(KTSG Online) – Việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 sẽ có những tác động nhất định cho hoạt động sản xuất nông, thủy sản của người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, các địa phương vẫn “chưa ngồi lại” để thống nhất phân vùng sản xuất (ngọt - lợ - mặn) và điều này có nguy cơ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa các hệ thống canh tác.
- Hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn Cái Lớn – Cái Bé vừa đưa vào vận hành
- Vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé kiểm soát xâm nhập mặn ra sao?
Vào tháng 3-2022, dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 3.309 tỉ đồng, được chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khánh thành và đưa vào vận hành.
Dự án kiểm soát ngọt - lợ - mặn lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) này, ngoài hợp phần xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quốc lộ 61, còn bao gồm cả hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, các địa phương trong vùng dự án hiện vẫn chưa thống nhất phân vùng sản xuất ngọt - lợ - mặn, trong khi việc vận hành dự án có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất này. Điều này, có nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích giữa các hệ thống canh tác như đã xảy ra ở các dự án thuỷ lợi thời gian qua.
Cảnh báo xung đột “ngọt - lợ - mặn”
Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đề ra mục tiêu góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ngoài ra, còn có nhiệm vụ kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp; giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Đặc biệt, dự án còn có mục tiêu kiểm soát nguồn nước mặn, lợ và ngọt nhằm tạo điều kiện sản xuất ổn định đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 héc-ta của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản là 346.241 héc-ta.
Liên quan dự án này, tại hội nghị “Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL” diễn ra ở TP Cần Thơ vào tuần rồi, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phía sau dự án có vùng nước mặn, có vùng nuôi tôm nước lợ, vùng tôm lúa, vùng cây ăn trái, vùng sản xuất lúa...
“Cống Cái Lớn - Cái Bé đã hoàn thành, nhưng trong vùng dự án là cả một hệ thống sản xuất đan xen nhau nên cần phải có sự tính toán, thống nhất”, ông Nam nói và cảnh báo, cống hoàn thành nhìn rất đẹp, chụp ảnh rất “sướng”, nhưng đang có nguy cơ xung đột lợi ích.
Sự lo lắng của vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trên thực tế, đã có nhiều dự án thủy lợi sau khi hoàn thành lại xảy ra mâu thuẫn lợi ích về hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là giữa hệ thống canh tác dự vào nước ngọt (lúa, trái cây, thủy sản nước ngọt) với hệ thống canh tác dựa vào nước lợ (nuôi tôm nước lợ).
Chẳng hạn, đối với dự án hệ thống cống đập Ba Lai (Bến Tre), nếu xét về mục tiêu “ngăn mặn- giữ ngọt”, thì đã hoàn thành, giúp không cho nước mặn xâm nhập sâu về phía thượng nguồn (vùng ngọt hoá). Điều này, cũng giúp những người có hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa vào nước ngọt yên tâm sản xuất hơn.
Tuy nhiên, khi dự án hình thành, đã có không ít hộ nông dân vốn sống nhờ vào hoạt động nuôi tôm nước lợ đã bị đẩy vào cảnh khó khăn khi vùng nước lợ đã bị “ngọt hoá”. Điều này, đã dẫn đến cảnh, người dân phải “lén lút” khoan giếng ngầm để lấy nước mặn nuôi tôm.
Trong một lần trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Bình Thạnh 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, một hộ dân nằm trong vùng “ngọt hóa” thừa nhận, dù bị chính quyền địa phương nhiều lần “bẻ ống, lấp giếng khoan”, nhưng người dân vẫn tiếp tục khoan giếng mới vì lợi nhuận từ con tôm hấp dẫn hơn rất nhiều so với loại hình canh tác dựa vào nước ngọt.
Cách đây khoảng 7 năm, tức vào năm 2016, người dân ở xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã chứng kiến những vụ nông dân thưa kiện lẫn nhau vì... "ông sản xuất lúa, bà nuôi tôm".
Theo đó, đã có không ít nông dân đã bửa đập dẫn nước mặn vào vùng "ngọt hóa" ở xã An Xuyên để nuôi tôm vì lợi nhuận của loại thuỷ sản này cao hơn rất nhiều so với sản xuất lúa.
Rõ ràng, với những gì đã diễn ra trong quá khứ cũng như nguy cơ hiện hữu đối với dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cho nên, ông Nam đề nghị phải hết sức chú ý, thậm chí phải lấy ý kiến của người dân. “Lấy phiếu để xem ý của người dân thế nào, chứ nếu không là có vấn đề, không đơn giản đâu”, ông nói.
Các địa phương phải cùng “ngồi lại” với nhau
Trước những nguy cơ có thể xảy ra, ông Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, các địa phương trong vùng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phải ngồi lại phân vùng hệ thống sản xuất ngọt - lợ - mặn để tránh xảy ra xung đột.
Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cơ bản thống nhất để Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, đơn vị tiếp nhận vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tổ chức họp để tuyên truyền nông dân đồng tình ủng hộ.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng, trong nhiều năm qua, các biện pháp công trình đã được “chú trọng” để ứng phó với biến đổi khí hậu. “Đây là biện pháp cho thấy mức độ hiệu quả của nó rất là nhanh và có giá trị tức thời để phục vụ cho sản xuất”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ sinh kế lâu dài, theo ông, khi xây dựng một công trình, thì phải nghĩ đến giải pháp phi công trình, tức tập trung cho việc thích ứng với sự thay đổi khi có công trình. “Trước đây, khi chúng ta làm, cũng có những mô hình nhỏ, cho nên, chưa đánh giá được một cách đồng bộ hiệu quả, hiệu ứng của công trình sau khi hoàn thành”, ông nói và cho rằng, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung song song việc xây dựng công trình là phải có giải pháp phi công trình, tức thay đổi về tập quán canh tác, cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất của người dân…
Chẳng hạn, đối với lĩnh vực trồng trọt, theo ông, khi ngăn mặn vào vùng sản xuất của cây trồng, thì vùng đó cũng không có nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. “Vì vậy, chúng ta phải xem lại thời gian ngăn mặn để có thời gian bố trí mùa vụ, thậm chí cây trồng như thế nào cho phù hợp”, ông gợi ý và cho rằng, việc bố trí này phải phù hợp với tập quán canh tác của người dân, chứ không phải duy ý chí của cơ quan chỉ đạo.
Cụ thể, đối với dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, trong vùng dự án có các hệ thống canh tác khác nhau (ngọt - lợ - mặn), cho nên, có thể phù hợp với địa phương này, nhưng chưa chắc đã phù hợp với địa phương kia hay nói cách khác hệ thống canh tác ở địa phương này nó phát huy tốt, nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ thống canh tác của địa phương khác.
Chính vì vậy, ông Tùng đề nghị, các địa phương trong vùng dự án nên ngồi lại để xem xét sự vận hành của hệ thống nhằm phân vùng phù hợp để tất cả các hệ thống canh tác ở tất cả các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án đều phải được khai thác một cách hợp lý, hài hoà và phát huy hiệu quả tối đa của công trình.
Trao đổi với KTSG Online, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư hợp phần sinh kế và phi công trình trên địa bàn của địa phương này cho rằng, sắp tới đơn vị sẽ thực hiện khảo sát thực tế ở những vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang xem có xảy ra xung đột để cùng ngồi lại giải quyết.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, chủ đầu tư hợp phần sinh kế và phi công trình ở địa phương này cũng thông tin rằng đến thời điểm hiện tại, Kiên Giang và các địa phương trong vùng dự án vẫn chưa cùng nhau phân vùng cho hoạt động sản xuất nông, thủy sản.
Nguy cơ xung đột cây lúa – con tôm dữ dội như thập niên 80-90 ở tuyến Bạc Liêu-Cà Mau, hình thái cực đoan khi ngăn mặn làm lúa. Nhưng ở cống Cái Lớn – Cái Bé còn bị chế độ triều vịnh Thailand + khu sinh quyển U minh thượng + liên quan tới cây tràm và tầng phèn nằm cách mặt đất có 2-3m + lớp mùn rừng U Minh, nếu không tính kỹ sẽ “sa mạc hoá” cả khu này bằng lớp phèn nặng từ tầng đáy trồi lên.
Việc tập hậu mặn của cống cái lớn chỉ là vấn đề thời gian. Lâu thì khoảng 20 năm, nhanh thì khoảng 5-10 năm nữa trong và ngoài cống có cùng một loại nước hoặc mặn hoặc ngọt. Cống này dự kiến chỉ cục bộ và tuổi thọ hơn cống Ba Lai khoảng 10 năm. Bài học cống BaLai có thể sẽ lặp lại cống Cái Lớn.
Cốt lõi câu chuyện thuận thiên mà các chuyên gia đưa ra là thuận theo tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo cũng như tiêu tốn vốn đầu tư thông qua các đập ngăn mặn.