Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dư vị bông tuyết tan (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dư vị bông tuyết tan (*)

Nguyễn Độc Thư

Cảnh trong phim The executioner.

(TBKTSG) – Đứng trước một kẻ phạm tội ác phi nhân tính, chúng ta đòi hỏi pháp luật phải có những hình phạt xứng đáng, nặng nhất là tử hình. Nhưng, bản thân sự kết án theo pháp luật cũng như bản thân khát vọng công bằng xã hội trong chúng ta lại không trực tiếp thực thi việc hành hình. Pháp luật và chúng ta đổ lên vai những “đao phủ” công việc ghê rợn đó: giết những tên tội phạm.

Không ít người trong xã hội vẫn hình dung về những người làm nghề hành hình như những kẻ cơ bắp, lạnh lùng và thiếu vắng đời sống nội tâm để suy xét về tính chất phức tạp, đa chiều của giá trị con người. Họ chẳng khác những cỗ máy hung tợn.

Trong bộ phim The executioner cũng thế. Vào đầu phim, đạo diễn Choi Jin-ho đã dựa vào suy nghĩ của số đông để xây dựng nhân vật Kim (do diễn viên Jo Jea-hyun thủ vai), người quản lý một trại tù hơn 10.000 tù nhân nguy hiểm, với phẩm chất thượng tôn pháp luật, giữ nguyên tắc nhưng kém thông minh. Ông Kim luôn nhìn đám tù nhân bằng cái nhìn lạnh lùng của người coi trọng tính tất yếu của quan hệ nhân quả.

“Có hai nơi trên thế giới có loại song sắt thế này, đó là sở thú và nhà tù!”. Đó là bài học đầu tiên ông Kim đã dạy cho Oh Jea-kyung (Yoon Kye-sang) trong ngày đầu cậu thanh niên này làm nghề quản ngục. Đối với ông, con người, nếu phạm tội, chẳng khác nào một con thú.

Thế nhưng, trong suốt chiều dài 95 phút, bộ phim đã dựng lên hai mẫu tù nhân khiến cho cả những nhân vật trong phim lẫn người xem đều không tránh khỏi cảm giác băn khoăn.

Ông già Lee Sung-hwan, 60 tuổi, đã ở tù 20 năm vì tội ăn cắp và giết chết ba người. Ông có một cuộc sống trong tù khá nhẹ nhàng, thậm chí, thân với một quản ngục nhưng một hôm, ông bị nhận án treo cổ.

Một tù nhân có tính cách đối lập với ông Lee là tay khát máu tên Chang Yong-du. Sau khi hãm hiếp, giết chết và phanh thây 12 phụ nữ, hắn vào tù với thái độ thách thức. Vẻ mặt vênh váo và hiện thân của cái ác chừng như coi nhẹ cái chết. Hắn cũng bị án treo cổ vào đúng ngày chết của ông Lee.

Chỉ khác, một đêm trước khi bị treo cổ, người đàn ông 60 tuổi được ông bạn quản ngục già mời một bát súp gà. Ông say sưa thưởng thức mà quên đi cái chết đang đến gần kề. Trong khi đó, gã tội phạm đầy thách thức Chang phải tự cứa vào cổ mình để cố nối dài thêm sự sống. Nhưng hắn cũng chỉ được đẩy vào bệnh viện băng bó vết thương, phục hồi sức khỏe để đợi cuộc hành hình vào ngày mai.

Một chi tiết khiến người xem rùng mình rồi bật khóc là, chính ông quản ngục già đã đứng ra xoa dịu cơn run rẩy đau đớn của bạn mình, để cái chết đến với bạn một cách nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, Chang – kẻ thách thức cái chết thì gặp phải cảnh sát Kim, người mạnh mẽ và lạnh lùng nhất trong nhóm quản trại. Tuy nhiên, cuộc hành hình Chang lại gặp quá nhiều trục trặc: tấm ván sập dưới chân chiếc ghế ngồi của kẻ bị hành hình bị mắc kẹt trong khi tên tội phạm ra sức gào thét, chửi mắng khiến phòng xử án điên đảo, và sau đó, khi tấm ván được bàn chân của người hành hình giậm lên, thì dây thắt cổ lại không siết chết được kẻ đáng phải chết ngàn lần…

Chính đây là điểm cao trào của bộ phim. Hình ảnh hai quản ngục phải vào ôm chân tên tù nhân đang bị treo hẫng, giãy giụa để trì níu hắn xuống đất nhằm thêm sức nặng cho sợi dây thòng lọng có thể siết chặt, siết chết được kẻ tử tù là chi tiết thể hiện chiều sâu, thêm chút cường điệu, của ngôn ngữ điện ảnh để làm nên triết lý của bộ phim: Phải chăng muốn tiêu diệt cái ác trong cuộc đời để đạt tới sự công bằng, con người phải đầm mình trong sự giằng xé của một cái ác khác, đó là phải giết chết kẻ hành ác bằng mọi giá?

Sau khi hành hình bạn mình, người cai ngục già đã bỏ nghề trong khi chỉ còn một năm nữa là nhận sổ hưu. Cảnh sát Kim bản tính lạnh lùng cũng bị rơi vào hoảng loạn sau ca hành hình đầy ám ảnh. Còn cảnh sát trẻ Oh thì luôn tự vấn: “Tôi chỉ thực thi pháp luật, cớ sao cuộc đời tôi lại tan nát thế này?”.

Chính pháp luật từ lâu cũng đã biết tính tương đối của nó, nhất là khi chạm tay vào việc phán xét những số phận nhiều uẩn khúc, đầy phức tạp của con người. Trong phim, một người làm nghề hành hình đã nói hết sức chua xót: “Tôi đã nhúng tay vào những cuộc hành hình mà sau đó, chính pháp luật lại chứng minh họ vô tội!”. Người này đã phải dành hết phần đời còn lại của mình để sống trong câm lặng và cầu nguyện.

Ngôn ngữ sắc lạnh và tính chặt chẽ của bộ phim khiến chúng ta ngột ngạt. Thế nhưng cũng có những khoảng thở bay bổng, nhân văn, ví dụ chi tiết ông Lee hỏi người hành hình cũng là bạn thân của mình trước khi chết rằng “ngoài kia tuyết còn rơi không?”. Câu hỏi như rót vào lòng người xem một cảm giác đẹp mà xót xa lạnh lùng như khi nhận một bông tuyết rơi, rồi cảm nhận nó tan nhanh trên bàn tay. Một cảm giác phân vân, day dứt đến lừng khừng, không pháp luật hay lý trí nào có thể can thiệp rạch ròi.

Trước khi The executioner được trình chiếu và gây chú ý tại Hàn Quốc vào tháng 11-2009, kịch bản bộ phim đã được chuyển thành tiểu thuyết bi kịch tâm lý, được độc giả và giới phê bình ở Hàn Quốc dành sự quan tâm đặc biệt.

______________________________________________________________________________________________

(*) Xem phim DVD The executioner, tựa phim tiếng Việt Người quản ngục; đạo diễn: Choi Jin-ho; diễn viên: Jo Jae-hyun, Yoon Kye-sang, Park In-hwan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới