(KTSG Online) – Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 đặt mục tiêu địa phương sẽ trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây cũng vốn là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp so với các địa phương khác trong vùng...
Ngoài mục tiêu nêu trên, thông tin được cung cấp tại hội nghị “Công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 22-2, cho thấy Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số.
Song song đó, sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người.
Đồng Tháp đặc mục tiêu duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số, bao gồm cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh, tỉnh Đồng Tháp đề ra 18 nội dung cụ thể.
Trong đó, về kinh tế, Đồng Tháp kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đạt 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng/năm; tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 27%, ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%; tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021- 2030 đạt 477.000 tỉ đồng.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển được Đồng Tháp đặt ra, bao gồm (1) hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng. Phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch.
(2) xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
(3) đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng, kết nối với TPHCM; tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Campuchia. Liên kết với các tỉnh, bao gồm Long An, Tiền Giang để xây dựng dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa, khai thác tài nguyên nông nghiệp và du lịch.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh Đồng Tháp mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để địa phương phát triển đột phá.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu của quy hoạch, ông đề nghị Đồng Tháp thực hiện một cách khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, cần huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Song song đó, Đồng Tháp cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…