(KTSG Online) - Chuyến tàu du lịch bằng đường sắt Huế - Đà Nẵng đã khai trương hôm 26-3 với nhiều kỳ vọng về tiềm năng khai thác điểm đến giữa hai địa phương miền Trung. Tuy nhiên, còn nhiều việc để làm nếu muốn phát triển tuyến du lịch đường sắt này bền vững.
- Sau 2 năm mở cửa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi ra sao?
- Xích lô du lịch Đà Nẵng 'thay áo mới' phục vụ du khách
- Khi du lịch không chỉ là đi và ở
Chị Hòa Bình (du khách từ Hà Nội) có chuyến du lịch đến thành phố Huế và đã tham gia trải nghiệm hành trình du lịch từ Huế đến Đà Nẵng bằng đường sắt nhân dịp khai trương. “Lâu lắm rồi tôi mới có được trải nghiệm du lịch bằng đường sắt thú vị như vậy. Tôi sẽ nhân cơ hội này tham quan và thưởng thức đặc sản Đà Nẵng trước khi quay lại Huế bằng tàu hỏa,” chị Hòa Bình cho biết. Trên hành trình, chị được ngắm những góc đẹp của Huế và Đà Nẵng mà theo chị chỉ đi tàu hỏa mới có cũng như thưởng thức đặc sản địa phương trên tàu.
Tiềm năng sản phẩm du lịch mới
Chị Hòa Bình là một trong các hành khách tham gia đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế – Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” lần đầu tiên được đưa vào khai thác do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp thực hiện.
Theo đó, trong thời gian đầu đưa vào khai thác, đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hoà và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng. Tại ga Đà Nẵng và ga Huế, ngành đường sắt cũng bố trí phòng chờ VIP để phục vụ hành khách. Trên hành trình, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương…
Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ, sau khi đến ga Huế và ga Đà Nẵng, Ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho du khách tham quan các danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng cho 1 lần cho mỗi vé tàu). Dự kiến, trong tháng 4, đoàn tàu sẽ được trang bị wifi để phục vụ hành khách…
“Ngoài nhiệm vụ vận tải khách, vận tải hàng, chúng tôi còn mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng của từng vùng đến với cộng đồng. Hành trình đi tàu để du lịch, để trải nghiệm, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
Ông Mạnh chia sẻ thêm việc đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Ông tiết lộ trong tương lai sẽ có phân khúc tàu du lịch hạng sang, hướng đến kết nối nhiều địa phương hơn, nhiều vùng miền hơn.
Chia sẻ về sản phẩm du lịch mới này, lãnh đạo của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đều có chung suy nghĩ rằng đây là một sản phẩm du lịch tiềm năng, góp phần kết nối du lịch hai địa phương và phần nào đó kết nối tham quan các di sản tại khu vực miền Trung.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đây không chỉ là một sản phẩm thiết thực, hấp dẫn giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện với du khách. Đồng thời giúp giảm áp lực cho lưu thông đường bộ, thu hút khách du lịch quốc tế trong hành trình du lịch di sản ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
“Về phía thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng trên hành trình “Kết nối di sản miền Trung”. Điều này thúc đẩy đoàn tàu trở thành sản phẩm du lịch trọng điểm của hai địa phương và có thể là cả ngành đường sắt”, ông Cường nói.
Ông cũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm cải tạo nội thất, đầu tư thiết bị trên các toa tàu, nâng cấp cơ sở vật chất của Ga Huế và Đà Nẵng, đưa vào thêm các dịch vụ du lịch trải nghiệm giữa Huế và Đà Nẵng phục vụ hành khách.
Cải thiện chất lượng dịch vụ trên tàu
Chất lượng dịch vụ cũng là điều mà các doanh nghiệp du lịch quan tâm khi khai thác tuyến này.
“Đây là tuyến tàu du lịch tiềm năng, giá vé và khung thời gian cũng hợp lý dành cho du khách. Khách có thể đến Huế từ Đà Nẵng vào chiều tối, tham quan du lịch và sau đó có thể đón bình minh trên tàu từ Huế về lại Đà Nẵng. Tuy nhiên, để tuyến tàu du lịch này có thể khai thác hiệu quả dài lâu thì còn phải cải thiện nhiều vấn đề”, ông Trần Quang Trung, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của Công ty Cổ Phần Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans) cho biết.
Theo ông Trung, phát triển các toa tàu du lịch phải khác so với toa tàu thông thường. Thứ nhất, không gian trên các toa tàu phải rộng rãi hơn (số lượng ghế ít hơn so với các khoang tàu khác). Tiếp đó là phòng vệ sinh trên tàu du lịch cũng phải được đầu tư lại theo đúng chuẩn du lịch để khách không phải gặp bất tiện mỗi khi đi vệ sinh. Chất lượng phục vụ du khách, dịch vụ ẩm thực, giải trí, văn hóa trên tàu cần được đảm bảo xuyên suốt, lâu dài.
Vị này cũng khuyến nghị cần có QR Code dán trên các toa tàu để khách đánh giá chất lượng dịch vụ, qua đó có thể nâng cao chất lượng. Ngoài ra, đơn vị khai thác phải thường xuyên “làm mới” những hình ảnh giới thiệu điểm đến được sơn vẽ bên ngoài các khoang tàu du lịch.
Hiện vé tuyến tàu được bán với giá 150.000 đồng/người/lượt cho toàn tuyến Huế - Đà Nẵng, 110.000 đồng cho tuyến Huế - Lăng Cô và 70.000 đồng cho tuyến Lăng Cô – Đà Nẵng.
Chị Thanh Trúc – người Sài Gòn đang sống và làm việc tại Huế - chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm du lịch thuần túy khi đi tàu hỏa. Tôi có thể ngắm cảnh đẹp của rừng, núi, biển miền Trung và thưởng thức đặc sản địa phương. Tuy nhiên, trong chuyến trải nghiệm lần sau nếu có đi, tôi muốn thấy vài thứ thay đổi tốt hơn”.
Chị Trúc gợi ý, cần có nhân viên giới thiệu các cảnh đẹp cũng như câu chuyện văn hóa, lịch sử tại những đoạn đoàn tàu đi qua dành cho khách lẻ. Khách hàng luôn sẵn sàng trả thêm tiền cho dịch vụ này nếu thấy xứng đáng.
Hàng ngày, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 giữa Huế - Đà Nẵng với tên gọi Cụ thể: Tại Huế, tàu HĐ1 xuất phát tại ga Huế lúc 7h45’, đến ga Đà Nẵng lúc 10h35’; tàu HĐ3 xuất phát tại Ga Huế lúc 14h25’ đến Đà Nẵng 17h40’. Tại Đà Nẵng, tàu HĐ2 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 7h50’ đến ga Huế lúc 11h05’; tàu HĐ4 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 15h00’ đến ga Huế 17h45. Hành khách có nhu cầu mua vé có thể truy cập vào các Website: www.dsvn.vn; www.vetau.com.vn; qua ứng dụng ví điện tử Momo, ZaloPay, VNPay, ViettelPay, app bán vé tàu trên thiết bị di động… Liên hệ tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc ĐSVN hoặc gọi tới Tổng đài bán vé Sài Gòn: 19001520, Hà Nội: 19000109 để được phục vụ.