Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự án cấp nước thô ngàn tỉ khó triển khai, ĐBSCL vẫn loay hoay với hạn mặn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt do hạn xâm nhập mặn gây ra, nhất là khu vực ven biển của ba địa phương, gồm Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Tuy nhiên, dự án chuyển nước thô cung cấp cho ba địa phương này sau khoảng 4 năm đề xuất vẫn chưa thể triển khai bởi việc thời gian hạn mặn kéo dài vài tháng mua nước cả năm là rất khó.

Người dân huyện Gò Công Đông phải sử dụng nguồn nước từ thiện từ các địa phương khác mang về. Ảnh: Trung Chánh

Đối với tỉnh Tiền Giang, 1 trong 3 địa phương dự án đề xuất đầu tư, trong những năm qua, đã chi hàng trăm tỉ đồng nhằm tạo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, tiền rót xuống mà kết quả mang lại vẫn chưa như mong đợi…

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các địa phương ven biển vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với vùng dự án ngọt hoá Gò Công từ 2016 đến 2023, địa phương đã chi hơn 60,8 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh để nạo vét 21 tuyến kênh chính, kênh cấp 1 do tỉnh quản lý để tăng khả năng trữ nước ngọt.

Ngoài ra, nguồn vốn Trung ương cũng “rót” 473 tỉ đồng để nạo vét kênh 14 và đầu tư dự án hệ thống thuỷ lợi trạm bơm Xuân Hoà.

Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã chủ động chi 18,8 tỉ đồng thực hiện nạo vét 83 tuyến kênh nội đồng nhằm ứng phó với hạn mặn năm 2024. Tuy nhiên, mùa khô 2024, người dân ven biển vùng dự án ngọt hoá Gò Công vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng, phải nhờ vào những chuyến xe mang nước ngọt từ thiện ở nơi khác đến, dù nhà máy nước Đồng Tâm đã vận hành tối đa công suất (68.000-70.000 m3/ngày đêm) để “chi viện” thêm cho khu vực phía Đông.

Dự án bơm nước thô bán vẫn… “nằm trên giấy”

Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt ở thời điểm hiện tại không phải lần đầu xảy ra đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như Long An và Bến Tre nói chung. Trước đó, vào mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, người dân khu vực này cũng phải hứng chịu tình cảnh tương tự, thậm chí người dân ở thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) phải chấp nhận mua nước thô với giá 150.000-200.000 đồng/m3 từ các sà lan ở thượng nguồn mang về bán lại cho người dân.

Trước bối cảnh nêu trên, Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) vào thời điểm năm 2020 đã đề xuất đầu tư 2.000 tỉ đồng xây dựng trạm bơm nước thô ở Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải nước liên tỉnh để cung cấp cho ba địa phương nêu trên phục vụ cho các nhà máy nước xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân.

Mục tiêu của dự án ở thời điểm đề xuất, đó là nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sinh hoạt, sản xuất; khắc phục tình trạng nước nhiễn mặn; thay thế nguồn nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức tại ĐBSCL.

Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.095 tỉ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 30% và 70% còn lại là vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm và được nâng lên 500.000 m3/ngày đêm trong giai đoạn 2.

Tuy nhiên, tất cả những mục tiêu, kế hoạch dự kiến của dự án trạm bơm nước thô Cái Bè để cung cấp cho Tiền Giang, Long An và Bến Tre đến thời điểm hiện tại vẫn còn nằm trên giấy, dù kế hoạch ban đầu của giai đoạn 1 là năm 2021 và giai đoạn 2 là 2025.

Ông Lều Mạnh Huy, Phó tổng giám đốc DNP Water cho biết, đợt xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, ranh mặn có nồng độ 5 gam/lít đã vượt qua vị trí lấy nước của nhà máy Đồng Tâm hay nói cách khác nhà máy nước này không thể hoạt động để cung cấp nước ngọt cho người dân trong vùng dự án.

“Thời điểm đó, chúng tôi cũng có nhà máy nước tại Long An, lấy nước từ tuyến kênh Tháp Mười- Nguyễn Văn Tiếp, nhưng cũng bị mặn”, ông Huy cho biết và giải thích, xuất phát từ thực trạng này, DNP Water đã nghiên cứu quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL.

Theo đó, quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL chỉ quy hoạch nhà máy nước vùng liên tỉnh là “nhà máy nước sạch” đặt tại thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu và xây dựng đường ống dẫn nước truyền tải về các tỉnh ven biển, chứ không có quy hoạch “trạm bơm nước thô”.

Ông Huy cho biết, sau khi nghiên cứu quy hoạch đã phát hiện một số bất cập, khó khả thi, bao gồm: thứ nhất, tổng mức đầu tư quá cao (5 nhà máy được quy hoạch và toàn bộ hệ thống ống truyền tải) lên đến 146.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng hợp phần nhà máy cấp nước cho Tiền Giang và Long An có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.

Theo ông Huy, tính sơ bộ bài toán tổng mức đầu 10.000 tỉ đồng đối với quy hoạch nhà máy nước cho Tiền Giang và Long An (có tính khấu hao, lãi vay và chi phí vận hành) thì nước sạch sinh hoạt sẽ lên đến 25.000-30.000 đồng/m3, không phù hợp với mặt băng giá nước sạch sinh hoạt chung tại khu vực.

Lý do thứ hai được vị đại diện DNP Water nêu ra là: nếu xây dựng nhà máy nước sạch theo quy hoạch, thì toàn bộ nhà máy hiện hữu của các công ty nước sẽ ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến người lao động, quá trình sản xuất và kinh doanh của các nhà đầu tư đang có nhà máy nước.

Xuất phát từ vấn đề nêu trên, DNP Water đã đề xuất dự án trạm bơm nước thô tại Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để cung cấp nước sạch cho Tiền Giang và Long An. “Sau đó, tỉnh Bến Tre cung xin gia nhập”, ông Huy nói và cho biết, đơn vị này sẽ xây dựng hệ thống 35 km đường ống từ Cái Bè về nhà máy nước Đồng Tâm cũng như hệ thống đường ống đi các địa phương trong dự án.

Từ đề xuất dự án nêu trên, ba địa phương là Tiền Giang, Long An và Bến Tre cùng đề xuất với Trung ương và nhận được thống nhất của ba Bộ gồm Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, ông Huy cho biết.

Dự án đã được cấp chủ trương đầu tư từ tháng 6 năm ngoái và DNP Water đã cơ bản hoàn thành khảo sát, thiết kế và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. “Với dự án này, chúng tôi dự kiến bán nước thô cho các nhà máy nước chỉ 3.000 đồng/m3. Giá nước sạch đầu ra chỉ tăng hơn 1.000 đồng/m3 so với giá nước sạch hiện tại, tức cạnh tranh hơn rất nhiều so với mức giá 25.000-30.000 đồng/m3 của phương án đầu tư nhà máy nước sạch.

Theo ông, dự án hiện vẫn chưa được triển khai vì ba địa phương liên quan như nêu trên vẫn "chưa ký hợp đồng" mua nước thô với đơn vị này. Chính vì vậy, DNP Water cũng chưa thể đạt được thoả thuận với ngân hàng nhằm giải ngân tín dụng triển khai dự án. “Kết nối với dự án này, nguồn nước ngọt sẽ có quanh năm, đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng”, ông Huy nói.

Nước ngọt từ thiện mang đến cho người dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang do nguồn nước tại chỗ không đủ. Ảnh: Trung Chánh

Bị mặn 1-2 tháng nhưng mua cả năm là khó

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định về việc ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông cùng các đơn vị có liên quan vận chuyển nước thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mg/lít về các ao chứa ở Tân Phú Đông phục vụ hoạt động sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Còn tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cả hai địa phương nằm trong vùng hưởng lợi của dự án trạm bơm nước thô Cái Bè là Tiền Giang và Bến Tre đều không nhắc đến phương án sử dụng nguồn nước thô này trong kiến nghị cung cấp nước cho người dân.

Chẳng hạn, ông Vĩnh của UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị, Trung ương hỗ trợ xây dựng 3 cống ngăn mặn, bao gồm Trà Tân, Ba Rài và Phú An với kinh phí khoảng 887 tỉ đồng nhằm khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng để bảo vệ khoảng 130.000 héc ta của Tiền Giang và Long An (Long An hơn 20.200 héc ta).

Ngoài ra, ông Vĩnh cũng kiến nghị, Trung ương hỗ trợ nâng cấp ao Phú Thạnh 10 héc ta, ao Tân Thới 6 héc ta để phục vụ cho người dân huyện Tân Phú Đông với kinh phí cần hỗ trợ khoảng 160 tỉ đồng; mở rộng ao Gia Thuận 10 héc ta, ao Bình Thành 30 héc ta, ao Gò Gừa 15 héc ta với tổng kinh phí khoảng 300 tỉ đồng nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, Nguyên Phó cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, việc đầu tư nhà máy nước sạch cấp vùng sẽ có mức đầu tư rất lớn, nhưng không kế thừa được các nhà máy nước hiện có. “Vì vậy, chúng ta đã nghĩ đến cấp nguồn nước thô cho các nhà máy, bởi các nhà máy bây giờ chỉ thiếu nguồn nước thôi, chứ vận hành, hoạt động vẫn bình thường”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, có một vấn đề “không trả lời được”, đó là mặn trong bao lâu, 1 tuần, 10 ngày, 1 tháng, 2 tháng… hay tương lai sắp tới sẽ ra sao?

Ông Tuấn của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, việc tính toán nguồn nước thô cần tính cho tương lai, có thể tính 3 tháng để cấp nước thô cho các nhà máy hoạt động. “Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cấp nước ĐBSCL. Có thể xem xét xây nhà máy nước sạch trở thành trạm bơm nước thô từ sông Tiền hoặc sông Hậu rải đi các nơi nhằm kế thừa cơ sở vật chất nhà máy của các tỉnh để tiếp tục vận hành (như trường hợp của DNP Water đề xuất)”, ông cho biết.

Theo ông Tuấn, ngoài việc phục vụ cho nước sinh hoạt cũng cần tính đến nguồn nước thô cung cấp cho cả mục đích sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. “Phương án cũng nên kết hợp vừa cấp cho các nhà nước để có nước dân sinh, nhưng vừa cho công nghiệp và nông nghiệp”, ông gợi ý.

Tuy nhiên, rõ ràng trong bối cảnh hạn mặn chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, trong khi mục tiêu của dự án là muốn các địa phương ký kết sử dụng nguồn nước thô liên tục là một điều rất khó khăn.

Mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, nhà máy nước Đồng Tâm bị ảnh hưởng do mặn vượt qua vị trí lấy nước xử lý. Thế nhưng, trong mùa khô 2023-2024 này, nhà máy vẫn hoạt động tốt, thậm chí đạt công suất tối đa 68.000-70.000 m3/ngày đêm như báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang.

Rõ ràng, việc yêu cầu các nhà máy nước sạch mua nước thô để xử lý cả ở những thời điểm có thể tự chủ động được nguồn nước, tức không phải tốn thêm khoảng 3.000 đồng/m3 là điều không phải dễ dàng, nhất là khi thời gian xảy ra hạn mặn không phải quá dài nếu tính tổng thể cho cả năm…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới