Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi: nghiên cứu mở rộng chính sách vay vốn ưu đãi

Thùy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên quan đến nhóm vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, một số đại biểu đề nghị mở rộng nhóm được ưu tiên vay vốn, đồng thời, cân nhắc bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi đối với một số nhóm người khác.

Thảo luận về Luật Việc làm sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung nhóm người được ưu tiên vay vốn. Ảnh minh họa: Minh Thảo

Ngày hôm nay (27-11), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều ý kiến cơ bản đồng tình với việc ban hành luật như tờ trình của Chính phủ, TTXVN đưa tin.

Trong đó, liên quan đến nhóm vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo luật, đã quy định cụ thể nhóm người được vay vốn và nhóm được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn tại Điều 8. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung nhóm người được ưu tiên vay vốn.

Đại biểu Dương Tấn Quân, từ đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, dự thảo luật đã quy định cụ thể nhóm người được vay vốn và nhóm người được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn, trong đó đã quan tâm đặc biệt đối với nhóm yếu thế, người dân tộc thiểu số, người nghèo nhằm hỗ trợ cho các đối tượng này nâng cao cơ hội việc làm, duy trì mở rộng việc làm ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, ông đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động và cân nhắc bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi đối với một số nhóm người khác. Chẳng hạn nhóm người cận nghèo, người cao tuổi, người lao động bị tai nạn lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án tạo việc làm cho người lao động tại nông thôn, dự án phát triển hạ tầng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường cần có chính sách vay vốn ưu đãi.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm từ đoàn Quảng Bình đề nghị mở rộng nhóm người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động đang sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, để thuận tiện trong quá trình áp dụng luật, đại biểu đề nghị giải thích làm rõ cụm từ các đối tượng ưu tiên vay vốn quy định tại khoản 3,4 Điều 8 là các đối tượng nào.

Một số đại biểu kiến nghị, cần bổ sung thêm nhóm đối tượng vay vốn là người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Thảo luận về nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56), đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo luật này, vì đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội của vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới