Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch biển đảo rút kinh nghiệm gì từ tai nạn chìm ca nô tại Hội An?

Nhân Tâm thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xung quanh vụ tai nạn chìm ca nô tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) ngày 26-2 vừa qua, Sài Gòn Tiếp Thị đã ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp du lịch về những ảnh hưởng cũng như những điều cần rút kinh nghiệm đối với du lịch biển, đảo nói chung trong thời gian tới.

Đầu tư tàu lớn cho các tuyến biển đảo

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, dự đoán tour Cù Lao Chàm trong 1-2 năm sau mới có thể trở lại. Thời gian tới, những nơi chưa có đầu tư kỹ tàu biển cũng sẽ không được du khách ưu ái lựa chọn.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt

Tuy nhiên, khoảng 70% khách du lịch tại Việt Nam thích các hoạt động du lịch trên mặt nước. Đây vẫn là tiềm năng lớn cần khai thác, vấn đề là câu chuyện an toàn. Tại Việt Nam, mỗi vùng biển, đảo hay sông suối đều có đặc điểm khác nhau; và ở những thời điểm khác nhau trong năm đều có khả năng diễn ra sóng to gió lớn.

Vì vậy, dự báo thời tiết tại các điểm du lịch trên mặt nước nên được cập nhật cho khách và doanh nghiệp hằng ngày. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có những khuyến cáo đến du khách để họ lựa chọn thời gian du lịch biển đảo an toàn. Công việc này cần sự phối hợp và thực hiện xuyên suốt từ những cơ quan liên quan như biên phòng và ngành du lịch.

Bên cạnh đó, cần huấn luyện an toàn cho du khách, vì khi đi chơi, du khách có xu hướng không quá chú ý đến sự an toàn. Những người tham gia dịch vụ tour biển đảo cũng cần được đào tạo kỹ về an toàn để những người lái tàu không có suy nghĩ chạy nhanh, chạy ẩu cho tiết kiệm thời gian.

Đặc biệt, cơ quan chức năng phải nghĩ đến chuyện đầu tư tàu lớn cho các tuyến biển đảo, nhằm đảm bảo an toàn hơn cho du khách.

Đào tạo nghiệp vụ cho tất cả nhân viên lái tàu, phục vụ tàu

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng trong giai đoạn đầu chắc chắn có sự ảnh hưởng nhất định về tâm lý khách đi tour ra Cù Lao Chàm nói riêng và các đảo trên toàn quốc nói chung.

Vì vậy, các nhà quản lý du lịch tại khu vực biển đảo cần nhanh chóng củng cố mức độ an toàn cho tour tuyến. Mọi thứ chặt chẽ hơn trong quy trình đón khách và phục vụ khách tại các tour biển đảo.

Các nhà quản lý du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch biển đảo cần đào tạo và đào tạo lại nghiệp vụ cho tất cả nhân viên lái tàu, phục vụ tàu nhằm đảm bảo các quy trình an toàn cho du khách và có khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp nếu có.

Trong dài hạn, biển đảo là tài nguyên vô giá, có sức hút lớn với khách du lịch, vì vậy, du khách vẫn sẽ tiếp tục tham quan các tour tuyến này. Tuy vậy, vấn đề rút ra từ sự cố đáng tiếc vừa qua đó là cần có những giải pháp để sự việc tương tự không xảy ra lần nữa. Cần nâng mức độ cảnh báo, không cho tàu, thuyền du lịch đi biển đảo khi thời tiết có gió lớn, trời mù, sóng lớn… mà chúng ta không kiểm soát được tình hình.

Rà soát phương tiện đường thủy tại Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMART

Đây là sự kiện xảy ra ngoài ý muốn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách cho các chuyến du lịch biển đảo sắp tới – ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMART, chia sẻ.

Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Câu lạc bộ vận chuyển đường thuỷ tổng kiểm tra rà soát tất cả các phương tiện vận chuyển khách. Các công ty cũng phải làm việc với cơ quan chức năng liên quan để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách khi đăng ký tham gia các tour du lịch trên sông, trên biển khi đến Đà Nẵng.

Bài học không chỉ cho Quảng Nam mà còn địa phương khác

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi sao (VIC Group)

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi sao (VIC Group), nhận định về mặt an toàn đường thủy, nếu không đảm bảo an toàn, khách sẽ e ngại.

Có những trường hợp khách không biết và không được biết những phương tiện an toàn có mức độ an toàn đến đâu, vì vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan chức năng liên quan là rất lớn. Có thể nói sự cố tại Quảng Nam là một bài học đắt giá cho quản lý du lịch đường thủy nói chung trên cả nước.

Theo ông, những con tàu trước khi đi ra biển phải tuân thủ các quy định và đảm bảo được các điều kiện. Cơ quan nhà nước cần đưa ra những tiêu chí an toàn thật khắt khe và phải có một chế tài đặc biệt, mới không ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch, vì tai nạn xảy ra trên biển rất ít, nhưng nếu có sẽ rất tàn khốc và công tác cứu nạn rất khó khăn.

Rõ ràng, vụ việc này ảnh hưởng rất lớn tâm lý của những người đi du lịch; chắc chắn sẽ có sự e dè và quan ngại từ cả khách du lịch và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà từ bỏ tiềm năng của hình thức du lịch biển đảo; mà quan trọng là rút ra được những kinh nghiệm gì để không xảy ra những sự cố đáng tiếc trong tương lai.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới