(KTSG Online) – Dòng khí đầu tiên của dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn sẽ về đến Trung tâm năng lượng Ô Môn (TP Cần Thơ) vào quí 4 năm 2025, theo đại diện của Công ty điều hành đường ống Tây Nam (Công ty SWPOC).
Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra vào hôm nay, 11-5, đại diện Công ty SWPOC cho biết, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan để sớm đưa dự án nói trên vào vận hành. “Theo tiến độ dự kiến, tháng 7- 2022 sẽ có quyết định đầu tư cho chuỗi dự án khí- điện và dòng khí đầu tiên sẽ về Ô Môn vào quí 4-2025”, vị này cho biết.
Trên cơ sở mốc thời gian dòng khí đầu tiên về đến Ô Môn như nói trên, vị đại diện của Công ty SWPOC cho biết, về đường ống dẫn khí, tức dự án trung nguồn trong chuỗi dự án khí lô B- Ô Môn cũng đang hoàn thiện các bước sau cùng nhằm đáp ứng được yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.
Theo đó, về hiện trạng hiện nay, gói thầu đi xuyên bờ dự kiến đóng thầu vào tháng 6-2022 và trao thầu vào tháng 11-2022, trong khi gói đi xuyên biển dự kiến đóng thầu vào tháng 7-2022 và trao thầu vào tháng 1-2023.
“Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đã bàn giao mốc cho Trung tâm phát triển quỹ đất và dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 7-2022, sau đó, bàn giao đất cho nhà thầu để thi công vào quí 2-2023”, vị đại diện Công ty SWPOC cho biết.
Cũng theo vị đại diện của Công ty SWPOC, một thủ tục quan trọng khác mà phía công ty phải thực hiện để đáp ứng được mục tiêu dòng khí đầu tiên về đến Ô Môn vào quí 4-2025 là thu xếp được nguồn vốn.
Cụ thể, đại diện Công ty SWPOC cho biết, tổ chức cho vay là JBIC (ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đang ở các bước đánh giá về môi trường cũng như công tác an sinh xã hội để xác định khả năng cho dự án vay.
Liên quan đến các câu hỏi được đại diện JBIC đưa ra về đánh giá tác động môi trường, xác định giá đất, tái định cư…, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết về nguyên tắc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và dự án này cũng đã được phê duyệt. “Tuy nhiên, ĐTM đã được phê duyệt này là theo Luật Môi trường cũ, do đó, với Luật Môi trường mới, thì chủ đầu tư phải liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định có phải làm lại giấy phép môi trường hay không”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, nguyên tắc trong công tác bảo vệ môi trường, đó là sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt ĐTM cho dự án, thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ giám sát việc thực hiện.
Liên quan câu hỏi của JBIC về sự phối hợp giữa các địa phương vì dự án đi qua địa bàn TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong quy hoạch điện quốc gia nên sự phối hợp sẽ theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Hồng cho rằng, điều quan trọng là chủ đầu tư phải thu xếp được nguồn vốn để triển khai thực hiện.
Liên quan dự án nêu trên, tại hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ diễn ra ở địa phương này hôm 15-4, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ cho biết, Trung tâm năng lượng Ô Môn đã bị chậm tiến độ khoảng 10 năm.
Theo ông Mạnh, đối với Trung tâm năng lượng Ô Môn, thì nhà máy Ô Môn I đã đưa vào hoạt động; nhà máy Ô Môn II đã cấp phép cho nhà đầu tư Nhật Bản; nhà máy Ô Môn IV, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn dự kiến có 5 nhà máy, trong đó, nhà máy Ô Môn V hiện được Tập đoàn điện lực Việt Nam xin đầu tư.
Ông Mạnh cho biết, mỗi nhà máy trong Trung tâm năng lượng Ô Môn trung bình được đầu tư khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, dự kiến giúp tạo nguồn thu cho ngân sách rất lớn. Cụ thể, trong thời gian xây dựng sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách lên đến khoảng 4.000-5.000 tỉ đồng riêng phần liên quan đến xây dựng, lắp đặt thiết bị.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, chuỗi dự án khí- điện Lô B- Ô Môn gồm dự án khai thác khí, đường ống dẫn khí từ mỏ vào bờ và các nhà máy nhiệt điện có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ.