(KTSG) - Phiên tòa xét xử vụ “các chuyến bay giải cứu” diễn ra tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội không chỉ là một đại án mà còn là một kỷ lục về số tiền đưa, nhận và môi giới hối lộ, chưa kể hàng triệu đô la Mỹ lừa đảo, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt. Hơn 200 người được triệu tập, có 116 luật sư bào chữa, 46 người và 16 công ty tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong số 54 bị cáo có đến 18 bị cáo đang đối diện mức án cao nhất là tử hình.
- Quốc hội: làm rõ hơn vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu trong báo cáo giám sát
- Bắt Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam do liên quan chuyến bay giải cứu
Phiên tòa diễn ra trong thời gian dự kiến một tháng, chắc chắn còn nhiều tình tiết, thủ đoạn hút máu người dân của người là quan chức, kẻ được trao quyền, lạm quyền bị phơi bày. Bức màn đen tối về tệ tham nhũng, hối lộ đang bị lột trần, không chỉ có ở một số nơi mà đã xảy ra hàng loạt ở nhiều nơi, có tính câu kết chặt chẽ, tại các khâu trọng yếu của bộ máy thuộc các bộ công an, ngoại giao, y tế, giao thông vận tải và văn phòng chính phủ với 21 cựu quan chức đen, từ thứ trưởng, đại sứ, cục trưởng, phó cục trưởng, phó chủ tịch cấp tỉnh đến chuyên viên, lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, lợi dụng các “chuyến bay giải cứu” người dân trong dịch bệnh, hàng loạt quan chức, người có chức vụ, quyền hạn đã vơ vét, bóp chẹt người dân đến cùng cực, đến tù nhân ở nước ngoài được đưa về nước cũng không tha. 25 cá nhân nhận hối lộ gần 167 tỉ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỉ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ trên 226 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo 24,5 tỉ đồng. Chỉ riêng một thư ký giúp việc thứ trưởng bộ y tế, một vị trí không có trong hệ thống chức danh, chức vụ trong hệ thống thang, bảng lương công chức nhưng Phạm Trung Kiên lại nắm trong tay quyền “sinh sát”, dễ dàng thực hiện 253 lần nhận hối lộ với tổng cộng 42,6 tỉ đồng. Tiền nhiều như vỏ hến đã được những người này sử dụng hiệu quả để mua bán thứ họ cần và lòng nhân của họ như vỏ đạn sẵn sàng công phá mọi trở ngại để đạt mục tiêu kiếm tiền.
Các con số và tình tiết của vụ đại án với quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan nhiều người, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, khiến dư luận không khỏi đau lòng và căm phẫn tột độ. Đó là các vụ quan tham bóp cổ, thắt họng người dân để ăn tiền trên nỗi đau, nước mắt và xương máu của họ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đặc điểm “nhân dạng” dễ dàng nhận biết của những người này là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo có chức, có quyền.
Nhìn nhận thực trạng này như thế nào? Đâu là nguyên nhân? Phòng, chống tham nhũng, hối lộ dưới góc nhìn kinh tế, từ các chính sách như thế nào? Thực trạng cán bộ, đảng viên bị phơi bày sẽ làm mất niềm tin trong lòng dân, hay vẫn đang tạo kỳ vọng, tiếp tục xây dựng lòng tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng?
Khi vai trò của nhà nước chuyển mạnh hơn sang việc xác lập các quy tắc cạnh tranh và trao đổi chứ không còn chỉ đạo trực tiếp nền kinh tế nữa, thì doanh nghiệp có xu hướng ngày càng tìm cách tác động để tạo ra những lợi thế riêng cho bản thân họ. Trên thực tế, họ tổ chức thành các nhóm lợi ích. Một trong những “liên minh ma quỷ” mà họ tìm đến là những người có chức, có quyền. Không giống như những lời khai “ngây thơ”, do không hiểu biết quy định, phạm tội do lòng thương người, chỉ nhận quà cảm ơn và luôn làm đúng quy trình, các quan chức là thứ trưởng, cục trưởng, lãnh đạo tỉnh hay sĩ quan cấp tướng, cấp tá, họ rất am hiểu pháp luật, không chỉ lợi dụng khe hở pháp luật mà còn tìm mọi cách tạo ra khe hở để trục lợi.
Kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức” do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy: Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng, có thể từ các khoản hối lộ cấp thấp đến lũng đoạn chính trị cấp cao. Tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau ở các ngành, lĩnh vực. Nhiều chủ trương đúng bị lợi dụng, trở thành miếng mồi ngon cho tham nhũng mà phiên tòa “các chuyến bay giải cứu” đang diễn ra là một thí dụ. Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, hơn 90% số người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng.
Với tội phạm, cần được xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là mối quan tâm của toàn xã hội. Điều đó không chỉ nghiêm trị mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe cán bộ công chức một cách nghiêm khắc. Vì vậy, dư luận đang mong mỏi một bản án thích đáng cho những kẻ làm giàu trên những xác người, nỗi thống khổ của người dân trong đại dịch.
Tham nhũng chính là trở ngại lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia, làm giảm hiệu lực của nền hành chính công. Đặc biệt, tham nhũng làm xói mòn nền pháp quyền và gây tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước cũng như làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Qua phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra và nhiều vụ án trước đây cho thấy, mức độ phức tạp, tinh vi của các hành vi tham nhũng, hối lộ. Tội phạm lĩnh vực này có sự câu kết nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều mối quan hệ lợi ích mà không dễ bị xuyên thủng. Bên cạnh các biện pháp quyết liệt để phát hiện, xét xử kịp thời các hành vi tham nhũng, hối lộ, thì cần giải quyết “phần gốc” - Nguyên nhân, nguồn gốc của tham nhũng bằng các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện bộ máy, cơ chế, chính sách, pháp luật, bố trí con người, kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ liêm chính.
Một hệ thống phòng ngừa và giải quyết xung đột về lợi ích đang là phần cốt lõi của nền tảng phòng chống tham nhũng, hối lộ. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế điều chỉnh xung đột về lợi ích sẽ giúp xử lý được những thách thức đang nổi lên về nhóm lợi ích, phát huy vai trò tích cực của những nhân tố và lực lượng tích cực đấu tranh.
Cần kiên quyết hơn nữa, dứt khoát và dứt khoát hơn nữa xử bọn quan tham, ngăn chặn từ xa các thủ đoạn mới, tinh vi, hoa mỹ, lợi dụng chính sách để trục lợi, chặt đứt các khâu then chốt trong chuỗi câu kết phạm tội có hệ thống đang chọn các điểm nút là quan tham có chức, có quyền. Người dân mong lắm thay!
Một đất nước muốn phát triển ổn định và bền vững, nhất thiết phải có đội ngũ công chức đàng hoàng, lực lượng doanh nhân tử tế. Đây không chỉ là tinh hoa của quốc gia, mà còn là uy tín thương hiệu, động lực mạnh mẽ cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội. Con sâu làm rầu nồi canh, tất nhiên vẫn chưa đáng sợ. Đáng sợ nhất là tình trạng hổ lốn, không biết rõ đâu là sâu, đâu là nồi canh.