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội của phát triển du lịch. Chúng tôi phải thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa ba khía cạnh đó để đảm bảo tính bền vững lâu dài của du lịch.

Tuy nhiên, du lịch theo hướng bền vững cũng cần duy trì mức độ hài lòng cao của khách du lịch và đảm bảo trải nghiệm có ý nghĩa cho khách du lịch bằng cách nâng cao nhận thức của họ về các vấn đề bền vững. TAT sẽ cung cấp kiến thức, luôn đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững ở Thái Lan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới