Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp ký hợp tác với PAN Group nâng cao thu nhập người trồng lúa

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

UBND tỉnh Đồng Tháp và Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) đã chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”. Đây là cái “bắt tay” để phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Lễ ký kết nằm trong khuôn khổ tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp” diễn ra vào hôm nay, 19-11, tại thành phố Cao Lãnh.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo PAN Group ký kết ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trung Chánh

Hiệu quả sản xuất, thu nhập của người trồng lúa ở mức thấp; chất lượng lúa gạo và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao; tình trạng sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý làm tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính… được xem là những rào cản đe dọa tính bền vững của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Do đó, để giải quyết những rào cản nêu trên, tỉnh Đồng Tháp và PAN Group đã quyết định đồng hành cùng nhau trong xây dựng và triển khai đề án “nâng cao thu nhập người trồng lúa”.

Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ nâng cao kỹ thuật canh tác lúa, thúc đẩy bà con nông dân sử dụng giống bản quyền, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa. Đồng thời, tăng cường liên kết tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản cho nông dân tỉnh Đồng Tháp.

Đề án “nâng cao thu nhập người trồng lúa” của tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa tại địa phương trên 30% tổng doanh thu, biên độ gia tăng lợi nhuận 30% so với năm 2022, tương đương 3.600 tỉ đồng; diện tích gieo trồng lúa đảm bảo tăng lợi nhuận đạt 240.000 héc ta, chiếm khoảng 50% diện tích gieo trồng/năm.

Đồng thời, đề án cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ bằng cách sử dụng máy sạ cụm, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo sạ bằng máy đạt 50% diện tích, tối thiểu 70% diện tích áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên so với năm 2020; đồng thời rơm rạ được thu gom tái sử dụng, chế biến đạt trên 80% diện tích thu hoạch.

Các thành viên của PAN Group sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cung cấp các giải pháp canh tác bền vững, hướng dẫn bà con quy trình sản xuất tiêu chuẩn, giúp tăng năng suất và chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật canh tác và đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các khu vực PAN Group triển khai.

Việc thực hiện đề án nêu trên cũng nhằm cụ thể hoá đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới