Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dữ liệu lớn và AI trở thành ‘vũ khí’ để chiến thắng trên thị trường hàng hóa?

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các tập đoàn kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới dốc lực đầu tư vào công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý và phân tích dữ liệu lớn. Họ đang chạy đua với các đối thủ quỹ phòng hộ để cạnh tranh lợi thế công nghệ trong hoạt động giao dịch.

Phân tích dữ liệu thời tiết để cung cấp các dự báo chính xác là yếu tố quan trọng cho các quyết định giao dịch thành công trên thị trường hàng hóa. Ảnh: bestweatherinc.com

Sử dụng AI để nâng cao hiệu quả kinh doanh

Các tập đoàn kinh doanhh hàng hóa hàng đầu thế giới như Vitol và Trafigura vốn có truyền thống dựa vào các mối quan hệ chính trị và năng lực hậu cần để vận chuyển tài nguyên thiên nhiên từ những địa điểm xa xôi đến những người mua có nhu cầu. Nhưng giờ đây, họ ngày càng tập trung áp dụng AI trong hoạt động giao dịch hàng hóa.

“Ở một khía cạnh nào đó, đây giống như một cuộc chạy đua vũ trang”, Russell Hardy, CEO của Vitol, công ty kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới nói tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hóa do Financial Times (FT) tổ chức ở Thụy Sĩ trong tháng này.

Hardy cho biết, các nhà giao dịch hàng hóa đang tìm cách sử dụng AI để cải thiện hiệu quả kinh doanh và phát triển “lợi thế” giao dịch dựa vào sức mạnh phân tích dữ liệu. “Tất cả chúng tôi đều đang cố gắng đạt được thành quả lớn nhất từ AI. Nhưng hiện tại, tôi có thể nói rằng, phân tích dữ liệu dựa vào AI sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh hơn là giải mã diễn biến thị trường trong ngắn hạn”, ông nói.

Với đội ngũ khoảng 1.800 lao động, Vitol đạt mức lợi nhuận ròng kỷ lục 15,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và khoảng 13 tỉ đô la vào năm 2023, trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới tính theo đầu lao động.

Việc Vitol sốt sắng khai thác các công cụ công nghệ mới nhất là nhằm phản ứng trước sự cạnh tranh từ các quỹ phòng hộ và các công ty giao dịch hàng hóa dựa trên dữ liệu khác. Các đối thủ này ít mua hàng hóa vật chất hơn mà chủ yếu kiếm lợi nhuận thông qua giao dịch chứng khoán phái sinh và các sản phẩm tài chính khác liên kết hàng hóa.

Quỹ phòng hộ Citadel, có trụ sở tại Miami (Mỹ), được xem nhà giao dịch hàng hóa dựa trên dữ liệu thành công nhất. Quỹ này đã chiêu mộ nhà giao dịch hàng hóa kỳ cựu Sebastian Barrack từ Công ty dịch vụ tài chính Macquarie vào năm 2017 để dẫn dắt bộ phận giao dịch năng lượng và hàng hóa nguyên liệu thô.

Để giành lợi thế về thông tin, một trong những động thái đầu tiên của Barack là thuê một đội ngũ 20 nhà khoa học và phân tích dự báo giỏi nhất. Kể từ đó, đội ngũ giao dịch hàng hóa của Citadel đã tăng lên tới hơn 300 người, bao gồm cả các nhà phân tích và kỹ sư phần mềm.

Barrack cho biết, dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế là một lĩnh vực có sẵn dữ liệu về mức độ nguồn cung, mô hình nhu cầu và các biến số hậu cần tăng vọt trong những năm gần đây. “Sự phát triển mạnh mẽ của dữ liệu có sẵn này thực sự giúp chúng tôi trở thành nhà đầu tư nắm bắt thông tin tốt hơn”, Barrack nói.

Ông nói thêm, các chiến lược giao dịch dựa trên dữ liệu hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn trong thời kỳ chuyển đổi năng lượng. Ông giải thích, do thiếu thông tin lịch sử, lĩnh vực năng lượng sạch đòi hỏi các công cụ phân tích tinh vi hơn để lập mô hình thị trường.

“Càng chi tiết, càng phức tạp, càng thiếu dữ liệu quá khứ thì càng tốt cho chúng tôi”, ông nói.

Citadel đã lập kỷ lục lợi nhuận 16 tỉ đô la vào năm 2022 để thay thế Bridgewater trở thành quỹ phòng hộ thành công nhất mọi thời đại, theo nghiên cứu của LCH Investments. Khoảng một nửa trong số lợi nhuận đó đến từ giao dịch hàng hóa khi Citadel được hưởng lợi từ sự biến động cực độ của thị trường năng lượng sau khi Nga phát động tấn công Ukraine vào đầu năm 2022.

Dữ liệu mang lại lợi thế trong giao dịch khí đốt và điện

Năng lực xử lý các khối dữ liệu lớn đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh điện bởi tính chất điều tiết trên thị trường điện tạo ra lượng thông tin lớn. Hãng tư vấn McKinsey ước tính, các công ty giao dịch hàng hóa dựa vào phân tích dữ liệu chiếm 25% tổng lợi nhuận từ giao dịch khí đốt và điện trên toàn cầu vào năm 2022. Tỷ lệ này tăng từ mức dưới 5% vào năm 2021.

Sự cạnh tranh gay gắt từ các quỹ phòng hộ đã thúc đẩy các nhà giao dịch hàng hóa truyền thống như Trafigura, vốn đạt lợi nhuận kỷ lục 7,4 tỉ đô la vào năm 2023 phải đầu tư mạnh mẽ để bắt kịp. Trafigura đã thành lập một bộ phận kinh doanh điện vào 3 năm trước.

Richard Holtum, người đứng đầu bộ phận giao dịch khí đốt, điện và năng lượng tái tạo của Trafigura cho biết, mỗi ngày nhóm của ông tải vài tỉ bit dữ liệu rời rạc lên nền tảng đám mây để phân tích.

“Thách thức ở đây là sử dụng AI để phân tích dữ liệu đó theo cách hiệu quả hơn nhằm cải thiện quyết định giao dịch. Tôi nghĩ hiện tại, chúng ta chỉ ở phần nổi của tảng băng chìm về những gì AI có thể làm”, ông nói.

Công ty Mercuria Energy, có trụ sở tại Thụy Sĩ, được thành lập vào năm 2004 bởi Marco Dunand và Daniel Jaeggi chủ yếu kinh doanh dầu mỏ. Nhưng công ty tăng cường hoạt động kinh doanh điện vào năm 2014 thông qua thỏa thuận mua lại một phần của hoạt động kinh doanh hàng hóa vật chất của ngân hàng JPMorgan.

Dunand cho biết, lợi thế thông tin tích lũy của những công ty dẫn đầu về dữ liệu như Citadel đang giúp họ chiếm được vị trí lớn hơn trên thị trường. Nhưng ông tin rằng, AI có thể giúp Mercuria thu hẹp khoảng cách đó. “Nếu bạn muốn noi theo Citadel để thu thập dữ liệu, tôi nghĩ sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc . Vì vậy, chúng tôi đang dành dồn lực để phát triển các cỗ máy AI nhằm thu hẹp khoảng cách”, ông nói.

Ông cho biết thêm, Mercuria đạt lợi nhuận khoảng 2,7 tỉ đô la vào năm 2023, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 3 tỉ đô la vào năm trước đó.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới