Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đồng, nhôm, quặng sắt đua nhau tăng giá

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Giá đồng, nhôm và quặng sắt trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 20% so với các điểm giá thấp nhất gần đây. Đà tăng giá mạnh mẽ này diễn ra khi các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc bật dậy nhanh chóng nhờ các động thái hướng tới tái mở cửa kinh tế hoàn toàn.

Giá đồng, nhôm trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 20% chỉ trong vài tháng qua. Ảnh: pnnl.gov

Thực tế cho thấy giá các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và quặng sắt gần đây đã chứng kiến một đợt phục hồi ấn tượng khi có các dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc nới lỏng chính sách ‘zero Covid’ để hướng đến tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Giá đồng đang giao dịch ở mức khoảng 8.536 đô la Mỹ/tấn trên sàn giao dịch kim loại London (LME), tăng khoảng 20% so với mức thấp nhất trong tháng 7 năm nay, theo FactSet. Giá nhôm trên sàn LME cũng tăng khoảng 20% so với mức thấp nhất vào cuối tháng 9. Dữ liệu của CEIC Data cho thấy giá quặng sắt tăng muộn hơn, nhưng hiện đã tăng 23% trong tháng qua.

Có một số lý do cho sự lạc quan trên thị trường kim loại công nghiệp, bao gồm đồng đô la Mỹ đã yếu hơn và sự chấm dứt tình trạng bế tắc chính sách của Trung Quốc đối với đại dịch Covid-19 và lĩnh vực bất động sản.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs đã bày tỏ quan điểm lạc quan với thị trường đồng. Trong báo cáo hôm 8-12, họ dự báo việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng, giúp giá kim loại này có thể đạt mức cao kỷ lục 11.000 đô la Mỹ/tấn trong vòng một năm tới. Họ nhận định nguồn cung đồng sẽ thiếu hụt trong năm 2023 và chỉ cân bằng trở lại vào năm 2024.

Họ cho rằng trong năm tới, Trung Quốc có thể bổ sung các kho dự trữ đồng đang cạn kiệt và điều này sẽ giúp giá đồng đạt mức trung bình 9.750 đô la Mỹ/tấn trong năm 2023 và 12.000 đô la Mỹ trong năm 2024.

Giá quặng sắt cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế Covid-19. Hợp đồng quặng sắt giao trong tháng 5-2023, được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), tăng 1,4%, lên 790 nhân dân tệ (113,37 đô la Mỹ)/tấn trong phiên giao dịch cuối tuần qua, theo Reuters. Giá quặng sắt tại Đại Liên đã tăng khoảng 30% kể từ đầu tháng 11.

Ngân hàng Citi đã dự đoán rằng việc nền kinh tế Trung Quốc dần dần mở cửa trở lại có thể đẩy giá quặng sắt lên tới 150 đô la Mỹ/tấn vào tháng 6 năm sau. Nhưng các nhà đầu tư và phân tích có vẻ chỉ tập trung vào một vài điểm sáng và đang phớt lờ bức tranh kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc vẫn còn khá tối tăm.

Dù Trung Quốc dường như cuối cùng đã từ bỏ chính sách zero Covid nghiêm ngặt, vốn “trừng phạt” nền kinh tế bấy lâu nay, nhưng quá trình mở cửa trở lại có thể sẽ gập ghềnh và bất ổn. Giờ đây, Covid-19 gần như chắc chắn sẽ lây lan nhanh chóng, gây căng thẳng cho các bệnh viện, khiến nhiều người tiêu dùng hoảng sợ và có khả năng giới chức trách Trung Quốc sẽ triển khai các đợt phong tỏa mới ở một số khu vực.

Bắc Kinh gần đây đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ cho các nhà phát triển bất động sản, cho thấy điều tội tệ nhất đã qua đối với quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép phục vụ các dự án nhà ở. Tuy nhiên, thị trường nhà ở và đầu tư thực tế trong lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng suy thoái sâu sắc. Đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc đã giảm 8,8% trong 10 tháng đầu năm nay so với một năm trước đó.

Công ty tư vấn Capital Economics lưu ý rằng việc Bắc Kinh dần thoát ra khỏi chính sách ‘zero Covid’ và những hỗ trợ bổ sung cho lĩnh vực bất động sản rốt cuộc sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nhu cầu trong nước nhưng điều này có lẽ chỉ xuất hiện rõ rệt vào nửa cuối năm sau.

Một số nhà phân tích khác coi nguồn cung dồi dào là một rào cản tiềm ẩn khác cho thị trường kim loại. Họ cho biết nguồn cung đồng hiện có khả năng vượt quá nhu cầu và nguồn nhôm đã chuyển sang trạng thái dư thừa trong quí 3 vừa qua. Họ cũng dự báo đà tăng trưởng chậm hơn nữa của nền kinh tế toàn cầu kết hợp với tình trạng nhu cầu suy yếu do yếu tố mùa vụ sẽ hạn chế đà tăng giá của các kim loại. Họ nói rằng các kim loại như đồng đang được định giá dựa trên kịch bản nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn nhưng điều này khó có thể thành hiện thực.

Phần lớn các nền kinh tế phát triển đang đứng bên bờ vực suy thoái. Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với một con đường dài và khó khăn để trở lại bình thường. Sự phục hồi cuối cùng sẽ đến, nhưng sự thận trọng của một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường kim loại có thể giúp họ tránh được một số tổn thương trong tương lai.

Theo WSJ, Mining.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới