Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền rót vào startup Việt tăng dù lượng giao dịch giảm trong quí 1

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng tiền rót vào startup Việt tăng dù lượng giao dịch giảm trong quí 1

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Trong 3 tháng đầu năm nay, dù lượt giao dịch đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt Namgiảm so với cùng kỳ của hai năm liền kề trước đó, nhưng tổng số vốn đầu tư lại tăng lên khá nhiều.

Dòng tiền rót vào startup Việt tăng dù lượng giao dịch giảm trong quí 1
Sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, theo báo cáo của Nextrans Vietnam, trong ba tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 16 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam, trong khi cùng kỳ năm trước đó con số này là 20 thương vụ và cùng thời gian này của năm 2019 là 30 thương vụ. Như vậy cho thấy số startup Việt nhận được vốn đầu tư có xu hướng giảm dần.

Mặc dù vậy, số lần gọi vốn của này của startup trong nước lại cho thấy giá trị lớn hơn. Cụ thể, tổng giá trị nhận đầu tư trong 3 tháng vừa qua đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 150 triệu đô la Mỹ. Con số này chưa tính đến các khoản đầu tư không được công bố.

Theo Nextrans Vietnam, hầu hết các thương vụ gọi vốn vẫn thuộc vòng hạt giống và series A chiếm 69% trong tổng số thương vụ đầu tư; và mảng tài chính vẫn được các nhà đầu tư quan tâm với 4 thương vụ.

Một số startup khác trong các lĩnh vực khác như logistics, dịch vụ, bất động sản, giáo dục và y tế cũng lần lượt công bố nhận được vốn.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng việc gọi vốn trở thành một trong những thách thức lớn của các Startup ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, kết quả trên cũng là một con số khích lệ.

Hiện nay, có khoảng 180 quỹ đầu tư đang có mặt tại Việt Nam với những cái tên như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans...

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tích cực trong việc tìm kiếm những startup tiềm năng để rót vốn đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm: tài chính số (fintech), thương mại điện tử, giáo dục số (ed-tech), y tế số (medtech), và giải pháp hậu cần (logistics).

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM trong một buổi gặp gỡ với báo giới gần đây để chia sẻ về chiến lược đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, cũng cho rằng thời gian gần đây các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến các nhà khởi nghiệp, những doanh nghiệp phát triển về công nghệ, kỹ thuật ở Việt Nam. Họ đánh giá cao về những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này của Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác đầu tư.

Dù còn nhiều khó khăn với ảnh hưởng dịch Covid-19 trên thế giới, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường thu hút sự chú ý. Thế mạnh của hệ sinh thái startup của Việt Nam hiện nay là giới trẻ có thể khởi nghiệp với ý tưởng nhanh, kỹ thuật tốt về mặt phát triển sản phẩm và công nghệ.

Với dân số gần 98 triệu dân, 75% dân số đang trong độ tuổi lao động, có 2 startup kỳ lân, cùng tổng nguồn vốn hỗ trợ cho khởi nghiệp lên đến hơn 290 triệu đô la vào năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đang bước vào thập kỷ mới với nhiều kỳ vọng và tiềm năng phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới