Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cần 2.400 nhân lực

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam cần khoảng 2.400 nhân viên, tương đương trung bình 1.200 người cho mỗi nhà máy.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong hội nghị ngày 2-1. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân tổ chức vào ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng, để đáp ứng yêu cầu của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong cả giai đoạn hiện tại và tương lai, TTXVN đưa tin.

Theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, nguồn nhân lực ngành hạt nhân của Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, số lượng nhân lực còn ít, chất lượng chưa cao, cơ sở vật chất lạc hậu, và hoạt động đào tạo còn hạn chế. Hiện nay, hầu hết nhân lực tập trung tại Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu và EVN.

Báo cáo chỉ ra rằng dự án điện hạt nhân đòi hỏi một lực lượng nhân lực đa ngành rất lớn, không chỉ bao gồm các chuyên gia hạt nhân mà còn cần đến các kỹ sư cơ khí, hóa chất, điện, tự động hóa.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Mặc dù đã có một số chương trình cử đi đào tạo trước đây, nhưng hiệu quả chưa cao khi phần lớn người được đào tạo đã không quay về làm việc trong ngành.

Theo khuyến cáo của IAEA, để vận hành nhà máy điện hạt nhân, cần một đội ngũ khoảng 600-1.200 vận hành một nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, công suất khoảng 2x1.000 MWe, gồm các chuyên gia với kinh nghiệm thực tiễn từ 5-10 năm.

Việt Nam, với 2 dự án nhà máy hạt nhân là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, sẽ cần khoảng 2.400 người cho cả hai dự án, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn.

Ngoài nhân lực trực tiếp vận hành, ngành hạt nhân còn cần thêm khoảng 350 chuyên gia cấp cao, bao gồm luật sư hạt nhân, chuyên gia R&D và các chuyên gia khác. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động nghiên cứu và đào tạo, ngành cần thêm khoảng 250 người.

Theo PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, mỗi nhà máy điện hạt nhân 1GW cần khoảng 600-650 người vận hành, cùng với đội ngũ bảo trì và phục vụ, tổng cộng khoảng 700-750 người.

Nhân lực sẽ được phân bố vào các bộ phận như an toàn, pháp chế, vận hành và bảo dưỡng. Các trường của Bộ Công Thương có thể đảm nhận một phần công tác bảo dưỡng kỹ thuật.

“Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được khoảng 188 kỹ sư về ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều học viên trong số đó đã chuyển sang ngành nghề khác, trong khi một số người vẫn ở lại nước ngoài học tập,” Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành dự báo nhu cầu nhân lực và xây dựng kế hoạch đào tạo cho ngành điện hạt nhân trong quí 1-2025. Các cơ sở đào tạo cần đăng ký chỉ tiêu đào tạo với cơ quan có thẩm quyền trước quí 2-2025.

“Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII sửa đổi, trong đó ưu tiên phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, bộ kiến nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới