Du lịch nước ngoài chống dịch như thế nào?
Đỗ Long(*)
(TBKTSG) - Ở góc độ làm ăn, không biết các biện pháp chống dịch hiện nay của ngành du lịch Việt Nam ra sao, hiệu ứng thế nào, bởi hệ lụy của dịch bệnh đang lan rộng sẽ âm ỉ kéo dài và có sự liên đới ít nhất giữa các lĩnh vực hàng không - lữ hành - lưu trú - ăn uống - mua sắm. Tôi không ở trong ngành du lịch, khách sạn, nhưng lĩnh vực sản xuất của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi chuỗi liên kết thị trường. Tức không có khách đến du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống thì cũng không có khách mua sắm.
Đồng Tháp tạm ngưng đón khách du lịch là người nước ngoài. Trong ảnh là du khách trải nghiệm đạp xe tại cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN |
Tôi thử nhìn ra các nước xung quanh xem tình hình của họ thế nào thì hóa ra họ đã ứng phó ngay từ đầu mùa dịch. Tức khi nước của họ công bố có ca dịch đầu tiên thì các khách sạn đã có ngay những chương trình miễn giảm chi phí lưu trú như mua 2 tặng 1, xe đưa đón từ sân bay tới khách sạn và ngược lại, ngoài bao ăn sáng còn có thêm một suất ăn tối miễn phí. Khi tình hình dịch bệnh trở nặng hơn thì các chính sách miễn, giảm cũng tăng thêm. Có nơi, giá khách sạn như “cho không biếu không” với hy vọng gắn kết với khách sau mùa dịch.
Ở Đài Loan, khách sạn kéo dài khoảng thời gian lưu trú một ngày cho khách: check-in lúc 9 giờ và check-out vào 16 giờ chiều hôm sau (31 tiếng), giá giảm từ 150 đô la Mỹ xuống còn 50 đô la và áp dụng đến tận tháng 8-2020... Chưa kể để thực hiện phòng dịch, họ buộc phải tăng cường chi phí khử trùng, vệ sinh phòng ốc, dụng cụ ăn uống, giấy vệ sinh... Có thể hiểu, họ đã có kế hoạch lỗ, kế hoạch thắt lưng buộc bụng, chịu đựng chờ ngày phục hồi.
Hay như sân bay Changi của Singapore, là địa chỉ của rất nhiều người “đánh hàng” mỹ phẩm, quần áo, túi xách, đồ điện tử... về Việt Nam. Từ sau Tết Âm lịch đến nay, tỷ lệ khách đi lại hoặc quá cảnh nơi đây đã giảm hơn 40%, các cửa hàng duty free cũng trở nên ảm đạm. Trước mắt, hệ thống cửa hàng đã được chính phủ, chủ đầu tư giảm tiền thuê từ 40-70% cho đến hết tháng 3-2020, rồi sẽ... tính tiếp!
Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên áp dụng như thế!
(*)Tổng giám đốc Công ty Bita’s