(KTSG) - Không chỉ đỡ giá, động thái đăng ký mua vào mạnh mẽ của các nhà đầu tư lớn cũng có thể mang đến kỳ vọng thị trường đang tạo đáy, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư sau các đợt lao dốc trong hai tháng qua.
“Tay to” ra tay
Sau khi mua bất thành trong khoảng thời gian từ ngày 26-4 đến 24-6-2022 ở lần đăng ký trước với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi, quỹ ngoại Platinum Victory Pte Ltd - cổ đông lớn thứ 3 của Công ty cổ phần (CTCP) Sữa Việt Nam (VNM), mới đây đã tiếp tục đăng ký mua gần 21 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 30-6 đến 29-7-2022. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này tại VNM sẽ được nâng từ 10,62% lên 11,62%.
Tại CTCP Tập đoàn GELEX (GEX), CTCP Chứng khoán VIX (VIX) đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu GEX từ ngày 24-6 đến 22-7-2022. Được biết, Tổng giám đốc GEX Nguyễn Văn Tuấn đang là cổ đông lớn sở hữu 14,84% cổ phần tại VIX. Cũng tại GEX, bà Nguyễn Bích Hà, con gái ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) GEX, cũng đã đăng ký mua 850.000 cổ phiếu GEX từ ngày 23-6 đến 22-7-2022 với mục đích đầu tư tài chính. Đáng chú ý là giá cổ phiếu GEX đã giảm đến 65% tính từ đầu năm đến nay, trong đó riêng từ tháng 4 đến nay đã giảm gần 60%.
Không chỉ cổ đông lớn, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang tận dụng đà lao dốc của cổ phiếu trong thời gian qua để tích cực mua vào. Như tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC trong thời gian từ ngày 23-6 đến 22-7-2022, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 15,84% lên 19,91%, khi cổ phiếu này đã giảm hơn 50% tính từ đầu năm đến nay.
Còn tại Tổng CTCP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIG), cổ phiếu DIG là tâm điểm của thị trường từ cuối năm 2021 đến nay khi tăng vọt rồi giảm sốc, với đà lao dốc lên đến 75% tính từ đỉnh cao 125.000 đồng/cổ phiếu đạt được đầu năm nay, ban lãnh đạo gần đây cũng đăng ký mua vào. Cụ thể, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó chủ tịch HĐQT DIG đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu từ ngày 30-6 đến 29-7-2022, trong khi bà Lê Thị Hà Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIG, cũng đã đăng ký mua một triệu cổ phiếu DIG từ ngày 28-6 đến 27-7-2022. Dù vậy, động thái bán ra liên tiếp của các cổ đông tổ chức lớn như Him Lam hay Thiên Tân thời gian qua đã gây sức ép rất lớn lên cổ phiếu này.
Ngoài ra, chiều mua vào của cổ đông nội bộ và ban lãnh đạo doanh nghiệp còn chứng kiến ở hàng loạt mã cổ phiếu khác, như Công đoàn CTCP CIC39 (C32) đăng ký mua 500.000 cổ phiếu C32; Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Dịch vụ tài chính SBI - người có liên quan thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán FTP (FTS) đăng ký mua 5.755.100 cổ phiếu FTS; ông Trương Văn Việt - Phó chủ tịch HĐQT CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN) đăng ký mua năm triệu cổ phiếu HTN; CTCP Malblue - người có liên quan Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNE) đăng ký mua một triệu cổ phiếu VNE; CTCP Khu công nghiệp Thành Thành Công đăng ký mua 4,3 triệu cổ phiếu VNG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 17,47% lên 21,89%,... Hầu hết giao dịch được đăng ký mua trong khoảng thời gian từ tuần cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 7.
Đỡ giá và bắt đáy
Trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu đã giảm sốc trong hai tháng qua, dễ hiểu vì sao nhiều cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu ra tay đỡ giá nhằm hạn chế giá cổ phiếu giảm sâu hơn, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, chiến lược kinh doanh và việc tăng vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Cần lưu ý là không ít cổ đông nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp đang thế chấp một lượng cổ phiếu lớn tại ngân hàng, công ty chứng khoán để vay vốn, nếu xu hướng giảm giá cổ phiếu cứ tiếp tục sẽ buộc họ phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm. Thực tế thời gian gần đây, đã xuất hiện một số thương vụ bán giải chấp cổ phiếu của những cổ đông “tay to” này.
Mới đây nhất, tại CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), ông Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên HĐQT độc lập - và CTCP Đầu tư Thiên Anh Minh - nơi ông Tuấn Anh là Chủ tịch HĐQT, phải đăng ký bán giải chấp tổng cộng gần 400.000 cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu này đã giảm tới 38% sau tám phiên từ ngày 10-6 đến 21-6, trong đó có năm phiên “lau sàn” liên tiếp từ ngày 15 đến 21-6. Cùng với đó, HĐQT HDC cũng thông qua việc mua cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa ba triệu đơn vị để bình ổn giá, theo đó đã giúp cổ phiếu HDC có bốn phiên liên tiếp tăng trở lại từ ngày 22-6 đến 27-6, với mức tăng ấn tượng gần 26%.
Có thể nói hành động đỡ giá của nội bộ doanh nghiệp đã trở thành động lực quan trọng cho đà bật lại của các cổ phiếu này. Như tại HTN, ngay cả khi phó chủ tịch HĐQT chỉ mới đăng ký giao dịch và còn chưa đến thời điểm mua, giá cổ phiếu này đã có ba phiên liên tiếp tăng trần ngày 23, 24 và 27-6. Tương tự, cổ phiếu HBC đã tăng 15% từ phiên ngày 21-6 tính đến đầu tuần này, cổ phiếu VNG tăng gần 20%, còn FTS tăng đến 37% trong đó có bốn phiên tăng trần liên tiếp 22, 23, 24 và 27-6.
Không chỉ đỡ giá, động thái đăng ký mua vào mạnh mẽ của nhóm này cũng có thể mang đến kỳ vọng thị trường đang tạo đáy, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư sau các đợt lao dốc trong hai tháng qua.
Theo biểu đồ kỹ thuật, chỉ số VN-Index cũng đang dần hình thành mô hình hai đáy ngắn hạn, với đáy đầu tiên thiết lập vào giữa tháng 5 quanh vùng 1.160 điểm, còn đáy thứ hai là giai đoạn từ ngày 21 đến 23-6 vừa qua cũng chính tại vùng giá này.
Hay như cổ phiếu thị trường tiêu biểu là VNM cũng đang thiết lập mẫu hình hai đáy trong vòng một tháng qua, với đáy đầu tiên quanh 65.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 5, còn đáy thứ hai hình thành vào giữa tháng 6 này cũng quanh vùng giá trên, trước khi phục hồi nhẹ 10% tính cho đến đầu tuần này. Đáng lưu ý mức 65.000 đồng/cổ phiếu của VNM cũng chính là mức đáy xác lập cách đây hơn hai năm vào cuối tháng 3-2020, thời điểm thị trường chung tạo đáy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nói cách khác, sau hơn hai năm, cổ phiếu VNM đã quay về lại nơi xuất phát, bất chấp VN-Index đã tăng từ 650 điểm lên hơn 1.500 điểm rồi điều chỉnh và hiện đang giao dịch quanh mốc 1.200 điểm.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước vẫn chịu không ít áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, động thái mua vào cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn và nội bộ doanh nghiệp có thể là sự hỗ trợ cần thiết cho thị trường chứng khoán trong nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây cam kết sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay, cũng như triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, cũng là yếu tố cơ bản giúp ổn định thị trường, cho thấy Việt Nam vẫn chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế quí 2 cho thị trường Việt Nam phát hành mới đây, ngân hàng UOB Việt Nam cũng kỳ vọng “lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022”. Theo đó, tổ chức này dự đoán “NHNN sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quí 2-2023”. Trước đó một số công ty chứng khoán đã dự báo NHNN có thể tăng lãi suất ngay từ cuối năm nay. Do đó, cam kết từ nhà điều hành và quan điểm thay đổi trong dự báo của các tổ chức có thể là chất xúc tác quan trọng cho thị trường trong nửa cuối năm nay.
Trong quá khứ, VN-Index thường có màn trình diễn tệ hại nhất vào tháng 7 hàng năm, với mức sụt giảm bình quân 1,9% từ khi thành lập thị trường chứng khoán đến nay. Tuy nhiên, có lẽ cũng có không ít nhà đầu tư thường tận dụng giai đoạn ảm đạm này của thị trường để bắt đầu mua tích lũy, đón đầu cho cơn sóng thường diễn ra vào tháng cuối năm và tháng đầu năm sau. Ngoài ra, với các đợt lao dốc mạnh liên tiếp trong quí 1 vừa qua, không loại trừ khả năng thị trường tháng 7 năm nay có thể có màn trình diễn khác với mọi năm.
Không ai mạnh hơn thị trường và cũng chả có tay nào đỡ nổi thị trường. Chẳng qua là giá cổ phiếu đã xuống đến mức đủ hấp dẫn thì bỏ tiền ra mua thôi !