Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Dự án 2.000 tỉ đồng ‘bán nước thô’ cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án 2.000 tỉ đồng ‘bán nước thô’ cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) đang đề xuất đầu tư  trên 2.000 tỉ đồng để xây dựng trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải liên tỉnh để cung cấp nước cho 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Dự án 2.000 tỉ đồng ‘bán nước thô’ cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre
Người dân Bến Tre phải đổi từng thùng nước ngọt vì xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh

Đề xuất dự án nước sạch cho vùng nhiễm mặn 

Đề xuất nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa doanh nghiệp đề xuất dự án là DNP Water với lãnh đạo 3 địa phương nêu trên, diễn ra ở tỉnh Tiền Giang vào chiều hôm nay, 27-5.

Vị đại diện doanh nghiệp đề xuất dự án cho biết, mục tiêu của việc đầu tư dự án nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất; khắc phục tình trạng nước nhiễn mặn; thay thế nguồn nước ngầm đang đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức tại ĐBSCL.

Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.095 tỉ đồng, trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 30% và 70% còn lại là vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án có công suất giai đoạn 1 (năm 2021) là 300.000 m3/ngày đêm và được nâng lên 500.000 m3/ngày đêm trong giai đoạn 2 dự kiến vào năm 2025.

Theo vị đại diện của DNP Water, dự án sẽ sử dụng nước mặt sông Tiền và bán buôn nước thô thông qua đồng hồ tổng cho các nhà máy nước hiện hữu và tương lại dọc tuyến ống truyền tải khu vực thuộc 3 địa phương của ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Báo cáo của doanh nghiệp đề xuất dự án cho thấy, trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng trạm bơm công suất 300.000 m3/ngày đêm đặt tại huyện Cái Bè (trạm bơm Cái Bè) tỉnh Tiền Giang; đặt trạm bơm tăng áp số 1 tại huyện Cai Lậy (trạm bơm Cai Lậy) với công suất 300.000 m3/ngày đêm; trạm bơm tăng áp số 2 tại nhà máy nước Đồng Tâm (trạm bơm Đồng Tâm) công suất 250.000 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng 6 tuyến ống chính để chuyển nước từ trạm bơm Cái Bè đi các nơi của 3 địa phương nêu trên với tổng chiều dài các tuyến ống chính là 97,8 km. Trong đó, đường kính ống chính lớn nhất là 1,4 mét và nhỏ nhất là 0,4 mét.

Về việc tiêu thụ nước của dự án, DNP Water đề xuất, UBND của 3 địa phương nêu trên đại diện cho các đơn vị cấp nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh ký hợp đồng bao tiêu sản lượng nước từ dự án. “Đối với các đơn vị cấp nước do tư nhân sở hữu sẽ do doanh nghiệp dự án thỏa thuận hợp đồng", vị đại diện DNP Water cho biết.

 

Vị đại diện của DNP Water đề xuất, sản lượng các đơn vị cấp nước phải tiếp nhận nước thô từ dự án mỗi năm tối thiểu là 75% sản lượng tối đa đăng ký với dự án, nhưng đảm bảo không thấp hơn 50% sản lượng bình quân theo tháng trong 1 tháng bất kỳ. Sản lượng tiếp nhận bình quân hàng năm được điều chỉnh tăng tối thiểu 5% so với năm liền trước, nhưng không vượt quá sản lượng bán lẻ thực tế của đơn vị tiếp nhận.

Bài toán giá nước

Về giá bán nước thô, DNP Water đề xuất, giá nước thô khởi điểm năm 2021 (năm dự kiến đưa dự án vào vận hành giai đoạn 1) là 3.000 đồng/m3 và được duy trì ổn định (không thay đổi) trong suốt cả năm. Giá bán nước thô được điều chỉnh tăng 5%/năm.

Với giá bán nước thô được DNP Water đề xuất như nêu trên, dự kiến giá bán lẻ nước sạch ở tỉnh Bến Tre sẽ tăng thêm 2.250 đồng/m3, lên mức 11.850 đồng/m3. Trong khi đó, giá bán lẻ ở tỉnh Long An và Tiền Giang cùng tăng thêm 1.500 đồng/m3, lên mức 10.200 đồng/m3 ở tỉnh Tiền Giang và 9.790 đồng/m3 ở tỉnh Long An.

Theo vị đại diện của DNP Water, mức giá bán lẻ ở 3 địa phương nêu trên tuy có tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với các địa phương khác như: Bà Rịa- Vũng Tàu là 14.375 đồng/m3; Hải Phòng là 12.190 đồng/m3; Đắk Lắk là 10.695 đồng/m3 và Ninh Bình là 10.277 đồng/m3.

Liên quan đến vấn đề giá nước, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc doanh nghiệp đề xuất dự án lấy giá nước của các địa phương không cùng vùng ĐBSCL để làm cơ sở so sánh là chưa thuyết phục. “Để tăng tính khả thi, doanh nghiệp nên lấy giá nước của các địa phương khác trong cùng một vùng để so sánh”, ông Hưởng gợi ý.

Với dự án được DNP Water đề xuất, cả ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An và ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đều thống nhất đầu tư dự án. “Năm nay, toàn bộ tỉnh Bến Tre đều bị xâm nhập mặn, cho nên, nếu có được dự án này sẽ phần nào giải quyết được câu chuyện nước sinh hoạt của địa phương”, ông Lập cho biết.

DNP Water được thành lập vào năm 2017, là đơn vị chuyên đầu tư ở ngành nước thuộc DNP Corp (Dong Nai Plastic JSC). DNP Corp thành lập từ năm 1976, được tổ chức theo mô hình công ty đầu tư (investment holding), gồm nhiều đơn vị thành viên, tập trung cho hai ngành chiến lược là nhựa và nước sạch.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới