Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Đà Nẵng xoay xở tìm hướng đi cho năm 2024

Quỳnh Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2023 ghi nhận sự phục hồi về đà tăng trưởng. Tuy nhiên, thị trường đông dân nhất thế giới vẫn chưa được khôi phục và có sự bão hoà ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Do đó, thành phố biển miền Trung sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới trong năm 2024.

Thông tin này được ghi nhận tại buổi lễ tổng kết du lịch Đà Nẵng diễn ra chiều ngày 20-12 tại Furama Resort Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến đạt hơn 7 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và giảm 8% so với năm 2019. Trong đó khách quốc tế dự kiến đạt gần 2 triệu lượt khách, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2022, và giảm gần 40% so với năm 2019.

Nhiều thách thức trong năm mới đến

Theo lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng, từ những con số trên cho thấy ngành du lịch có sự tăng trưởng nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Tình hình khó khăn này có thể “lan” sang năm 2024 khi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu chưa biết khi nào dừng lại.

Ngành du lịch thành phố ký kết với các quận, huyện để đẩy mạnh chất lượng phục vụ du lịch. Ảnh: Quỳnh Như

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay xu hướng lựa chọn hình thức du lịch có thời gian lưu trú ngắn, điểm đến gần đang trở nên phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh so với các điểm đến quốc tế như Thái Lan, Bali (Indonesia) và trong nước (Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc) vẫn còn gay gắt… với các chính sách mở về kéo dài thời hạn thị thực (visa), chính sách giá, chương trình kích cầu, trợ giá sản phẩm mới và liên tục có các chương trình lễ hội, sự kiện quy mô lớn thường xuyên hàng năm.

Về thị trường và xu hướng, thị hiếu du khách của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như thị trường Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, thị trường Hàn Quốc, Đài Loan đang có dấu hiệu bão hòa.

Du khách có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), sự phục hồi du lịch toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2024 với sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường Trung Quốc. Việc nối lại các tour du lịch nước ngoài từ Trung Quốc sẽ không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch nói chung mà còn mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành. Xu hướng muốn đi du lịch được dự báo tăng cao ở Hàn Quốc và Tây Âu.

Du lịch cưới là giải pháp?

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, năm 2024 ngành du lịch thành phố vẫn sẽ tập trung vào thị trường khách nội địa như thị trường nền tảng, đặc biệt chú trọng vào phân khúc khách có khả năng chi trả cao. Cùng với đó đẩy mạnh, đa dạng hoá và xúc tiến các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Trung Quốc,…

“Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm du lịch mới là điểm cần chú trọng trong năm tới để thu hút khách du lịch”, bà An nói và cho biết thêm ý tưởng phát triển du lịch cưới đã được những người làm du lịch ấp ủ từ lâu. Nhưng đây sẽ là thời điểm chúng ta quyết tâm và đồng lòng trong việc nắm bắt phân khúc thị trường này, đưa ra kế hoạch hành động để gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái dịch vụ và tạo dựng một thương hiệu điểm đến cưới mà Đà Nẵng xứng đáng có.

Chợ Hàn – chợ du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng. Thành phố biển đang tìm cách tăng cường sản phẩm và dịch vụ để hút khách du lịch. Ảnh: Quỳnh Như

Cụ thể, đối với thị trường nội địa, thành phố hướng đến các cặp đôi có thu nhập cao, các ngôi sao nổi tiếng. Ở thị trường quốc tế, Ấn Độ và các nước Đông Bắc Á là thị trường tiềm năng. Nắm bắt được thời điểm, phân khúc thị trường, đưa ra kế hoạch gắn kết cộng đồng, phát triển hệ sinh thái du lịch cưới đồng thời đưa ra những chính sách hỗ trợ nhằm phát triển loại hình này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng, để kích cầu du lịch thành phố cần có nguồn nhân lực ổn định cùng sản phẩm du lịch nổi bật. Du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực và du lịch cưới sẽ là những loại hình được kích cầu trong năm tới.

Trong đó ông Quỳnh nhấn mạnh du lịch cưới từ thị trường Ấn Đô. Trong năm 2023, mặc dù chưa thể khôi phục đường bay trực tiếp, tổng lượt khách Ấn Độ đến Đà Nẵng đạt 68.753 lượt khách, chiếm 4,64% trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng. So với 105.425 tổng lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam, cứ 2 người Ấn Độ du lịch Việt Nam sẽ có 1 người đến Đà Nẵng. Đà Nẵng và khu vực lân cận sớm “lọt vào mắt xanh” của các nhà tổ chức sự kiện cưới với hơn 20 sự kiến cưới Ấn Độ trong 2 năm vừa qua và dự kiến có 6 đám cưới sẽ được tổ chức trong 2 tháng đầu năm 2024.

Với những định hướng đề ra, ngành du lịch thành phố kỳ vọng năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt hơn 30.000 tỉ đồng. Khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt, tăng hơn 13,8% so với năm 2023,  và tăng 5% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2023, nhưng sẽ còn giảm 23% so với năm 2019 (mức giảm đỡ hơn năm 2023).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới