(KTSG) - Một trong những đặc điểm của “đu trend” (chạy theo xu hướng) là đến và đi một cách chóng vánh. Một thời, các nhà kinh doanh du lịch tưởng mình thức thời, đầu tư đáp ứng nhu cầu chụp hình theo trend nhưng đa số là bị “bỏ lại phía sau” vì đám đông nhộn nhạo sẽ ào ào đến và ào ào đi theo tiếng gọi của những trend mới.
Cuộc “đu trend” vẫn không ngừng sôi động bởi đơn giản nó giúp làm thỏa mãn những cảm xúc bộc phát nhất thời của thời sự giải trí, của chứng ái kỷ đã thành một tập tính phổ biến đó đây.

Từ khi có tin sắp giải tỏa, tòa nhà “hàm cá mập” bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trở thành điểm check-in “cực hot”. Con đường đi qua đây thường xuyên bị ùn tắc đến nỗi lực lượng chức năng phải trực để thông luồng xe cộ. Xem hình ảnh, có thể thấy không chỉ những người trẻ, mà cả những người đứng tuổi cũng hào hứng tranh “lên đồ chụp bộ ảnh kỷ niệm trước khi nó biến mất”.
Người người, chụp và chụp, chụp như vơ vét, kẻo mai không còn để mà chụp nữa.
Chắc chắn trong số những người muốn có bức ảnh lưu niệm với công trình này, không mấy người thực sự hoài niệm và dành tình yêu sâu sắc cho một khối nhà nhiều tới mức bỏ công việc để dành nhiều thời giờ đến đây đánh dấu một kỷ niệm. Sự lôi kéo của đám đông bao giờ cũng là thứ có tính quyết định hơn, nhất là trong thời đại mà hình ảnh kỹ thuật số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kích hoạt và bộc lộ bản thân.
Máy ảnh được ra đời như một thứ công cụ cổ vũ cho sự tiếc nuối, đôi khi, ngôn ngữ của nhiếp ảnh gần với lời ai điếu. Susan Sontag đã nói đại ý như thế trong cuốn On Photography (Bàn về nhiếp ảnh) ấn hành năm 1977 của bà. Nhưng đó là nhiếp ảnh truyền thống. Còn bây giờ, thoạt nhìn, có vẻ như những người ngày hôm qua hờ hững lướt qua mọi thứ nhưng nay bất chợt dừng lại, trau chuốt từng đường nét của một ngôi nhà, một góc phố như thể đó là sự nâng niu khung cảnh ký ức và thời gian. Nhưng đúng là thoạt nhìn thì thế thôi. Nó đúng với thế giới hình ảnh của ngày hôm qua, không hẳn đúng với nhiếp ảnh thời kỹ thuật số.
Bây giờ thực tế của cái khung cảnh trước màn hình điện thoại hay máy ảnh đã không còn là thực tế chính, mà hình bóng của thực tế trên máy ảnh mới là thứ những người chụp ảnh theo đuổi. Một bức ảnh như ý định biểu đạt hình ảnh cá nhân, đó mới là tất cả nhu cầu. Nhu cầu ấy chi phối gần như trọn vẹn ý thức và xúc cảm của người chụp lẫn người được chụp.
Ngày nay, một bức ảnh nhanh chóng được chỉnh sửa hiệu ứng bằng các ứng dụng (app) ngay trên điện thoại để người ta không phải chờ lâu. Hình ảnh được tạo ra hàng loạt, cạnh tranh nhau khốc liệt ngay trên màn hình để một số hợp nhãn, lung linh sẽ “trụ lại”, và một lượng lớn sẽ phải đi thẳng vào thùng rác của bộ nhớ. Trên máy ảnh kỹ thuật số cũng vậy. Quá trình tạo ra một bức ảnh đã là một sự quay lưng với nhịp chậm của thời gian và các khiếm khuyết của đời sống: các cô gái phải đi vào ảnh đẹp nhất có thể, bầu trời phải “mịn” nhất có thể và khung cảnh phải sạch sẽ nhất có thể...
Các yếu tố như nhân chứng hiện thực, thậm chí là phản ứng trước một hiện thực bằng cách chụp ảnh là chuyện viển vông trong thời quá khứ. Chụp ảnh ngày nay là thứ được chi phối bởi “trend” (câu chuyện có tính xu hướng). Lớp “trend” sau sẽ cuốn đi lớp “trend” trước. Đích đến của các bức ảnh là những bài đăng trên mạng xã hội, nhận được nhiều lượt yêu thích, bình luận khen ngợi. Hết.
Chứng nghiện phô diễn bản thân qua hình ảnh trên mạng xã hội đã được giới chuyên môn phân tích nhiều, và đó cũng không phải là đặc điểm cá biệt ở một quốc gia, khu vực hay vùng miền nào, mà lan rộng như thể một hiện tượng văn hóa đại chúng toàn cầu trong kỷ nguyên hình ảnh kỹ thuật số.
Điện thoại thông minh cung cấp đầy đủ các điều kiện tiện lợi nhất cho nhu cầu ngày càng lớn lên của những con nghiện hình ảnh và say mê đặt mình vào các xu hướng nhất thời. Giải trí, khuây khỏa và tha hồ nhào nặn các phiên bản tốt nhất của bản thân trên màn hình, chỉ cần một thiết bị di động thông minh. Các hãng điện thoại không còn thấy ý nghĩa tồn tại trong cuộc đua về thu nhận sóng, thậm chí là chất lượng âm thanh, mà từ lâu đã chuyển qua cuộc đua về xử lý hình ảnh: làm sao để người dùng thấy mình lấp lánh trên màn hình nhất, đó là một thế mạnh quyết định sống còn của một dòng, một thương hiệu smartphone thời nay.
Mà thật, thời gian người dùng điện thoại để xem và thu nhận hình ảnh ngày càng bỏ xa thời gian họ dành cho viết và nhận tin nhắn, gọi và nghe các cuộc điện đàm. Người ta còn gọi đó là chiếc điện thoại bởi vì không thể từ bỏ chức năng ban đầu để định danh, còn chức năng thường dùng của nó đã chuyển dịch sang một chiếc máy ảnh tiện lợi có thể đút túi và chụp ở mọi góc độ, biết cách làm đẹp cho chủ nhân bằng mọi giá. Nó được sinh ra để vơ vét hình ảnh và nhào nặn thế giới lộng lẫy hơn qua hình ảnh.
Điện thoại thông minh cung cấp đầy đủ các điều kiện tiện lợi nhất cho nhu cầu ngày càng lớn lên của những con nghiện hình ảnh và say mê đặt mình vào các xu hướng nhất thời.
Mỗi người mang theo một (thậm chí có người là hai, ba) chiếc máy ảnh kỹ thuật số có chức năng điện thoại như thế trong túi. Và cuộc đua trend bắt đầu. Người ta đặt mình vào trung tâm các trend, không bỏ lỡ một trào lưu sôi sục nào. Con dốc Sương Nguyệt Ánh ở Đà Lạt bao năm bình yên, bỗng giờ đây trở nên hot, chen chúc và xúm xít mỗi chiều nắng xuống.
Lời giải trên báo chí đó là bởi giới trẻ đang “đu trend Đại Lý” (chụp theo hình ảnh xuất hiện trên loạt video đang hot, quay trên nền nhạc Sick Enough to Die của MC Mong năm 2010 tại Thương Nhĩ Đại Đạo, nằm ở thành phố Đại Lý, Trung Quốc). Đơn giản thôi, người trẻ rồng rắn chụp ảnh ở dốc Sương Nguyệt Ánh Đà Lạt vì muốn có những góc hình hao hao như trong phim. Nghe đâu cũng có vài điểm “đu trend Đại Lý” ở các tỉnh thành khác của Việt Nam.
Cũ hơn, một thời, trend cà phê đường tàu Hà Nội cũng “hót hòn họt” như thế. Và mới nhất, có trend check-in metro Sài Gòn. Phải nói rằng, bạn khó lòng trải nghiệm metro cho thong thả vì đội quân đu trend luôn chen chúc và “chụp, chụp” mọi nơi mọi góc, có người đu cả lên các tay nắm để tạo ấn tượng cho bộ ảnh.
Một trong những đặc điểm của “đu trend” đó là đến và đi chóng vánh. Một thời, các nhà kinh doanh du lịch tưởng mình thức thời, đầu tư đáp ứng nhu cầu chụp hình theo trend nhưng đa số là bị “bỏ lại phía sau” vì đám đông nhộn nhạo sẽ ào ào đến và ào ào đi theo tiếng gọi của những trend mới. Nhiều người chưa kịp đầu tư xong hạng mục công trình thì đã... lỡ trend.
Cuộc “đu trend” vẫn đang tiếp diễn, không ngừng sôi động và nó sẽ còn tiếp diễn trong thế giới hình ảnh trên chiếc điện thoại thông minh không còn nhắm đến hiện thực, đến thời gian hay lưu dấu ký ức, mà chỉ đơn giản, thỏa mãn những cảm xúc bộc phát nhất thời của thời sự giải trí, của chứng ái kỷ đã thành một tập tính phổ biến đó đây.