Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền săn tìm doanh nghiệp trả cổ tức ‘khủng’?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bối cảnh thị trường chung đang đứng trước áp lực điều chỉnh và dự báo lợi nhuận quí 1-2023 của các doanh nghiệp suy giảm, dòng tiền được cho là có khả năng tìm kiếm và lướt sóng ở những cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch chi trả cổ tức cao trong năm nay.

Chính sách tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng trở lại để hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: LÊ VŨ

Áp lực điều chỉnh ngắn hạn?

Sau tháng 3-2023 đầy hứng khởi, với VN-Index tăng xấp xỉ 4%, thị trường chứng khoán (TTCK) đang chịu áp lực điều chỉnh trong những ngày đầu tháng 4, khi phía trước là nỗi “ám ảnh” mỗi khi tháng 5 về. Còn nhớ thời điểm cùng kỳ năm ngoái, chuỗi ngày lao dốc của TTCK cũng khởi phát từ đầu tháng 4, với VN-Index mất 24% giá trị chỉ trong vòng một tháng rưỡi sau đó.

Phiên giao dịch thứ 5 tuần trước (ngày 6-4), VN- Index rớt 13 điểm, cùng với khối lượng giao dịch trên sàn HOSE vọt lên mức 955 triệu cổ phiếu, khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về một đợt phân phối mới. Dù vậy, lo lắng về các phiên phân phối tại thời điểm này dường như là quá sớm, khi thực tế thị trường chung dường như vẫn đang đi ngang và dao động trong một biên độ hẹp từ 1.000-1.100 điểm từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, bối cảnh hiện nay có nhiều khác biệt so với cùng thời điểm năm ngoái, khi áp lực tỷ giá, lãi suất giảm bớt, chính sách tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng trở lại để hỗ trợ tăng trưởng, các thông tin về bắt bớ hay vi phạm của các doanh nghiệp không còn là điều quá bất ngờ và gây tác động mạnh mẽ, khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay bất động sản đang dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 sắp bước vào giai đoạn cao điểm, trong khi dự báo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp có thể chứng kiến sụt giảm mạnh, có lẽ không ít nhà đầu tư e ngại và tạm thời thoát ra, cũng như tận dụng thông tin lãi suất giảm liên tục để chốt lời ngắn hạn, nhất là khi một số nhóm ngành, cổ phiếu đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây.

Việc duy trì cổ tức tiền mặt cao có thể phản ánh tình trạng doanh nghiệp không có nhiều cơ hội, ý tưởng đầu tư mới hoặc xây dựng các chiến lược mở rộng hoạt động. Một bộ phận nhà đầu tư không mấy mặn mà với nhóm “an phận” này, mà chỉ có hứng thú tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng và đột phá.

Động thái giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đã phần nào phản ánh xu thế này, khi nhóm này sau khi mua ròng mạnh mẽ trong tháng 3, bước sang tháng 4 đã có năm phiên bán ròng trong sáu phiên giao dịch đầu tiên của tháng, với tổng giá trị bán ròng hơn 1.041 tỉ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE. Khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng bán ròng trong những phiên đầu tháng này.

Trong bối cảnh thị trường chung đang đứng trước áp lực điều chỉnh và dự báo lợi nhuận quí 1 của các doanh nghiệp suy giảm, dòng tiền được cho là có khả năng tìm kiếm và lướt sóng ở những cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch chi trả cổ tức cao trong năm nay, mà sẽ được xác định trong giai đoạn cao điểm diễn ra đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 này. Đặc biệt, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh trong hơn một tháng qua, các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm càng trở nên hấp dẫn hơn.

Săn cổ phiếu cổ tức cao?

Hiện trên sàn có không ít cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn rất nhiều so với thị giá giao dịch. Có thể kể đến như cổ phiếu CPH của Công ty cổ phần (CTCP) Phục vụ mai táng Hải Phòng có thị giá 300 đồng/cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 1.960 đồng/cổ phiếu, tức tỷ suất cổ tức cao đến 653%. Tương tự, cổ phiếu PTG của CTCP May xuất khẩu Phan Thiết cũng có thị giá chỉ 300 đồng/cổ phiếu nhưng tỷ suất cổ tức lên đến 667%. Trước đó, vào năm 2021, tỷ suất cổ tức của PTG thậm chí lên đến 4.000%.

Với những doanh nghiệp có cổ tức cao hơn nhiều so với thị giá, cổ phiếu sẽ được hưởng “cơ chế đặc biệt” không phải điều chỉnh khi trả cổ tức. Tuy nhiên, gần như không thể mua được các cổ phiếu này vì không có thanh khoản, do cơ cấu cổ đông cô đặc, nắm giữ cổ phiếu là cổ đông nhà nước hoặc thành viên hội đồng quản trị, thân nhân của ban lãnh đạo. Như cổ phiếu PTG, gần 13 năm kể từ ngày niêm yết đầu tiên 4-1-2010, PTG hầu như không có thanh khoản.

Dĩ nhiên cũng có những cổ phiếu vừa có tỷ lệ chi trả cổ tức cao vừa có thanh khoản lớn, đáp ứng nhu cầu giao dịch lướt sóng của nhà đầu tư. Như cổ phiếu VNL của CTCP Logistics Vinalink. Công ty này dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với tỷ lệ chia cổ tức lên đến 65%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 15% và cổ tức bằng cổ phiếu là 50%. Tuy nhiên cũng cần lưu ý cổ phiếu này mới đây đã bị đưa vào diện cảnh báo.

Ở nhóm ngân hàng, VIB cũng gây chú ý với phương án chia cổ tức tỷ lệ 35% gồm 15% cổ tức bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu thưởng, đã được cổ đông thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hôm 15-3. Trong khi đó, TPBank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, còn HDBank và ACB đều có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25% trong năm nay.

Với kết quả kinh doanh vượt trội trong năm vừa qua, một số doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2022. Như CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE:DGC), tại đại hội đồng thường niên 2023 vừa qua, cổ đông công ty đã đề nghị và thông qua việc tăng mức chi trả cổ tức năm 2022 thêm 10% bằng tiền mặt, nâng tổng tỷ lệ cổ tức chi trả cho năm 2022 lên thành 40% bằng tiền mặt. Về kế hoạch chia cổ tức năm 2023, công ty dự kiến thực hiện với tỷ lệ 30%, song chưa quyết định sẽ chi trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu

Hay CTCP Đường Quảng Ngãi (UpCom: QNS) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 15% vào ngày 17-4 tới, nâng tổng mức chi trả cổ tức năm 2022 lên 30%. CTCP Công viên nước Đầm Sen (HOSE: DSN) cũng đã thông báo chốt quyền trả cổ tức đợt 2-2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% cho cổ đông vào ngày 18-4 tới, nâng tổng mức chi trả cổ tức năm 2022 lên đến 40%. Còn tại CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE:BMP), theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty dự kiến trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 53%, sau khi đã trả đợt 1 với tỷ lệ 31% hồi cuối năm ngoái.

Ngoài ra, có thể kể tên một loạt doanh nghiệp khác có tỷ lệ chi trả cổ tức rất cao như CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP) sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 42% và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 28% trong quí 2-2023; CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UpCom: LTG) sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 30% trong năm 2023 - mức cao nhất trong sáu năm trở lại đây; CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (UpCom: PAT) sau hai lần thanh toán cổ tức trong năm 2022 với tổng tỷ lệ 200%, dự kiến chia thêm một đợt cổ tức nữa với tỷ lệ 106%, nâng tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 lên hơn 300%, trong khi kế hoạch chia cổ tức năm 2023 cũng ở mức khủng là 140%.

Các nhà đầu tư săn tìm cổ phiếu cổ tức cao thường có hai loại. Thứ nhất là những nhà đầu tư thường không quan tâm đến biến động thị giá mà đề cao sự ổn định trong kinh doanh, vì sau khi chia cổ tức giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh tương ứng và có phục hồi trở lại mức cũ hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Thứ hai là những nhà đầu tư lướt sóng theo tin chia cổ tức, nhóm này thường lựa chọn bán chốt lời trước ngày giao dịch không hưởng quyền để tránh bị đánh thuế.

Ở góc độ doanh nghiệp, việc duy trì cổ tức tiền mặt cao có thể phản ánh tình trạng doanh nghiệp không có nhiều cơ hội, ý tưởng đầu tư mới hoặc xây dựng các chiến lược mở rộng hoạt động, từ đó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Chính vì vậy, một bộ phận nhà đầu tư lại không mấy mặn mà với nhóm “an phận” này, mà chỉ có hứng thú tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng và đột phá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới