Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DSK, sự bài Mỹ và tương lai chính trị Pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DSK, sự bài Mỹ và tương lai chính trị Pháp

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Sự đảo chiều ngoạn mục trong vụ án hình sự chống lại ông Dominique Strauss-Kahn – được gọi thân mật là DSK, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF – đã đánh thức tâm lý bài Mỹ trong cộng đồng người Pháp và có khả năng dẫn tới sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai cường quốc bên bờ Đại Tây Dương.

Nước Pháp đã từng bị sốc khi ông Strauss-Kahn bị bắt ở New York hồi tháng 5, khi nhìn thấy hình ảnh ông bị còng tay, râu ria không cạo, bị đẩy tới tòa án được trực tiếp truyền hình rồi bị nhốt vào nhà tù trên đảo Rikers. Người Pháp bối rối và phẫn nộ trước sự hả hê của báo lá cải Mỹ đang cố làm đậm mọi chi tiết “nhục nhã” của sự việc. Có cảm tưởng không chỉ ông Strauss-Kahn mà chính nước Pháp bị lăng nhục bởi nền văn hóa Mỹ “sống sượng, do truyền thông lèo lái” làm xói mòn sự công bằng và công lý.

Giờ đây, khi lời tố cáo của cô hầu phòng người Guinea kia tỏ ra không đáng tin, ông Strauss-Kahn không còn bị quản thúc tại gia, người Pháp lại càng có lý do để phê phán kịch liệt cái “bản chất kém văn minh, man rợ” của xã hội Mỹ, cả nền dân chủ và tư pháp Mỹ.

Cựu Thủ tướng Pháp Lionel Jospin nói rằng ông Strauss-Kahn “đã bị ném vào giữa bầy sói” của hệ thống Mỹ; cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter thì coi việc người Mỹ đối xử với ông Strauss-Kahn là một “lối hành hình kiểu phân biệt chủng tộc, bị truyền thông ám sát”.

Trong một bài xã luận vào cuối tuần qua, báo Le Monde lên án nặng nề sự câu kết giữa truyền thông và tư pháp mà báo này cho là một đặc trưng của nước Mỹ.

Mặc dù chính những công tố viên Mỹ mới là người phơi bày sự gian dối trong lời khai của cô hầu phòng và đem lại “sự công bằng” cho ông Strauss-Kahn, nhiều người Pháp vẫn không tiếc lời lên án hệ thống Mỹ. Dominique Moisi, nhà phân tích lâu năm về quan hệ Pháp-Mỹ, từng học tập và dạy học ở Mỹ, nói rằng sự đảo chiều của vụ án “đánh thức xu hướng bài Mỹ, và kẻ bị thiệt hại nặng nề nhất là hệ thống tư pháp Mỹ và cảnh sát New York”. “Vụ án này phá hủy hình ảnh của nước Mỹ và làm sống lại những ấn tượng tiêu cực từng tồn tại trước kia, theo đó Mỹ là một xứ sở không hoàn toàn văn minh, nơi cảnh sát hành xử như chỉ muốn làm nhục người ta. Có cảm giác rằng đấy là một đất nước nguy hiểm”, ông Moisi nói.

* * *

Trong thực tế, ông Strauss-Kahn vẫn còn bị điều tra, các cáo buộc hình sự đối với ông vẫn chưa bị hủy bỏ và ông chưa được rời khỏi nước Mỹ. Các điều tra viên ở văn phòng công tố New York vẫn đang xem xét có nên bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông hay không và kết quả điều tra sẽ công bố trong phiên tòa ngày 18-7.

Thế nhưng ở nước Pháp, trong không khí bài Mỹ sục sôi, vụ lùm xùm của ông Strauss-Kahn lại mang tới cho ông những lợi thế chính trị bất ngờ. Khi ông bị bắt ở New York, đảng Xã hội Pháp mất đi một ứng cử viên sáng giá mà theo thăm dò dư luận có thể đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2012. Mặc dù ông Strauss-Kahn chưa chính thức đưa ra quyết định tranh cử, dư luận rộng rãi đều cho rằng ông sẽ không bỏ qua thời cơ này.

Sau cơn sốc, các đảng viên đảng Xã hội Pháp bắt đầu dồn phiếu các ứng cử viên khác – bà Martine Aubry, lãnh đạo đảng và ông Francois Hollande. Bây giờ, khi ông Strauss-Kahn có khả năng trắng án, tình hình có thể thay đổi. Cơ quan thăm dò dư luận Harris Interactive đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến của 1.000 người Pháp trưởng thành, cho thấy 49% muốn ông Strauss-Kahn quay lại chính trường Pháp, 45% không muốn và 6% không có ý kiến.

Nếu ông Strauss-Kahn trắng án và quay lại chính trường Pháp, ông có thể được cử tri tha thứ vì phần lớn người Pháp vẫn luôn coi chuyện trăng hoa là việc cá nhân, không liên quan gì tới khả năng kinh bang tế thế của một nhà chính trị. Việc ông trở thành “nạn nhân” của Mỹ lại càng khiến ông trở nên sáng giá trong con mắt của nhiều cử tri.

Đảng Xã hội Pháp đã quyết định ngày 13-7 là hạn cuối cùng đăng ký ứng cử viên – năm ngày trước khi tòa án ở New York mở lại phiên xét xử ông Strauss-Kahn. Nhưng dường như để hậu thuẫn cho sự trở lại của ông, các nhà lãnh đạo đảng Xã hội Pháp như bà Martine Aubry, ông Francois Hollande và cả bà Ségolène Royal – ứng cử viên đảng Xã hội bị thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007 – đều tuyên bố sẽ hoãn thời hạn đăng ký ứng viên để ông Strauss-Kahn có điều kiện tham gia, việc bầu chọn ứng cử viên của đảng tham gia tổng tuyển cử sẽ kết thúc vào ngày 9-10 tới.

Nếu ông Strauss-Kahn bước ra khỏi nhà tù New York và trở thành tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vào năm tới thì điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ Pháp-Mỹ? Thật khó mà nói trước được. n

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới