Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Drone, flycam: quản lý chặt nhưng cần thuận tiện khi xin phép bay

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau vụ máy bay không người lái (drone) nông nghiệp gây tai nạn chết người ở Kiên Giang mới đây, các cơ quan quản lý địa phương này cho biết không được phân cấp quản lý drone. Nhu cầu sử dụng drone đang tăng nhanh cho thấy phải sớm cải tiến cách quản lý để người dân thuận tiện hơn trong việc được cấp phép sử dụng.

Dù trên lý thuyết, việc quản lý máy bay không người lái (drone), phương tiện bay siêu nhẹ (flycam) rất chặt chẽ, thế nhưng trên thực tế các địa phương lại không nắm được thông tin về các loại thiết bị này đang hoạt động trên địa bàn do không được phân cấp quản lý.

Chẳng hạn mới đây, sau khi tai nạn do drone xảy ra, cả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lẫn Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang đều cho biết chưa có thẩm quyền cấp phép đối với loại thiết bị này. Do không được phân công quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang “không có số liệu cụ thể về số lượng drone đang được sử dụng trong nông nghiệp trên địa bàn, vì vậy gặp nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát", theo thông tin trên báo chí(*).

Trường hợp drone nông nghiệp như ở Kiên Giang không phải là cá biệt. Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ quay phim, chụp ảnh bằng flycam được cấp phép hoạt động nhưng các địa phương cũng không thể quản lý, tương tự như drone nông nghiệp.

Trong khoảng hai ba năm gần đây, các loại thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa như drone, flycam đã trở nên rất phổ biến. Drone loại lớn với sức chở đến 50 kg được dùng nhiều trong nông nghiệp như gieo hạt giống, sạ lúa, phun thuốc trừ sâu, bón phân..., được sử dụng ở nhiều tỉnh, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên toàn quốc, dịch vụ quay phim, chụp ảnh bằng flycam cũng rất phổ biến vì giá dịch vụ không quá cao nhờ vào giá bán flycam đa dạng, khoảng vài triệu đồng đã mua được một máy đủ công năng sử dụng chụp ảnh, quay phim dịch vụ loại thông thường.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều người đam mê công nghệ mua flycam về sử dụng cho mục đích cá nhân. Hiện trên thị trường có những loại máy nhỏ giá chỉ dưới một triệu đồng được nhiều người chọn mua để “tập bay” trước khi thành thạo kỹ năng điều khiển và nâng cấp lên loại máy cao cấp hơn.

Nhu cầu rất đa dạng, số lượng và thể loại drone, flycam tăng vọt nhưng theo luật hiện hành lẫn Luật Phòng không nhân dân vừa được Quốc hội thông qua sáng 27-11-2024 sắp có hiệu lực thì đầu mối cấp phép hoạt động cho drone, flycam là Cục Tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng.

Việc quản lý chặt loại thiết bị bay này là hết sức cần thiết về mặt quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đó là điều không thể bàn cãi. Không riêng Việt Nam mà nhiều nước khác cũng có quy định quản lý drone, flycam.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là với số lượng thiết bị ngày càng tăng vọt và số thiết bị hư hỏng bị loại bỏ cũng không ít, việc xin cấp phép cần được cải tiến để thuận tiện hơn. Hiện nay hầu như chỉ có các doanh nghiệp dịch vụ mới xin “giấy phép bay” cho hoạt động drone, flycam, còn với người dân chỉ sử dụng cá nhân thì hầu như ngoài tầm với.

Một trong những lý do chính là do thủ tục cấp phép quy định áp dụng chung cho mọi loại thiết bị dù lớn hay nhỏ, người bay chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Việc cấp phép dựa trên một lần sử dụng tại một thời gian địa điểm nhất định, chỉ được phép sử dụng đúng thiết bị bay đã đăng ký trong hồ sơ xin phép và giấy phép sử dụng drone, flycam không được tái sử dụng nhiều lần.

Như vậy, nếu một người dân mua flycam nhỏ để tập bay hay mang đi du lịch thì theo luật, mỗi lần bay vẫn phải xin cấp giấy phép mới, điều này rõ ràng là chưa hợp lý.

Sau khi Luật Phòng không nhân dân được ban hành, thiết nghĩ Chính phủ cần sớm có văn bản dưới luật để phân quyền việc cấp giấy phép và đăng ký thiết bị bay thuận tiện hơn cho người dân. Song song đó cần tăng cường quản lý quy chuẩn thiết bị và xây dựng hệ thống công nghệ quản lý thiết bị bay đã đăng ký.

Đầu tiên là cần xây dựng một hệ thống, tạm gọi là “cổng thông tin quản lý thiết bị bay dân sự” trên toàn quốc. Danh sách tất cả drone, flycam dân sự được cấp phép và đăng ký sẽ có trên cổng thông tin quản lý này để tra cứu nhanh chóng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thiết bị hoạt động trên địa bàn nhưng cơ quan chức năng địa phương không nắm được thông tin như trường hợp ở tỉnh Kiên Giang nói trên. Cổng thông tin này còn giúp phát hiện nhanh các thiết bị hoạt động “chui” khi cần kiểm tra.

Tiếp theo là cần phân loại nhóm thiết bị để quản lý và cấp phép bay. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng sẽ cấp phép cho các loại drone lớn cần quản lý chặt như drone nông nghiệp hay các loại có sức chở từ 5-10 kg trở lên. Đây là nhóm cần quản lý chặt nhất cả về thiết bị lẫn người điều khiển vì về mặt an ninh, loại drone lớn có thể dễ dàng cải biến để dùng với mục đích xấu như buôn lậu, khủng bố, ám sát, do thám…

Nhóm drone, flycam nhỏ hơn được dùng trong các dịch vụ quay phim, chụp ảnh nên phân cấp cho các địa phương quản lý và nhập dữ liệu cấp phép, đăng ký lên cổng thông tin quản lý thiết bị bay. Có thể gọi nôm na đây là “drone/flycam kinh doanh chuyên nghiệp", cũng cần được quản lý và cấp phép hoạt động định kỳ.

Riêng nhóm flycam nhỏ "không kinh doanh, bay nghiệp dư" mà người dân mua chỉ để dùng cho cá nhân thì cần có thủ tục quản lý linh hoạt hơn. Chẳng hạn người dân sau khi mua sẽ đăng ký thiết bị đồng thời xin cấp phép trên cổng thông tin. Giấy phép nên có thời hạn sử dụng dài, chẳng hạn như 12 tháng và có thể gia hạn lại thông qua cổng thông tin quản lý thiết bị bay dân sự.

Ở nhiều nước, loại flycam nhỏ, trọng lượng dưới 250 gam không cần đăng ký vì loại thiết bị này có tầm điều khiển bay ngắn, trần bay thấp, dung lượng pin thấp nên không bay lâu và tính năng đơn giản nên được xem là không thể gây nguy hiểm. Hiện trên các sàn thương mại điện tử có những loại flycam nhỏ được bán với giá chỉ 500.000 đồng. Nếu áp chung chính sách quản lý, cấp phép những loại flycam này chung với thiết bị chuyên dụng thì sẽ gây khó cho người dân.

Thị trường drone, flycam từ chỗ là sản phẩm công nghệ cao cấp hiện nay đã trở thành thiết bị điện tử phổ biến. Việc quản lý vì vậy cũng cần thay đổi nhanh để đáp ứng kịp nhu cầu của người dân, tránh để họ rơi vào tình trạng vi phạm luật chỉ vì thủ tục xin cấp phép bay quá phức tạp.

--------------------------------------

(*) https://nld.com.vn/quan-ly-thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai-con-nhieu-bat-cap-196241126210200706.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới