(KTSG Online) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) đang hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng giảm bớt phương thức tuyển sinh có thể gây nhiễu hệ thống xét tuyển. Dự kiến, trong kỳ thi tuyển THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển.
- Cơ sở đào tạo đại học từ xa được phép trao đổi người học
- Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng quy chế tuyển sinh riêng từ năm 2023
TTXVN dẫn nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết dự kiến trong đợt thi THPT Quốc gia năm 2023, thí sinh chỉ chọn nguyện vọng ngành nghề và không cần chọn phương thức xét tuyển đại học. Hệ thống xét tuyển sẽ lọc tự động và gợi ý phương thức phù hợp. Việc này tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, tránh việc phải lựa chọn nhiều cách thức xét tuyển.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng dẫn các trường rà soát, cắt giảm phương thức tuyển sinh không phù hợp, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như gây vướng mắc cho thí sinh.
Theo thống kê, hiện có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học. Trong đó, có 2 phương thức chiếm tỷ lệ cao hơn so với các phương thức khác là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ.
Cụ thể, năm 2022, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có 261.190 chỉ tiêu và 245.040 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82%; chiếm 52,38% so với các phương thức xét tuyển khác. Phương thức xét học bạ có 224.042 chỉ tiêu và 169.537 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67%; chiếm 36,24% so với các phương thức xét tuyển khác.
Về phần mềm xét tuyển, Bộ sẽ nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết để đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu nhầm lẫn trong quá trình đăng ký và xét tuyển. Bộ cũng xem xét việc thực hiện xét tuyển chung một đợt, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.