(KTSG) - Tháng 10 - mùa làm ăn của doanh nghiệp kinh doanh du lịch quốc tế - đã đến với sự thất vọng không giấu nổi nơi các doanh nghiệp lữ hành. Thị trường khách du lịch quốc tế như một biển băng, nơi tan nhanh nơi vẫn còn đóng cứng. Chỉ mới vài thị trường ghi nhận được sự tăng trưởng nhẹ, còn lại vẫn trầm lắng khó đoán định, nhưng các nhà kinh doanh vẫn không ngớt kỳ vọng.
- TPHCM đón chuyến tàu du lịch quốc tế đầu tiên trong năm 2022
- Du lịch châu Á chưa thể phục hồi hoàn toàn nếu Trung Quốc vẫn khép chặt biên giới
Cuối tháng 9, hàng loạt hội chợ về du lịch quốc tế đã được tổ chức ở nhiều quốc gia như một chỉ dấu cho mùa du lịch quốc tế đã vào mùa, nhưng xem chừng sự kỳ vọng về mùa làm ăn nhộn nhịp cuối năm nay của ngành du lịch thế giới không như mong đợi. Tại IFTM Top Resa, Paris (Pháp) cuối tháng 9 vừa qua, một hội chợ du lịch lớn - nơi mà các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong đó có Việt Nam hiếm khi vắng mặt - chỉ có vài công ty Việt Nam có mặt ở hội chợ.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng thưa vắng ở hội chợ từng rất đông đúc này. “Ước chừng tổng số lượng gian hàng của cả hội chợ năm nay chỉ gần bằng ba phần tư so với trước dịch (2019-NV). Số hãng, đại lý du lịch đến tham quan cũng ít hơn”, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Image Travel & Events, công ty có gian hàng tại hội chợ nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở hội chợ du lịch quốc tế Tourism Expo Japan 2022 cuối tháng 9 tại Tokyo (Nhật Bản). Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chỉ có Vietnam Airlines và một khách sạn ở miền Trung đặt gian hàng tại hội chợ. “Nhiều nước ở Đông Nam Á và châu Á có chương trình quảng bá khá ấn tượng nhưng Việt Nam chỉ có hai gian hàng này”, ông Nguyễn Văn Thành, một hướng dẫn viên du lịch sinh sống tại Nhật Bản nói với KTSG sau khi đến hội chợ.
Mảng du lịch quốc tế tăng trưởng không đáng kể, thậm chí khá nhiều thị trường vẫn “bất động” đã khiến doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà với các sự kiện tiếp thị, kết nối đối tác ở nước ngoài, trong đó có các hội chợ du lịch quốc tế thường niên.
Tăng trưởng chậm, thậm chí không có khách
Thông thường vào tháng 10, du khách quốc tế sẽ bắt đầu đăng ký cho các chuyến đi vào dịp cuối năm và đầu năm mới, kéo dài đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 năm kế tiếp. Tháng 10 năm nay, thị trường chẳng mấy nhúc nhích chuyển động, làm xô lệch các dự đoán và kỳ vọng trước đó của các nhà kinh doanh trong ngành. Ngoài vài thị trường ở Đông Nam Á và Hàn Quốc có sự tăng trưởng tương đối, phần lớn các thị trường còn lại tăng trưởng chậm, thậm chí không có khách.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, lượng khách từ khu vực Đông Nam Á sẽ tăng nhẹ trong ba tháng cuối năm nay và hy vọng có thể tăng trưởng tiếp trong các tháng tiếp theo.
“Chúng tôi có hơn 5.000 khách trong ba tháng cuối năm, vẫn ít hơn so với khoảng 12.000 khách trong cùng thời điểm hồi trước dịch nhưng số lượng như thế này đã là khả quan”, ông nói.
Cũng theo vị doanh nhân này, với thị trường đang tăng trưởng tốt nhất hiện nay như Hàn Quốc, lượng khách chủ yếu vẫn là khách lẻ, khách đi du lịch tự do và đặt chỗ trực tuyến, chưa có nhiều khách đoàn. “Nhiều tập đoàn du lịch ở nước này chưa triển khai mạnh kế hoạch bán tour đến các điểm du lịch tại Việt Nam”, ông nói.
Ở những thị trường xa Việt Nam hơn như châu Âu, lượng khách đến Việt Nam vẫn rất ít. Theo nhiều doanh nhân, dù mục tiêu đặt ra cho mùa làm ăn này khá thấp nhưng lượng khách đến vẫn ít hơn dự đoán. Nhiều đối tác mới chỉ bán tour đến Việt Nam theo dạng… thăm dò, để xem các đoàn khách đến sau dịch ra sao, chất lượng dịch vụ của điểm đến như thế nào rồi mới bán tiếp.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết trong những mùa đông khách trước, có hãng gửi từ 4-6 đoàn khách đến Việt Nam mỗi tháng nhưng nay chỉ còn từ 1-2 đoàn/tháng. Nhiều hãng thậm chí chưa bán tour cho khách đoàn, chỉ mới bán cho khách lẻ. “Khách bắt đầu đi du lịch trở lại nhưng ít. Có khách đoàn nhưng số lượng người trong đoàn cũng rất khiêm tốn như đoàn 25 khách hồi cuối tháng rồi”, ông nói.
Du lịch tàu biển tắc nghẽn
Cùng với khó khăn do lượng khách từ những thị trường vừa kể trên vẫn còn ít, doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch quốc tế còn phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Đó là, thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn đóng cửa, lượng khách từ thị trường lớn thứ hai là Nhật Bản thưa thớt và thị trường lớn khác là Nga chưa biết khi nào mới có thể khởi động lại vì chiến tranh. Thêm vào đó, một mảng du lịch quan trọng khác là du lịch tàu biển cũng đang tắc nghẽn. Nhiều hãng tàu đã hủy hàng loạt chuyến tàu biển đến Việt Nam do đứt gãy tuyến du lịch đường biển quốc tế.
“Chúng tôi đón một chuyến tàu nhỏ, với khoảng 150 khách vào tuần rồi. Đó là chuyến tàu duy nhất từ đây đến cuối năm nay. Đây là tàu của Pháp, đi Singapore rồi đến Việt Nam nên vẫn giữ lịch trình còn các hãng tàu khác đã hủy tất cả các chuyến tàu biển đến Việt Nam cho hết năm nay”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, nói và cho biết hiện lịch trình cho năm tới vẫn được giữ nhưng chưa biết có khách hay không vì việc vận hành của các hãng tàu bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan.
Một vài doanh nghiệp đón tàu du lịch biển khác như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng cho biết thông tin tương tự. Theo những doanh nghiệp này, với tuyến du lịch biển ở châu Á, các tàu du lịch lớn, chở hàng ngàn du khách châu Âu hoặc Mỹ thường đến các điểm đến như Nhật Bản, Đài Loan, Thượng Hải, Hồng Kông rồi đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Do chính sách kiểm soát dịch của một vài điểm đến còn ngặt nghèo và căng thẳng giữa Đài Loan - Trung Quốc sau chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi tháng 8 rồi nên các hãng không ghé được những điểm này, khiến cung đường du lịch biển bị gãy và phải hủy chuyến.
Thị trường dè dặt, khó đoán
Trao đổi với KTSG, nhiều doanh nhân đánh giá, mùa du lịch cuối năm nay và đầu năm tới là thời điểm dò dẫm để tìm cách phục hồi thị trường. Việc kinh doanh chỉ có thể ổn định hơn từ vào cuối năm 2023 nếu du khách từ các thị trường như Mỹ, châu Âu đi du lịch xa nhiều hơn; Trung Quốc mở cửa; các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Nga ổn định hơn; giá vé máy bay rẻ hơn và tần suất bay dày hơn.
Theo ông Dũng của Fiditour - Vietluxtour, cũng như du khách Việt, người dân ở khu vực châu Âu, Mỹ đang đi du lịch rất nhiều nhưng xu hướng sau dịch là đi du lịch gần. Vì thế, hoạt động du lịch tại những khu vực này nhộn nhịp nhưng nhiều điểm đến ở châu Á, trong đó có Việt Nam trầm lắng. Khi khách đã đi nội địa, nội vùng nhiều hơn và những người du lịch từ các điểm đến xa trở về an toàn, thoải mái thì lượng khách sẽ tăng.
“Như với Ba Lan, hiện đối tác vẫn bán tour khá dè dặt nhưng có thể lượng khách sẽ tốt hơn từ tháng 4 năm sau vì hiện đã có đơn đặt hàng cho tour ghép đoàn khởi hành định kỳ từ tháng 4 đến tháng 10-2023”, ông nói.
Theo doanh nhân này, những thay đổi về thói quen đặt chỗ sau dịch cùng với tần suất bay của nhiều chuyến bay quốc tế còn ít, giá vé cao đã tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp bán tour. Hiện nay, nhiều khách quốc tế không còn đặt tour trước thời điểm khởi hành quá xa như trước mà đặt gần khiến giá vé cao hơn nhiều so với hồi trước dịch. Trong khi đó, với khách lẻ, nếu đặt trước sáu tháng thì giá vé có thể bằng trước dịch nhưng đặt trước ba tháng thì giá tăng rất cao, có khi lên đến gần 50%.
Ông Toản, Giám đốc Image Travel & Events, cũng có nhận định tương tự khi nói rằng tại hội chợ IFTM Top Resa vừa qua, các đối tác lớn như TUI, SALAUN đều gặp khó khăn trong việc tìm chuyến bay cho khách về châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Theo đó, hồi trước dịch, doanh nghiệp lữ hành chỉ phải trả khoảng 700 euro/vé khứ hồi cho khách đoàn nếu đặt sớm nhưng nay giá phải từ 900-1.000 euro. Giá khách lẻ còn đắt hơn nhiều. Doanh nhân này vừa mua vé khứ hồi TPHCM - Paris vào tháng 11 tới với giá 1.600 euro trong khi trước dịch chỉ chừng 1.000 euro.
“Số lượng chuyến bay vào cuối năm nay không đủ, giá quá cao nên khó bán tour”, ông nói và cho rằng, thị trường châu Âu có thể phục hồi nhanh hơn nếu số lượng các chuyến bay nhiều hơn, giá vé tốt hơn và thủ tục nhập cảnh dễ dàng.