(KTSG Online) - Liên quan đến dự án về hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng tính chống chịu vùng ven biển (FMCR), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị chỉnh lại mức đầu tư từ 195 triệu đô la Mỹ xuống còn 95 triệu đô la.
- Cầu Rạch Miễu 2 tăng vốn đầu tư thêm 1.600 tỉ, lùi hạn hoàn thành đến 2026
- Đến năm 2025, tỷ lệ phục hồi diện tích rừng tự nhiên sẽ đạt 10%
Theo TTXVN, dự án về hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) có nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới sẽ được thực hiện đến 31-12-2023.
Trước đó, do thủ tục điều chỉnh, đàm phán để ký kết hiệp định vay vốn nên đến tháng 12-2019, dự án mới được vay vốn trong khi đó dự án được chính phủ phê duyệt từ tháng 4-2017. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, dự án được mới bắt đầu được thực hiện.
Đáng lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức đầu tư dự án từ 195 triệu đô la Mỹ xuống còn 95 triệu đô la Mỹ.
Nguyên nhân được đưa ra là do diện tích trồng rừng giảm và một số công trình hạ tầng, hiện trường trồng rừng có nhiều thay đổi. Sau khi rà soát diện tích đất tham gia dự án, quỹ đất đã bị giảm từ 69.000 héc-ta còn 42.000 héc-ta diện tích.
Các địa phương đã điều chỉnh quy hoạch đối với 3 loại rừng hoặc đã bố trí nguồn vốn khác để thực hiện một phần diện tích đã quy hoạch của dự án. Một phần diện tích khác được quy hoạch cho mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thêm vào đó, một phần diện tích có địa hình mà cần sử dụng các giải pháp thi công như gây bồi bãi, cải tạo thể nền sẽ được loại bỏ khỏi kế hoạch do không đủ thời gian thực hiện.
Cũng theo bản tin trên, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp cho biết, từ năm 2022 đến nay, dự án đã góp gần 4.000 héc-ta diện tích rừng phòng hộ ven biển cho đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, hướng đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Dự án cũng đầu tư 23 công trình bảo vệ rừng, chủ yếu là nâng cấp đường lâm nghiệp phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn 8 tỉnh, cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho 25.000 hộ hưởng lợi từ dự án.
Dự án cũng hỗ trợ trực tiếp 27 hợp tác xã thông qua các đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hướng đến tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các xã viên. Điển hình như mô hình sản xuất cây sen theo hướng hữu cơ tại xã Hải Quế thuộc tỉnh Quảng Trị...
Trong ngành giao thông, dự án cũng đóng góp trong việc nâng cấp các công trình đường giao thông nông thôn, hệ thống đê kè với trên 90 gói cơ sở hạ tầng.
Dự án sẽ góp phần quản lý bảo vệ và duy trì bền vững gần 42.000 héc-ta diện tích rừng phòng hộ ven biển nhằm đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng tính chống chịu vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời, đóng góp cho chương trình giảm phát thải Bắc Trung bộ, dự kiến khoảng 18% kết quả giảm phát thải cho chương trình này và Đề án phát triển rừng ven biển.
Dự án FMCR được thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án đầu tư chính vào trồng rừng, phục hồi và quản lý bảo vệ rừng; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ trồng và quản lý bảo vệ rừng như gây bồi, tạo bãi, đường tuần tra bảo vệ và phòng cháy chữa cháy; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hoá; đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…