(KTSG Online) - Đối với hai dự án điện hạt nhân có tổng mức đầu tư lên đến 7 tỉ đô la Mỹ thì việc đề ra các cơ chế đặc thù lần đầu được Chính phủ đặt lên bàn Quốc hội hôm 17-2 được xem là cần thiết.
- Dự án điện hạt nhân cần có cơ chế đặc thù để về đích đúng hẹn
- Cần chiến lược bền vững cho tiến trình khởi động lại dự án điện hạt nhân

Cơ chế Chính phủ bảo lãnh vốn vay cho các dự án đầu tư vào nguồn điện nói chung đã bị bãi bỏ từ nhiều năm trước do nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hệ thống nguồn điện đã ngày một lớn và thế độc quyền sản xuất điện của Tập đoàn điện lực (EVN) hiện không còn nữa.
Để tăng tốc đầu tư và đưa vào sử dụng hai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cuối năm 2030, Chính phủ đã trình ra Quốc hội 9 cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án điện hạt nhân. Trong đó, nhiều cơ chế đặc thù lần đầu được đề xuất áp dụng cho dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Đối với hai đại dự án điện hạt nhân có tổng mức đầu tư lên đến 7 tỉ đô la Mỹ này, lần đầu tiên Chính phủ trình lên Quốc hội xem xét các cơ chế đặc thù hôm 17-2 để có thể giao cho EVN và Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư.
Trong số các cơ chế đặc thù được chính phủ đề xuất, điều dễ nhận thấy và tác động trực tiếp đên người dân, doanh nghiệp là việc cho phép EVN đánh giá lại các tài sản là các nhà máy điện, kể cả nhà máy BOT đã bàn giao, thủy điện tích năng.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia luật và chính sách công Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, đối với các dự án điện đã hết thời gian, chi phí khấu hao bằng 0 và không bị tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện nay chuyển sang đánh giá lại làm tăng giá trị tài sản, tăng khấu hao, làm tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới.
Trước những đề xuất của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cũng đưa ra những góp ý về việc dụng cơ chế đặc thù làm sao để đảm bảo tính công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ về quy định, về hạn mức tín dụng, điều kiện trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác…
Về phía các chuyên gia kinh tế độc lập, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần về quản lý kinh tế (Economica) nhận định, đối với những dự án trọng điểm quốc gia như dự án điện hạt nhân, việc sử dụng các cơ chế đặc thù để đảm bảo hiệu quả và nguồn lực trong quá trình triển khai là cần thiết. Do vậy, việc thực hiện các cơ chế cần có sự giám sát và minh bạch là cơ sở tốt nhất để giám sát có hiệu quả.
“Tất cả các nội dung của cơ chế đặc thù được thông qua sẽ cần được minh bạch để đảm bảo sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ đến chính quyền các địa phương, người dân nơi dự án được triển khai”, ông Bình nói.
Theo chuyên gia này, các cơ chế đặc thù hiện nay đòi hỏi phải áp dụng những quy định khác đi so với pháp luật hiện hành. Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và sự thống nhất, cần hạn chế áp dụng những ngoại lệ khi áp dụng pháp luật và chỉ áp dụng khi thực sự cần thiết. Đó là khi các công cụ thị trường không thể giải quyết được.
Việc xây dựng cơ chế đặc thù do vậy cần tính đến phương án đầu tiên là sử dụng cơ chế và công cụ thị trường, tạo cơ chế thị trường đặc thù trước. Ví dụ như để huy động nguồn lực cho dự án, có thể áp dụng cơ chế để chủ đầu tư phát hành trái phiếu công trình lãi suất thật cạnh tranh trên thị trường, khai thông được nguồn lực trong nước mà không đòi hỏi phải làm khác đi so với quy định hiện hành của Luật các tổ chức tín dụng.
“Bằng cách đó, việc giám sát cũng sẽ hiệu quả hơn, trên nền tảng cơ chế thị trường, chịu sự giám sát của thị trường”, ông Bình nhìn nhận.
Trong khi đó ông Đức (VCCI) cho rằng, để hạn chế rủi ro trong quá trình đàm phán vay vốn đối với nhà tài trợ nước ngoài khi áp dụng quy định của nhà tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp trái với Hiến pháp, Chính phủ nên thông báo nội dung đàm phán cho Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đạt được hiệu quả và sự đồng thuận cao nhất. Đơn cử như cần sự đồng thuận đối với các đề nghị miễn đấu thầu hoặc đề nghị lớn khác.
Các phương án tài chính và thu xếp vốn được Chính phủ đề xuất
- Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện: Đàm phán với Chính phủ các đối tác để thu xếp vốn cho dự án theo nhu cầu dự án và theo cam kết của nhà tài trợ nước ngoài. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và quy định của nhà tài trợ nước ngoài có khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nhà tài trợ nước ngoài, trừ khi trái Hiến pháp của Việt Nam
- Chính phủ được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án nêu đám phán Hiệp định vay vốn không đủ.
- Cho phép chủ đầu tư vay lại theo Hiệp định vay vốn mà không chịu rủi ro tín dụng.
- Để có đủ vốn đối ứng thực hiện, chủ đầu tư được sử dụng vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp/công trình và một số cơ chế khác.
- Cho phép EVN đánh giá lại tài sản của các nhà máy nhiệt điện đã hết khấu hao (bao gồm cả các nhà máy BOT đã nhận bàn giao và thủy điện đa mục tiêu), chi phí khấu hao tài sản đưa vào phương án giá bán lẻ điện
- Cho phép PVN được bổ sung nguồn vốn từ việc được giữ lại 32% lãi chia từ các hợp đồng dầu khí và 100% lợi nhuận hàng năm của liên danh Việt- Nga Vietsopetro
- Chủ đầu tư được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng trong thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân
- Chính phủ đề xuất Ngân hàng phát triển (VDB) và các ngân hàng thương mại trong nước được miễn áp dụng quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với chủ đầu tư và người có liên quan để cho vay vượt giới hạn thực hiện phần vốn đối ứng.
- Khoản vay này không tính vào dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng với chủ đầu tư khi thu xếp vốn cho các dự án khác.