Thứ năm, 8/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng vốn trong kỷ nguyên mới: áp lực và cơ hội

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lớn trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển nhanh và sâu, tạo ra nhiều cơ hội lẫn áp lực không nhỏ cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Không chỉ các nhà điều hành chính sách gặp áp lực điều chuyển và kích thích dòng vốn chảy vào nền kinh tế, bản thân các doanh nghiệp cũng phải gia tăng nội lực, cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh định hướng dòng vốn ngày nay có thêm nhiều biến số mới, từ thế giới và thị trường nội địa.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận chủ đề: “Dòng vốn trong kỷ nguyên mới: Cơ hội nào cho Việt Nam?”, trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, diễn ra sáng ngày 8-5-2025 với chủ đề "Xây nền cho chu kỳ tăng trưởng mới".

Phiên thảo luận về dòng vốn trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính - Bất động sản thường niên năm 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 8-5. Ảnh: Lê Vũ.

Dòng vốn chuyển đổi, doanh nghiệp chuyển mình

Bức tranh vĩ mô hiện nay đang thay đổi khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, nhưng lại chưa rõ ràng vì còn tùy vào kịch bản mức thuế áp dụng đang được đàm phán. Nền kinh tế sẽ đối mặt với những khó khăn riêng trong mỗi kịch bản khác nhau.

“Khả năng đưa về mức 20% là rất lớn, nhưng vẫn là kịch bản tiêu cực trong ngắn hạn. Khi đó phản ứng chính sách để kích cầu kinh tế rất cao. Hy vọng lớn là Việt Nam có thể đạt được là 10-15% trên thiện chí từ phía Mỹ cũng như sự chủ động của đoàn đàm phán tại Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định về diễn biến thuế quan hiện tại.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (đang phát biểu), trong trung hạn, tình hình sẽ rất thách thức cho Việt Nam vì các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận chiến lược đa dạng hóa sản xuất, không còn là Trung Quốc +1 mà có thể là nhiều nơi. Ảnh: Lê Vũ

Rủi ro tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng là một vấn đề lớn, dù đầu tư hạ tầng là rất tích cực. Theo ông Thành, trong mục tiêu tăng trưởng cao nhưng thực tiễn năm nay thì thị trường trong nước sẽ khó khăn hơn rất nhiều, không chỉ câu chuyện thuế quan ở mức độ nào, mà còn trên khía cạnh sức mua chưa thể cải thiện nhanh trong năm nay.

“Dù vậy điểm tích cực là các chính sách điều hành sẽ không bị “giật cục”, sẽ không có cú sốc quá lớn về cả tỷ giá hay mặt bằng lãi suất như cách đây 1 tháng chúng ta đã lo ngại. Trong khó khăn cũng có những điểm tích cực”, ông Thành nhận định.

Một điểm tích cực khác khi nói về sự chuyển động của dòng vốn là tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực. Tại TPHCM, dư nợ tín dụng tháng 4 lần đầu tiên tăng vượt kỷ lục mốc 4 triệu tỉ đồng, tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ ở nhiều lĩnh vực mục tiêu. Theo đó, dư nợ tăng 2% so với cuối năm 2024 và tăng 12% so với cùng kỳ.

Trong các lĩnh vực cụ thể, dòng vốn cũng đang chảy nhanh hơn. Chẳng hạn, cho vay xuất khẩu (vay ngoại tệ) tăng 2% so với cuối năm 2024, 8% so với cùng kỳ. Tín dụng tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 2,3% và 14% so với cùng kỳ. Nổi bật là cho vay mua đồ dùng sinh hoạt (chiếm 15,1% tổng dư nợ tín dụng) tăng lần lượt 8,7% và 24%. Mặt khác, tín dụng của 9 ngành dịch vụ theo định hướng của TPHCM tăng 3,6%.

“Điều này cho thấy rằng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng đang phát huy tác dụng. Đồng thời các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đang cho thấy khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, ngay cả bất động sản vay nhà ở cũng tăng liên tục. Mặc dù thách thức khách quan bên ngoài từ thuế quan, trước mắt ngành ngân hàng tập trung hỗ trợ giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Khu vực 2, phát biểu.

Tăng trưởng tín dụng tốt trong bốn tháng đầu năm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện ở mức tốt dù từ nay đến cuối năm thị trường vẫn gặp áp lực giải ngân nhất định, theo ông Nguyễn Đức Lệnh. Ảnh: L.Vũ

Theo ông Mohammad Mudasser, Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn quản lý nợ và nguồn vốn PwC Việt Nam, nền kinh tế đang ở giai đoạn bất ổn, trước đó là Covid-19, đến chiến tranh khu vực và giờ là thuế quan. Điều này dẫn đến sự căng thẳng trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp.

Hiện thuế quan cũng ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong bối cảnh bất ổn, những doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn đều đang gặp phải khó khăn, nhiều công ty đến gặp nói cần thêm hạn mức vay ngắn hạn, có đơn hàng nhưng không có vốn để sản xuất.

“Tác động của thuế quan sẽ làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn hơn nhưng cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp định hình lại chiến lược vốn của mình”, ông Mohammad đánh giá.

Bà Lương Phương Mai, Giám đốc cấp cao Bộ phận Quản lý Rủi ro Tín dụng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, điều phối phiên thảo luận "Dòng vốn trong kỷ nguyên mới: Cơ hội nào cho Việt Nam?". Ảnh: L.Vũ.

Cần cải thiện năng lực cạnh tranh

Về mặt vĩ mô, vấn đề của năm nay vẫn là đưa tiền ra thị trường trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay lên đến 16%. “Thách thức vẫn là giữ mặt bằng lãi suất. Tín dụng tăng cao thì cung tiền cũng phải tăng, nhưng nếu nới lỏng tiền tệ thì lại gây sức ép đến tỷ giá. Trong khi đó mục tiêu không để tiền đồng mất giá quá mạnh nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thành nhấn mạnh.

Trên thị trường vốn, điểm tích cực hiện nay là thị trường chứng khoán đang tiến gần hơn đến khả năng nâng hạng nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải cải thiện trong mục tiêu thu hút dòng vốn FII, theo đại diện HSC.

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán HSC, cho rằng điều quan trọng hiện nay là doanh nghiệp cần tự cải thiện năng lực bản thân. Ảnh: L.Vũ

Theo ông Johan, giải pháp cần làm là đẩy mạnh câu chuyện đưa thêm hàng hóa ra thị trường, cải thiện tình trạng thiếu vắng các thương vụ IPO, niêm yết mới. Chẳng hạn như tạo sân chơi cho công ty chưa có lợi nhuận được niêm yết hay một số FDI cũng đang có nhu cầu niêm yết.

Với diễn biến thị trường hiện nay, đại diện HSC cũng cho rằng vấn đề thuế quan không ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng nào thì các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá theo điều kiện đó. Nếu cải thiện câu chuyện cơ chế, đây sẽ là các yếu tố kỹ thuật giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Dù vậy, theo ông Johan, một trong những lo ngại ngắn hạn là lĩnh vực tư nhân dường như chưa bắt kịp với xu hướng đổi mới hiện nay, với nhiều cơ chế mang tính đột phá với tốc độ chuyển đổi đang ở mức nhanh.

Từ phía cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn, ông Lệnh nói ngành ngân hàng đang có hai hướng hỗ trợ nền kinh tế. Một là điều hành các chính sách tiền tệ, ngoại tệ giúp duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Thứ hai là các gói tín dụng ưu đãi như gần đây có gói xuất nhập khẩu với lãi vay thấp hơn 1-1,5% so với ngân hàng thương mại.

Ngành ngân hàng cũng đang tăng cường các chương trình kết nối giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động về thích ứng với chính sách.

“Từ phía thị trường, doanh nghiệp vẫn cần phải có tính chủ động cao để ứng phó hàng rào thương mại, còn ngành ngân hàng sẽ cố gắng cung cấp tốt nhất dịch vụ liên quan để doanh nghiệp tiếp cận, bù đắp phần nào cho chi phí”, ông Lệnh nói.

Đặc thù của kinh tế Việt Nam là sử dụng dòng bẩy cao nhưng lại đa phần lại nguồn vốn ngắn hạn. Ước tính của PwC thì cấu trúc dòng vốn khoảng 75% là tài trợ cho ngắn hạn. Trong một vài nghiên cứu gần đây của mình, đại diện PwC cũng cho biết con số hiện nay là 65%. Việt Nam do đó cần nguồn vốn mang tính ổn định hơn để giúp nhiều doanh nghiệp hiệu quả.

Đại diện PwC Việt Nam nói bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp gặp thách thức kể từ sau đại dịch đến nay, với nhiều sự kiện biến động mang tính toàn cầu, gần đây là thuế quan.

Khuyến nghị của đại diện PwC Việt Nam đưa ra là cần cần phải cơ chế giúp xây dựng “niềm tin”, tức nhóm ngân hàng ngoại có thể đánh giá được SME, trong khi doanh nghiệp nội cần phải xem lại quản lý quy trình nội bộ thì mới có thể tiếp cận được tiêu chuẩn tín dụng.

Một vấn đề quan trọng là cần chú ý đến kịch bản tăng trưởng cho những năm tiếp theo, vì những tác động của những sự kiện hiện nay có thể kéo dài trong vài năm sau. Thông thường tại Việt Nam có thể là 3-4 năm. “Do đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho tình huống, cân nhắc các giải pháp cho tương lai”, ông Mohammad, PwC Việt Nam nói.

Trong bối cảnh này, từ khóa khuyến nghị với doanh nghiệp là "niềm tin", theo ông Lệnh. Đó là sự tin tưởng vào các giải pháp của các cơ quan chức năng trong việc tạo lập môi trường đầu tư và hỗ trợ kinh doanh, với tinh thần là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Johan của HSC cho rằng, doanh nghiệp cần nên củng cố nội lực chính mình. “Trong những lúc khó khăn, chỉ có nội lực mới có thể giúp chúng ta tồn tại được”, ông Johan nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới