Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Đà Nẵng đi tìm ‘mùa xuân’ thứ hai

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nguồn thu mang tính bùng nổ của ngành du lịch Đà Nẵng vào năm 2019 (8,6 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt 30.973 tỉ đồng và 35 đường bay quốc tế) từng được ví von là "mùa xuân". Sau ba năm, ngành công nghiệp không khói của thành phố biển miền Trung đang tìm kiếm mùa xuân thứ hai sau thời gian “nghỉ đông”. Thế nhưng, có khá nhiều thách thức trước mắt và lâu dài.

Trong tuần qua, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng và Tập đoàn Sun Group công bố tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) thường niên vào hè này sau ba năm tạm dừng do dịch bệnh, hàng loạt các công ty kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu lên kế hoạch thu hút khách.

Lễ hội pháo hoa quốc tế quay lại Đà Nẵng sau 3 năm tạm ngưng là dịp để Đà Nẵng thu hút khách trở lại. Ảnh: Kim Liên

Nhiều kỳ vọng và mục tiêu

Họ quảng bá sự kiện trên các trang mạng xã hội và website của mình cũng như chuẩn bị các kế hoạch để cung cấp tour và dịch vụ cho khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa trong một tháng diễn ra sự kiện cũng như các hoạt động du lịch biển và du lịch hè mà Đà Nẵng tổ chức hằng năm.

“Lễ hội pháo hoa quay trở lại vào lúc này sẽ góp phần rất lớn trong việc kích cầu du lịch Đà Nẵng. Một lượng khách lớn sẽ đổ về Đà Nẵng. Các công ty du lịch sẽ tận dụng miếng bánh này để đưa ra những dịch vụ phù hợp với khả năng công ty của mình”, ông Trần Quang Trung, Giám đốc WorldTrans – Chi nhánh Đà Nẵng, nói và chia sẻ với riêng WorldTrans sẽ tung ra các combo vé bao gồm vé máy bay, lưu trú, vé xem pháo hoa và tour ngằn ngày quanh Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Bên cạnh lễ hội pháo hoa, theo ông Trung, chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2023 cũng như chương trình “Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng năm 2023” sẽ là những điểm nhấn khác để thành phố thu hút khách trong nước và quốc tế.

Ông Lê Thái Bảo Long, CEO của Trường Sa Tourist – công ty chuyên khai thác khách trên hệ thống OTA (Online Travel Agent – đại lý du lịch trực tuyến), cũng đồng tình rằng lễ hội pháo hoa quốc tế là sự kiện được chờ đợi nhất sau ba năm trở lại đây của Đà Nẵng. Đây là 1 sự kiện sẽ giúp du lịch Đà Nẵng thu hút một lượng khách lớn nội địa và quốc tế, ông Long nói và cho hay Đà Nẵng không nên chỉ dừng lại ở lễ hội này và các hoạt động hè mà cần cần duy trì và phát triển các chương trình lễ hội và sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế xuyên suốt để thu hút khách.

“Trường Sa Tourist đã có sự chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế từ tháng 4-2022. Đến thời điểm hiện nay công ty đã có một lượng khách ổn định từ thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Chúng tôi đã đầu tư 10 chiếc xe Dcar Limousine hạng sang để phục vụ các dòng khách VIP khi đến Đà Nẵng, đặc biệt các đám cưới của tỉ phú Ấn Độ tại Đà Nẵng”, ông Long chia sẻ thêm.

Đứng trên khía cạnh lưu trú, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết các khách sạn, resort cũng đang có những kỳ vọng nhất định để Đà Nẵng “hưởng ánh nắng mùa xuân trở lại sau mùa đông dài lạnh giá”.

Ông Tuấn phân tích, du lịch biển, lễ hội pháo hoa là sản phẩm có tính đặc trưng của Đà Nẵng. Sau hai năm dịch, đây là dịp tốt để Đà Nẵng thu hút du khách.

Du lịch gắn với sinh thái là gợi ý cho sản phẩm du lịch mới tại Đà Nẵng để thu hút khách. Trong ảnh là Sơn Trà Tịnh Viên - nơi lưu giữ hàng trăm loại tre trúc khác nhau tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

“Tuy nhiên, sự trở lại các sự kiện này nên có tính đổi mới, có tính sáng tạo hơn ngay bản thân trong các sự kiện này tránh sự nhàm chán lặp đi lặp lại như các năm cũng là cách thu hút các khách đã từng nhiều lần đến Đà Nẵng sẽ tiếp tục đến”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm nếu làm được như vậy thì không chỉ ngành du lịch Đà Nẵng được hưởng lợi mà các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn... cũng được hưởng lợi.

Đi cùng nhiều thách thức

Ông Tuấn đưa ra gợi ý trước và sau thời điểm xem pháo hoa, khách du lịch có thể tham gia các tour sinh thái, tìm hiểu cộng đồng địa phương tại Đà Nẵng cũng như những địa phương lân cận như Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Có cùng quan điểm nêu trên, ông Trung của WorldTrans cho rằng thách thức của ngành du lịch Đà Nẵng hiện nay là làm sao có được những sản phẩm, dịch vụ mới, thú vị và hiệu quả để kéo khách lưu lại Đà Nẵng trong thời gian lâu hơn.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ hàng không, giá phòng lưu trú và sản phẩm du lịch về đêm phong phú là những thách thức khác mà ngành du lịch thành phố biển miền Trung cần phải giải quyết. Theo ông Trung, các công ty lữ hành, khách sạn, resort, các hãng hàng không cũng như các công ty cung cấp dịch vụ khác liên quan đến du lịch cần hợp tác thực tế với nhau để có được giá dịch vụ trọn gói hợp lý dành cho khách. Điều này vừa giúp Đà Nẵng có thể cạnh tranh điểm đến vừa tránh được nạn giá rẻ và dịch vụ không tương xứng khi khách du lịch tự đặt dịch vụ riêng lẻ trên mạng.

“Thách thức là phải duy trì được chất lượng dịch vụ trước sự cạnh tranh của các điểm đến khác ở khu vực Đông Nam Á. Về chất lượng du lịch, Đà Nẵng vẫn dẫn đầu về điểm đến trong nước nhưng ở khu vực Đông Nam Á chúng ta đang chịu sự cạnh tranh rất lớn”, ông Long từ Trường Sa Tourist nói về những nút thắt khác. Chính sách thị thực (visa) và tiếp cận khách hàng theo hướng chuyển đổi số là hai gợi ý để giải quyết những nút thắt trên.

Tại Hội nghị du lịch mùa xuân Đà Nẵng 2023 diễn ra sáng ngày 3-3, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đã đưa ra những kiến nghị lên lãnh đạo thành phố để họ có thể thu hút khách bền vững, đón niềm vui như mùa xuân trở lại. Đó là tiếp tục giảm tiền thuế đất cho doanh nghiệp thêm một năm nữa, hướng dẫn các chính sách cho lao động người nước ngoài làm việc tại thành phố nhất là các chuyên gia chất lượng cao và đặc biệt cần khai thác hiệu quả hơn du lịch nội địa đường thủy tại các tuyến, bến.

Các doanh nghiệp du lịch cũng đề nghị chính quyền sở tại quan tâm đưa thêm vào các sản phẩm như phố đi bộ, dòng sông ánh sáng, lập bản đồ về các quán cà phê để thu hút du khách.

Du khách nước ngoài tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. tại Đà Nẵng. Các doanh nghiệp du lịch mong chính quyền sở tại đưa ra những chính sách để hỗ trợ họ thu hút khách quốc tế nhiều hơn. Ảnh: Nhân Tâm

“Đà Nẵng đã và đang làm hết mình trong việc khôi phục và phát triển du lịch”, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói trước khi giải đáp những kiến nghị của các doanh nghiệp.

Ông Chinh cho biết sắp tới thành phố sẽ có rất nhiều sự kiện, lễ hội có quy mô lớn; đồng thời để công tác du lịch trong năm 2023 đạt được những kết quả như mong muốn giao Sở Du lịch cơ quan thường trực, tham mưu chính cho UBND thành phố trong công tác chỉ đạo lĩnh vực này. Ngoài những nhiệm vụ chính của ngành khẩn trương làm việc với xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng để giảm thời lượng nhập cảnh vào Đà Nẵng cho khách; khẩn trương xây dưng quy chế, tìm các điểm check-in mới, có hướng dẫn về môi trường, an ninh….; xây dựng thẻ du lịch, bản đồ ẩm thực du lịch để phục vụ du khách; quan tâm đến vấn đề an toàn bờ biển, khách tắm biển; nắm bắt các chương trình, thông tin về điểm đến cho các thị trường khách.

Ông Chinh cũng nhắc đến sự vào cuộc của các sở ban ngành khác để tạo một điểm đến an toàn, thú vị chứ không chỉ riêng Sở Du lịch.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sơ Giao thông Vận tải, Công an thành phố không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường, chèo kéo, chặt chém, xe dù đối với du khách; rà soát, đánh giá lại các tiêu chí xếp hạng các nhà hàng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Sở Lao động thương binh và xã hội làm tốt hơn nữa việc cấp phép cho lao động người nước ngoài; Sở Tài chính nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc miễn giảm thuế; Sở Y tế quan tâm đến sản phẩm du lịch sức khỏe…

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các hội thành viên cũng được yêu cầu phát huy vai trò của mình, làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính quyền để xử lý các vướng mắc, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời đề xuất với thành phố, tháo gỡ khó khăn, phải tạo đà trong việc phối hợp giữa các doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm về chất lượng, có sự chia sẻ để giữ gìn điểm đến.

Vietnam Airlines tăng trở lại các chuyến nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng

Tính đến tháng 3-2023, Đà Nẵng dự kiến có 24 đường bay trực tiếp, trong đó có 8 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế. Tần suất bình quân 100 - 120 chuyến bay/ngày. Riêng hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác 7/8 đường nội địa và 3/16 đường quốc tế, bao gồm Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc) và Narita (Nhật Bản). Riêng chuyến bay Đà Nẵng - Narita dự kiến mở lại từ ngày 26-3; tần suất 4 chuyến/tuần từ tháng 3 đến tháng 6-2023, sau đó nâng lên tần suất mỗi ngày đều có một chuyến từ tháng 7-2023.

Thông tin này được công bố trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chiều ngày 3-3 nhằm công bố về thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 – 2027.

1 BÌNH LUẬN

  1. . Xét về góc độ này, so với các địa phương lớn nhỏ khác, Đà Nẵng còn DƯ ĐỊA phát triển vô cùng lớn với hàng trăm TLSQ các nước cũng như hàng trăm đường bay đến các nước chưa có và mới bắt đầu mở dần dần, kết nối tất cả các lĩnh vực kinh tế của chính Đà Nẵng cũng như các địa phương trong vùng miền Trung – Tây Nguyên đến các nước.
    . 26.3 này là Đà Nẵng – Tokyo, 30.3 này là đường bay Đà Nẵng – Viêng chăn, rồi tiếp sẽ là Jakarta 35 triệu dân, Manila 21 triệu dân và tiếp nữa nữa, dần dần, dần dần…..
    . Một đường bay mới mở ra là kết nối NHIỀU THỨ không chỉ du lịch và nhiều địa phương chứ không chỉ 1 tỉnh!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới