Dự thảo Luật Quảng cáo: Còn thiếu thực tế và máy móc
Thanh Hải
ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Theo các doanh nghiệp tham dự hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Quảng cáo được tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tuần qua, những điều luật trong dự thảo đều có những điểm khập khiễng, không thực tế, thậm chí bất hợp lý.
Quy định không rõ ràng
Theo ông Lê Quang Chừng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ACS Việt Nam (Hải Phòng), thì quy định về quảng cáo ngoài trời còn rất nhiều điểm bất hợp lý. Chẳng hạn điều 10 (quy định về hành vi cấm quảng cáo) thuộc chương 1 của dự thảo luật, phần lớn 13 quy định đều mang tính mập mờ, vô lý. Cụ thể như quy định thứ 10 “cấm hình thức tổ chức đoàn người để quảng cáo”, trong khi hoạt động này khá phố biến. Lẽ ra phải quy định tụ tập đoàn người số lượng cụ thể bao nhiêu người thì được phép, trên bao nhiêu người thì không được phép, còn cấm hẳn là hết sức vô lý.
Ông Chừng còn dẫn chứng quy định số 11 của điều 10 về việc cấm quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được các cá nhân đó đồng ý. Điều này chỉ đúng khi hình ảnh được sắp xếp bằng hợp đồng hoặc thỏa thuận với các người mẫu, chứ nếu hình chụp mang tính chất cộng đồng thì không thể biết để trả tiền sử dụng hình ảnh. Ngoài ra, nhiều điểm khác trong điều luật cấm này còn khá chung chung...
Điểm bất hợp lý nữa nằm ở điều 33 và 34 thuộc mục 7, quy định biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động trong sản xuất, kinh doanh phải đặt sát cổng hoặc trước mặt của trụ sở hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh. Ông Chừng cho rằng đây chính là sự nhập nhằng giữa bảng hiệu và bảng quảng cáo, do đó cần làm rõ định nghĩa của hai khái niệm này. “Nói chung đã là luật thì phải càng cụ thể càng tốt, không thể nói chung chung để rồi dẫn đến cơ chế xin - cho lại càng thêm rối và đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó”, ông Chừng nói.
Con số cảm tính
Các quy định liên quan đến con số cụ thể cũng rối không kém. Theo bà Kim Mai, phụ trách lĩnh vực quảng cáo trên báo điện tử, những con số về tỷ lệ phần trăm mà dự luật này đưa ra hầu như nặng cảm tính, xa rời thực tế và máy móc. Bà Mai dẫn chứng: ở điều 21 mục 2 về quảng cáo trên báo điện tử, diện tích quảng cáo không được quá 15% diện tích các trang thể hiện trên khuôn hình báo, trừ các chuyên trang quảng cáo. “Thứ nhất, chỉ cần một thao tác kỹ thuật chúng tôi có thể biến con số 15% của quy định này thành điều vô nghĩa. Thứ hai, báo điện tử chúng tôi không hề có chuyên trang quảng cáo như báo giấy, nên ra quy định như thế là máy móc”, bà Mai nói.
Cùng quan điểm với bà Mai, rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn về những con số tỷ lệ phần trăm. Như quy định diện tích logo trong bảng hiệu không được vược quá 20% diện tích bảng hiệu. Câu hỏi họ nêu ra là nếu logo cũng chính là thương hiệu của công ty đó, như SONY, hay SAMSUNG chẳng hạn, thì sao?
Nói chung đã là luật thì phải càng cụ thể càng tốt, không thể nói chung chung để rồi dẫn đến cơ chế xin - cho lại càng thêm rối và đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó... |
Hay điều 30 mục 5 về quy định quảng cáo trên phương tiện vận tải: “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích của mỗi bên thành của phương tiện giao thông”. Theo các doanh nghiệp, đây cũng là một con số tỷ lệ nặng cảm tính. Chỉ cần quy định không che khuất bảng số xe là được, vì các nước lân cận như Thái Lan, Singapore... đã tận dụng quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu cao tốc, taxi... rất hiệu quả cả về mặt kinh doanh lẫn thẩm mỹ, mỹ quan thành phố.
Theo phản ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ Quảng cáo Kim Minh (TPHCM), quy định tiết kiệm điện của dự luật cũng có nhiều điểm cần bàn. Cụ thể, theo quy định các hộp đèn quảng cáo chỉ được 6 bóng thay vì 10 bóng, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải sử dụng 10 bóng để có ánh sáng cân đối cho bảng hiệu và điều chỉnh bằng cách sử dụng bóng tiết kiệm điện, giảm điện năng tiêu thụ so với trước. “Thế nhưng khi thanh tra, kiểm tra thì cho dù chúng tôi giải thích họ cứ đếm số lượng bóng điện mà phạt, như vậy là thiếu khoa học và máy móc”, bà Phương bức xúc nói.
Cần sớm hoàn chỉnh dự thảo
Những ý kiến trên chỉ là một phần những vướng mắc của doanh nghiệp. Ở góc độ người am hiểu về pháp luật, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (TPHCM), cho rằng dự thảo Luật Quảng cáo còn quá nhiều điểm thiếu sót, ví dụ trong dự luật không hề thể hiện quyền khiếu nại của doanh nghiệp, trong khi bất cứ một văn bản pháp lý nào đều phải có quy định về quyền khiếu nại. Ngoài ra, theo ông Sang, trong thực tế ngoài Luật Quảng cáo chung thì từng địa phương có quy định riêng và chính những quy định riêng này nảy sinh những “giấy phép con”, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực và gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp. Đây cũng là điều cần quan tâm và chỉ nên có một luật thống nhất cho tất cả.
Theo ông Kha Kim Hùng, Giám đốc Công ty Quảng cáo Khải Hoàn (Đà Nẵng), điều các doanh nghiệp quan tâm nữa là nên có chính sách đào tạo nhân lực cho ngành này một cách bài bản, vì hiện nay chưa có ngành học chính quy về hoạt động quảng cáo mà chủ yếu là mày mò tự học, tự làm.
Có thể nói, hội thảo này là cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp có thể bày tỏ vướng mắc cũng như đóng góp ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội họp bàn và thông qua. Chính vì vậy các doanh nghiệp rất mong các cơ quan quản lý sớm hoàn chỉnh dự thảo luật. Như vậy các doanh nghiệp mới có thể yên tâm hoạt động kinh doanh cũng như có những sáng tạo, đóng góp cho ngành quảng cáo Việt Nam ngày càng phát triển hơn.