Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng yen yếu hơn khiến doanh nghiệp Nhật Bản lo lắng

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong quá khứ, đồng yen yếu là một lợi ích cho nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu truyền thống của Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản đã chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài trong những năm gần đây. Nhưng hiện các doanh nghiệp có thể sẽ được hưởng lợi ít hơn hoặc chịu tổn thất đáng kể. Một đồng yen yếu hơn trước sẽ làm giảm hẳn sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản, khiến lợi nhuận bốc hơi mạnh.

Đồng yen có lúc chạm đáy 125 yen ăn 1 đô la Mỹ trong tuần rồi, thấp nhất kể từ tháng 8-2015. Ảnh: Reuters

Đồng yen đã giảm giá trong quí 1-2022 so với hầu hết 25 loại tiền tệ chính, đứng thứ hai sau đồng rúp của Nga về đà trượt giá. Các nhà kinh tế giải thích lý do là Nhật Bản tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác trong việc hướng tới lãi suất cao hơn.

Chỉ số tiền tệ Nikkei, một thước đo rộng rãi về sức mạnh tiền tệ, cho thấy đồng rúp giảm 11,7% từ cuối tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay, mức giảm mạnh nhất trong rổ 25 loại tiền tệ của chỉ số Nikkei. Đồng yen xếp sau với mức giảm 5,7%.

Chỉ riêng trong tháng 3 vừa rồi, đồng yen chạm mức thấp kỷ lục so với đồng tiền xanh trong 7 năm qua với mức suy giảm 6,9%. Độ trượt này còn tệ hơn hơn mức độ sụt giá của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, vốn giảm 3,3% so với đồng đô la trong cùng thời gian.

Niềm tin bị lung lay

Nguyên nhân trực tiếp của việc bán tháo đồng yen là chính sách tiền tệ tiếp tục “siêu lỏng lẻo” của Ngân hàng Nhật Bản, khiến lãi suất ở nước này giảm xuống ngay sau khi Quỹ Dự trữ liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) siết chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất.

Một yếu tố khác sâu xa hơn là sự phụ thuộc của Nhật Bản vào thực phẩm và năng lượng nhập khẩu. Với giá cả hàng hóa tăng, mức thâm hụt tài khoản vãng lai trong tháng 1-2022 đã ghi nhận mức lớn thứ hai trong lịch sử.

Giám đốc chiến lược tiền tệ Daisaku Ueno thuộc hãng Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Nhập khẩu đã hỗ trợ đáng kể khả năng tự cung tự cấp thấp của Nhật Bản về năng lượng và lương thực. Nếu các vấn đề cấu trúc không được giải quyết, đồng yen sẽ tiếp tục mất giá trong bối cảnh thâm hụt thương mại”.

Đồng yen từ lâu đã được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà giao dịch không thích rủi ro, được củng cố bởi thặng dư tài khoản vãng lai và khối lượng tài sản khổng lồ bên ngoài Nhật Bản trong nhiều năm.

Trong giai đoạn bất định và khó đoán hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng “hồi hương tài sản” hay chuyển tài sản từ nước ngoài về Nhật Bản, chẳng hạn bằng cách mua đồng yen. Điều này cho thấy quy luật chung là nhu cầu thực sự đối với đồng yen đi kèm với hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ đồng tiền của Nhật Bản một cách bền vững.

Bối cảnh kinh doanh toàn cầu đã thay đổi. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu từ cuối tháng 2. Không như phần lớn các loại tiền tệ khác, đồng yen đã ngược dòng và trượt dài trong tháng 3.

Ngoài thâm hụt cán cân vãng lai, Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với các quốc gia tiên tiến khác. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư tránh xa Nhật Bản, xóa bỏ lợi ích tâm lý rủi ro (risk off) của đồng yen

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho rằng đồng yen giảm giá không có nghĩa rằng thị trường đã mất niềm tin vào đồng tiền này, mà bởi sức mạnh nội tại của nền kinh tế Nhật Bản và lợi suất tăng ở Mỹ đã đem lại những thách thức lớn cho đồng yen.

Các công ty, tập đoàn Nhật Bản đã mở rộng sản xuất ở nước ngoài. Đồng yen yếu không mang lại lợi ích kinh tế như những năm trước. Mặt khác, áp lực lạm phát do đồng yen gây ra có nguy cơ làm tổn thương nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thắt chặt ngân sách hộ gia đình người Nhật.

Niềm tin của các tập đoàn lớn nhất ở Nhật Bản đang lung lay. Bởi đồng yen yếu từ lâu đã giúp hàng xuất khẩu của xứ hoa anh đào cạnh tranh mạnh ở nước ngoài, nay sức cạnh tranh đã không còn như trước trong bối cảnh giá cả các loại hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu.

Trong cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhật Bản thực hiện mới đây và công bố lần đầu kể từ khi chiến tranh bùng nổ, tâm lý kinh doanh trong quí 1 giảm lần đầu tiên sau 7 quí liên tục luôn ổn định. Tỷ giá đồng yen đã giảm 10 yen so với đô la vào tháng 3.

Đồng nội tệ của các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn đã tăng trong quí 1-2022. Đồng real Brazil tăng 18,4% trong khi đồng đô la Úc tăng 4,8%. Đồng krone của Na Uy tăng 4,1%. Đặc biệt, Brazil đã tăng lãi suất trong 9 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp kể từ tháng 3-2021 để chống lại lạm phát, giúp đồng real tăng giá. Giá trị đồng baht của Thái Lan tăng 1,9%. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, nước này đã cải thiện cán cân thanh toán và tích lũy dự trữ ngoại tệ. Giờ đây, đồng baht đang dần được công nhận là một loại tiền tệ trú ẩn an toàn.Trong khi đó, đồng nhân dân tệ vẫn ổn định mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã nới lỏng các chính sách tiền tệ trong cả tháng 12 và tháng 1. Xuất khẩu mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai đã duy trì sức mua bằng đồng nhân dân tệ.

Lợi nhuận bốc hơi

Lắp ráp xe tại nhà máy liên doanh Ford – Mazda ở Thái Lan. Đồng yen yếu hơn sẽ khiến hàng hóa của Nhật Bản kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài, lợi nhuận doanh nghiệp bốc hơi. Ảnh: Reuters

Mazda Motor đã sản xuất nhiều xe hơn ở nước ngoài kể từ năm 2010 để giảm rủi ro ngoại hối. Hiện tại, Mazda có thể bị sụt giảm 300 triệu yen (2,46 triệu đô la) lợi nhuận cho mỗi 1 yen mà đồng nội tệ Nhật Bản suy yếu so với đồng đô la.

Về tổng quát, đồng yen yếu hơn cũng làm giảm mức tăng lợi nhuận của các công ty hàng đầu Nhật Bản, đặc biệt những công ty đại chúng. Trong năm tài chính 2022, lợi nhuận trước thuế dự kiến ​​sẽ tăng 0,43% với 200 công ty blue chip trên thị trường chứng khoán Tokyo nếu đồng nội tệ “mất” đi 1 yen so với đồng đô la - theo dữ liệu do Daiwa Securities tổng hợp. Con số này gần bằng một nửa mức tăng 0,98% kể từ tháng 6-2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, giá hàng hóa và năng lượng tăng đang làm trầm trọng thêm nhược điểm của đồng yen yếu. Giá nhập khẩu tại Nhật Bản đã tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái trên cơ sở ngoại tệ theo hợp đồng, hoặc 34% nếu tính bằng yen.

Giá nguyên vật liệu tăng cao dự kiến ​​sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động của Bridgestone 145 tỉ yen trong năm 2022, xóa bỏ mức tăng lợi nhuận 44 tỉ yen từ việc đồng yen yếu hơn dự kiến. Giám đốc tài chính toàn cầu Masuo Yoshimatsu của Bridgestone cho biết: “Cao su tự nhiên và dầu thô tiếp tục giao dịch ở mức giá chưa từng có”.

Yamaha Motor dự đoán lợi nhuận hoạt động năm 2022 sẽ giảm 63,1 tỉ yen do giá rhodium và bạch kim tăng, hủy bỏ mức tăng 27 tỉ yen dự kiến ​​nếu tỷ giá hối đoái được duy trì như trước.

Panasonic Holdings cũng nhận ra ít nhất 100 tỉ yen lợi nhuận của tập đoàn bị ảnh hưởng trong năm tài chính vừa kết thúc trong tháng 3 rồi. Tập đoàn đang chuyển chi phí cho khách hàng, cụ thể qua pin xe điện. “Đó là một trò chơi mèo vờn chuột", theo lời Phó chủ tịch điều hành kiêm phụ trách tài chính Hirokazu Umeda, giám đốc tài chính của Panasonic.

Các công ty có mảng nhập khẩu là hoạt động kinh doanh chính có thể chịu ảnh hưởng lớn hơn. Nhà bán lẻ đồ nội thất Nitori Holdings, có khoảng 90% mặt hàng được sản xuất ở nước ngoài, có thể chịu tổn thất lợi nhuận hàng năm lên đến 2 tỉ yen nếu đồng tiền này giảm 1 yen so với đồng đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới