Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dư nợ margin chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm 2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) có thể tiếp tục tăng. Điều này được các đơn vị nghiên cứu dự báo khi giải pháp hỗ trợ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài và việc nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại thị trường. Đồng thời những thông tin về triển vọng nâng hạng và phục hồi của các doanh nghiệp cũng là động lực lớn.

Phía sau mức dư nợ margin kỷ lục

Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước khoảng 245.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 4-2024, tăng 13.000 tỉ đồng so với cuối quí 3-2024 và là mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) ước khoảng 240.000 tỉ đồng, tăng 17.000 tỉ đồng so với cuối quí 3-2024 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử.

Xét về tương đối thì dư nợ ký quỹ chiếm 86% vốn chủ sở hữu tính tới cuối quí 4-2024, cao hơn 5% so với quí 3 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 120% trong năm 2021.

Giá chứng khoán Việt Nam đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên trong năm 2025. Ảnh: LÊ VŨ

Hầu hết các công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường về thị phần và quy mô tài sản đều ghi nhận dư nợ margin so với cùng kỳ và quí liền trước.

TCBS dẫn đầu thị trường về cả dư nợ và doanh thu cho vay tại thời điểm cuối năm 2024, với quy mô dư nợ gần 25.900 tỉ đồng, tăng 56% so với đầu năm và thiết lập kỷ lục mới. Còn doanh thu từ hoạt động cho vay đạt 706 tỉ đồng trong quí 4-2024, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Xếp thứ hai và ba là HSC và SSI. Cụ thể, SSI báo quy mô dư nợ 22.000 tỉ đồng, doanh thu gần 571 tỉ đồng. Còn HSC báo quy mô dư nợ 20.400 tỉ đồng, doanh thu gần 510 tỉ đồng.

Năm đơn vị khác cũng sở hữu quy dư nợ trên 10.000 tỉ đồng là Mirae Asset Việt Nam (MAS), VPS, Vietcap, VNDIRECT VND và MBS.

Dư nợ cho vay toàn thị trường tạo ra chuỗi tăng tám quí liên tiếp, bắt đầu từ quí 1-2023, trong bối cảnh TTCK Việt Nam trải qua quí 4-2024 với diễn biến giằng co và thanh khoản đi xuống.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), diễn biến đi ngang của TTCK khiến nhà đầu tư khó lựa chọn cơ hội đầu tư giai đoạn cuối năm 2024. Do đó, dư nợ margin tăng mạnh chủ yếu đến từ “margin deal” của doanh nghiệp và giới chủ doanh nghiệp với các công ty chứng khoán.

“Nghiệp vụ này giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn ngắn hạn trong bối cảnh khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu. Thủ tục thế chấp tài sản cổ phiếu và vay tại công ty chứng khoán cũng linh hoạt và đơn giản hơn. Mặt khác, các công ty chứng khoán có thể tăng quy mô cho vay nhanh và có nguồn thu lớn, còn ngân hàng cũng giải quyết việc thừa vốn khi tăng trưởng tín dụng hạn chế”, ông Ngọc phân tích.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, dư nợ margin trên thị trường hiện cao, nhưng với thanh khoản thấp, thì phần nhiều tới từ thoả thuận giữa các khách hàng lớn thỏa thuận với công ty chứng khoán, còn dư nợ margin thực tế của nhà đầu tư cá nhân có lẽ không cao so với thời điểm 1-2 năm trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sử dụng cổ phiếu làm tài sản thế chấp để vay vốn, ông Đỗ Bảo Ngọc cũng cảnh báo nghiệp vụ này sẽ tạo ra rủi ro nhất định với các công ty chứng khoán, vì đây là nhóm ít có cơ chế dự phòng rủi ro.

“Rủi ro này nằm ở các tài sản thế chấp. Nếu tài sản thế chấp là cổ phiếu thanh khoản cao, công ty chứng khoán có thể dễ dàng bán giải chấp và thu tiền về. Ngược lại, công ty chứng khoán sẽ gặp rủi ro khi cổ phiếu vừa giảm mạnh do áp lực bán giải chấp, vừa rơi vào tình trạng mất thanh khoản”, ông Ngọc lưu ý.

Dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025

Dù trải qua tháng 1-2025 với những diễn biến chưa khả quan, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn dự báo năm 2025 là giai đoạn bứt phá của thị trường. Đa số đơn vị kỳ vọng chỉ số VnIndex sẽ kết thúc năm 2025 trong khoảng 1.400-1.500 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng nhưng có nhiều biến động. Ảnh: LÊ VŨ

Với những dự báo về triển vọng tích cực của thị trường, nhiều đơn vị không ngần ngại triển khai các chương trình ưu đãi margin, hoàn phí nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Chẳng hạn, Pinetree từng áp dụng mức lãi vay margin chỉ 9%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 12-14%/năm của các đơn vị khác.

Công ty chứng khoán Rồng Việt cũng dành cho khách hàng mới mức lãi suất cho vay ưu đãi, chỉ 6,88%/năm, và miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở trong vòng 6 tháng, khi đăng ký dịch vụ margin.

VPBankS cũng dành cho khách hàng mới ưu đãi vay margin với lãi suất chỉ 7,9%/năm cho hạn mức dư nợ lên đến 3 tỉ đồng. Thời gian áp dụng ưu đãi là 6 tháng, từ ngày 15-1-2025 đến hết ngày 30-6-2025, giúp khách hàng tiết kiệm khoảng 60 triệu đồng nếu sử dụng tối đa hạn mức là 3 tỉ đồng.

Khách hàng hiện hữu của VPBankS, sở hữu giá trị tài sản ròng (NAV) dưới 3 triệu đồng và không phát sinh giao dịch chứng khoán trong 3 tháng gần nhất, tính đến ngày 31-12-2024, cũng được thụ hưởng ưu đãi này.

Từ bối cảnh trên, các chuyên gia của VIS Rating dự báo, việc tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và kế hoạch năm 2025 tiếp tục hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ. Cụ thể, với tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu hiện nay và quy định “công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm”, các đơn vị ước còn hơn 260.000 tỉ đồng dành cho nhà đầu tư vay margin thời gian tới. Như vậy, xét về mặt tổng thể toàn thị trường, dư địa cho vay còn rất nhiều.

Đơn vị này cũng cho rằng, lợi nhuận cho vay margin sẽ cải thiện nhờ tâm lý nhà đầu tư tích cực, trong khi lợi nhuận dịch vụ môi giới vẫn ở mức thấp do giảm phí môi giới theo chính sách.

Trong xu hướng phục hồi, các công ty chứng khoán có liên kết với ngân hàng tư nhân sẽ có thể tăng dư nợ margin nhanh hơn các công ty cùng ngành, nhờ việc bơm vốn cao hơn trong giai đoạn 2024-2025. Ngược lại, các công ty chứng khoán có vốn nước ngoài sẽ đối mặt với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận hạn chế do lãi suất cho vay ký quỹ thấp hơn, thiếu lợi thế quy mô và nền khách hàng khiêm tốn.

Đồng quan điểm các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết Dư nợ cho vay margin và lợi suất cho vay được sẽ gia tăng trong năm 2025, do thanh khoản toàn thị trường và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện nửa cuối năm.

Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân bình quân năm 2025 ước khoảng 25.000 tỉ đồng/phiên tăng 20% so với năm 2024, nhờ các yếu tố như: hệ thống KRX được dự kiến vận hành trong nửa đầu năm 2025; chỉ số VnIndex dao động quanh vùng 1.400-1.450 điểm; TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới; lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường ước tăng 18%.

“Dư nợ cho vay ký quỹ được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 254.000 tỉ đồng trong năm 2025 nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện, trong bối cảnh thanh khoản gia tăng và hiệu suất đầu tư cải thiện”, chuyên gia của VNDirect dự báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới