Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng vốn từ Hàn Quốc và miếng bánh ở lĩnh vực tài chính

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ba quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu mà còn luôn duy trì vị thế là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục trong những năm tới, do lợi thế về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa và thị trường.

Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn 81,5 tỉ đô la Mỹ và 9.666 dự án. Ảnh: T.L

Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất

553,8 triệu đô la Mỹ là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và điều chỉnh của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2023, xếp thứ 6 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn FDI rót vào cao nhất, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, nếu tính theo vốn đăng ký điều chỉnh, Hàn Quốc với hơn 341 triệu đô la Mỹ đang xếp vị trí thứ 2 trong bảng danh sách này, chỉ sau Trung Quốc.

Ngoài ra, dù lượng vốn FDI từ Hàn Quốc từ đầu năm đến nay có chững lại, nhưng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6-7 năm trở lại đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn có sự bứt phá và Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn 81,5 tỉ đô la Mỹ và 9.666 dự án.

Trong đó, không thể không kể đến những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc đã sớm hiện diện tại Việt Nam như Samsung, LG, SK, Hyundai, Hyosung, CJ, Lotte, SK Group… Riêng Samsung đã đầu tư 18 tỉ đô la vào Việt Nam và mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.

Không chỉ dẫn đầu ở dòng vốn FDI, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Hàn Quốc trong những năm qua cũng không kém phần mạnh mẽ, đặc biệt tập trung rót vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, thông qua các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) khổng lồ, đã góp phần gây tiếng vang lớn ở cả thị trường trong nước lẫn tại khu vực.

Theo báo cáo của NHNN, thời điểm hiện nay NHNN đang cùng lúc xử lý hồ sơ của sáu tổ chức ngân hàng Hàn Quốc đề nghị cấp phép mở mới hiện diện, trong đó có IBK và KDB. Trong số chín ngân hàng có 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đã có hai ngân hàng đến từ Hàn Quốc là Shinhan Bank Vietnam và Woori Bank Vietnam.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán (CTCK) Mirae Asset, dòng vốn đầu tư gián tiếp và M&A từ Hàn Quốc đã có mặt khá sớm tại Việt Nam, từ năm 2005, và đã có hơn 70 thương vụ M&A được thực hiện; tổng các thương vụ M&A có sự kết nối của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đạt hơn 5 tỉ đô la. Thương vụ nổi bật nhất có thể kể đến khoản đầu tư gần 1 tỉ đô la mà KEB Hana Bank mua 15% cổ phần BIDV, đồng thời nhanh chóng cử người vào tham gia Hội đồng quản trị BIDV, từ cuối năm 2019.

Trong lĩnh vực chứng khoán, sự đổ bộ của các tập đoàn Hàn Quốc còn ồ ạt hơn. Năm 2007, Mirae Asset Securities trở thành CTCK Hàn Quốc đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam. Tính đến nay có tám CTCK Hàn Quốc hiện diện tại thị trường Việt Nam, gồm Mirae Asset, KIS (tiền thân là CTCK Gia Quyền), Pinetree (tiền thân là HFT, được Hanwha mua lại), KB Việt Nam (tiền thân là CTCK Maritime), Shinhan Việt Nam (tiền thân là CTCK Nam An), CTCK NH (tiền thân là CTCK Woori CBV), JB Việt Nam (tiền thân là CTCK Morgan Stanley Hướng Việt), CTCK SJC. Đặc biệt, các CTCK Hàn Quốc những năm gần đây liên tục tăng vốn khủng và cạnh tranh quyết liệt để giành lấy thị phần giao dịch ở thị trường chứng khoán.

Có thể nói trong những năm qua, ba quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu mà còn luôn duy trì vị thế là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục trong những năm tới, do lợi thế về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa và thị trường. Trong đó, Hàn Quốc có lẽ sẽ tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong bối cảnh mối quan hệ Việt - Hàn đang thắt chặt ngày càng sâu sắc.

Còn nhiều thương vụ tiềm năng?

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mới đây (từ ngày 22 đến 24-6) ghi nhận có hơn 200 doanh nghiệp tháp tùng. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc được tổ chức nhân sự kiện này, có tới 111 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước. Đây là con số MOU lớn nhất từ trước đến nay, tạo nền tảng cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng và ổn định giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm kế tiếp.

Cụ thể, có 54 MOU trong lĩnh vực thương mại như quốc phòng, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm, 28 MOU hợp tác công nghệ như xe điện và công nghiệp công nghệ cao, 29 MOU hợp tác chuỗi cung ứng và nguyên vật liệu tương lai như khoáng sản quan trọng và giảm khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, có lẽ lĩnh vực tài chính với rất nhiều tiềm năng để khai phá và phát triển sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong những năm tới.

Đơn cử như trong dịp vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% vốn, là ông Kang Seoghoon chia sẻ mong muốn thời gian tới sẽ thành lập chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam. Còn ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cho biết hiện nay IBK đang vận hành chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM với tổng tài sản khoảng 1,5 tỉ đô la, đồng thời đang xúc tiến quá trình thành lập pháp nhân ngân hàng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thời điểm hiện nay NHNN đang cùng lúc xử lý hồ sơ của sáu tổ chức ngân hàng Hàn Quốc đề nghị cấp phép mở mới hiện diện, trong đó có IBK và KDB. Cần biết rằng trong số chín ngân hàng có 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đã có hai ngân hàng đến từ Hàn Quốc là Shinhan Bank Vietnam và Woori Bank Vietnam.

Đáng lưu ý, việc cho phép thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam, cả từ nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa, có lẽ không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã có rất nhiều ngân hàng và đây luôn là lĩnh vực được đánh giá có tính trọng yếu và ảnh hưởng nhất định đến an ninh kinh tế. Hiện nay, hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã lên tới 96 tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có tới chín ngân hàng 100% vốn nước ngoài như đã nói và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Dù vậy, cũng theo chia sẻ từ đại diện NHNN, Việt Nam rất mong muốn các tổ chức tài chính - ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Hiện bốn ngân hàng đã có đề án chuyển giao bắt buộc. Không loại trừ sau khi rót nguồn lực tài chính và tái cơ cấu thành công, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Hoặc nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể xem xét mua cổ phần ở những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%, cũng như ở những ngân hàng khác chưa có đối tác chiến lược nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội cho các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc muốn hiện diện trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Đến nay, ngoài thương vụ của KEB Hana đầu tư vào BIDV nói trên, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn chưa góp mặt nhiều ở các thương vụ M&A ngân hàng như các nhà đầu tư Nhật Bản.

Với chính sách lãi suất được duy trì ở mức thấp tại Hàn Quốc, các tập đoàn nước này có những lợi thế nhất định trong việc sử dụng đòn bẩy và đầu tư ra nước ngoài, tận dụng cơ hội để thâu tóm. Sau khi tăng lãi suất bảy lần liên tiếp từ tháng 4-2022 đến tháng 1-2023, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong những tháng qua, nhờ sức ép lạm phát giảm. Và bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn khả năng tiếp tục tăng lãi suất, Thống đốc BoK là Rhee Chang-yong đã nhấn mạnh rằng họ sẽ không đáp trả một cách máy móc trước khoảng cách lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày càng mở rộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới