(KTSG Online) – Lực bán chủ động tăng vọt trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư e ngại khiến cho VN-Index suy giảm mạnh. Nhưng điểm may mắn là dòng tiền vẫn tìm đến những cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các ngân hàng, giúp giảm phần nào đà bán tháo.
- E ngại biến động khó lường – nhà đầu tư lớn liên tục chốt lời cổ phiếu
- Dòng tiền tiếp tục do dự!
- Chứng khoán vẫn tạo ‘lực hấp dẫn’ với dòng tiền cá nhân
Tiếp tục điều chỉnh mạnh
Thị trường chứng khoán thêm lần nữa chinh phục thất bại ngưỡng chỉ số 1.300 điểm khi lực bán tăng lên đáng kể. Trong tuần trước, có 3/5 phiên giao dịch ghi nhận VN-Index giảm điểm trong bối cảnh lực bán chủ động áp đảo, có lúc chạm mức cao kỷ lục. Lực bán cũng diễn ra trên diện rộng cả về quy mô vốn hóa cũng như các nhóm ngành nghề.
Trong khi đó, sự e ngại từ phía người mua càng làm cho tâm lý thị trường càng trở nên bi quan hơn, dù thị trường có những thời điểm nỗ lực phục hồi. Kết phiên hôm thứ Sáu, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.264,78 điểm, giảm 15,97 điểm, tương đương mức giảm 1,25% so với cuối tuần trước.
Khi trạng thái tâm lý bán tháo bị kích hoạt, một điều may mắn là cổ phiếu ngân hàng lại trở thành bệ đỡ quan trọng. Có nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận đảo chiều tăng trong khi cả thị trường lại giảm.
Theo thống kê của Fiinpro, chỉ số ngành ngân hàng cũng đi ngược xu hướng chung khi tăng 2,23%. Tỷ trọng dòng tiền trong tuần qua chảy vào nhóm ngân hàng bất ngờ hồi phục mạnh từ mức đáy lên đỉnh trong vòng 10 tuần.
“Dòng tiền lại tìm đến cổ phiếu Ngân hàng những lúc khó khăn. Các cổ phiếu đã tăng mạnh đang chịu áp lực chốt lãi, loại trừ nhóm Bất động sản đang tìm đáy mới của năm”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá thị trường.
Không chỉ có nhóm ngân hàng, dòng tiền cũng đang ủng hộ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình như cổ phiếu VHM của họ Vingroup khi công bố lợi nhuận quí 2. Thống kê cho thấy tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm vốn hóa lớn VN30 tăng mạnh, đạt 48,3%. Ngược lại, tỷ trọng dòng tiền của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại giảm.
Nhóm VN30 cũng là nhóm này tiếp tục hút dòng tiền trong tuần thứ 6 liên tiếp. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng đã tăng hơn 10%, trái ngược với xu hướng nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Kết quả chung là trong tuần qua, chỉ số VN30 đi ngược thị trường dù mức tăng gần như đi ngang (0,04%).
Trong khi lực bán gia tăng mạnh mẽ, ở chiều mua tâm lý thị trường cũng tỏ ra thận trọng hơn. Thanh khoản chỉ tăng lên khi chỉ số giảm sâu, chủ yếu đến từ áp lực bán của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Áp lực bán liệu đã hết?
Có thể nói, sức mua suy giảm mạnh trong khi lực bán chủ động tăng vọt khiến cho chỉ số VN-Index bước vào xu hướng giảm ngắn hạn, dù đã có nhiều phiên hồi phục. Nhưng điều đáng chú ý nữa là các mức đỉnh gần đây của chỉ số cũng đang thấp dần, dẫn đến mối lo ngại về xu hướng giảm có thể kéo dài hơn.
Trên thực tế, thị trường gần đây hồi phục với kỳ vọng thử sức cầu tại vùng đỉnh 1.300 điểm, nhờ vào kết quả báo cáo kinh doanh quí 2, được cho là khả quan hơn trước đáng kể.
Chẳng hạn như nhóm ngành ngân hàng bắt đầu báo cáo lợi nhuận. Trong tuần qua, Ngân hàng LPBank (mã LPB) công bố lợi nhuận trước thuế quí 2 tăng 244% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận trong nửa đầu năm tăng mạnh 142%. Nhiều ngân hàng khác trước đó được dự báo con số tăng trưởng cao, dù vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ ở từng nhà băng, nhưng đây cũng là thông tin tích cực hỗ trợ cho cổ phiếu.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán KBSV, áp lực bán gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều chứng khoán về tài khoản, cho thấy tâm lý giao dịch T+ tạm thời vẫn đang chi phối phần lớn nhà đầu tư, thiếu tự tin vào xu hướng tăng mới của chỉ số.
“Nhiều khả năng quán tính điều chỉnh chưa sớm kết thúc và diễn biến sẽ còn phân hóa giữa các cổ phiếu, tuy nhiên lực đỡ từ nhóm cổ phiếu trụ sẽ giữ vững xu hướng tăng cho chỉ số”, báo cáo của KBSV nhận định.
Hiện nay, theo số liệu của Fiinpro, tỷ trọng phân bổ dòng tiền hồi phục từ đáy ở Ngân hàng, Chứng khoán; tăng ở nhóm Bán lẻ, Ðiện, Hàng không, Thiết bị điện; trong khi đó giảm về đáy ở Thực phẩm, Xây dựng, Nuôi trồng nông và hải sản, Kho bãi hậu cần và bảo dưỡng.
Trong tuần trước, khối nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường khi là nhóm duy nhất mua ròng dù giá trị không cao. Trong khi đó, nhóm các tổ chức đều đồng loạt bán ròng.
Tuy nhiên, câu chuyện khối ngoại cũng có điểm tích cực khác khi đã giảm bớt lượng bán ròng trên sàn HOSE, khi khi xuất hiện hai phiên mua ròng giữa tuần trong tuần qua. Hoạt động của nhóm quỹ mở cũng được cải thiện khi có sự phân hóa, tức đã có nhóm giải ngân chứ không đồng thuận bán ròng.
Ở góc độ khác, dù thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở ngưỡng cao cho thấy lực bán vẫn còn lớn, một điểm tích cực khác là lực bán có dấu hiệu yếu đi đáng kể trong những phiên giảm điểm sau này, theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán ACBS. Điều này đồng nghĩa với việc tâm lý bán tháo đã giảm bớt trên thị trường.
Dự đoán của hầu hết các nhà phân tích dựa trên yếu tố kỹ thuật, là VN-Index nhiều khả năng vẫn dao động trong xu hướng đi ngang, chờ diễn biến thị trường. “Ngưỡng kháng cự 1.300 và ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác nhận xu hướng trung hạn tiếp theo của VN-Index”, theo ACBS.