(KTSG Online) – Phim truyện sản xuất theo loạt (series) với chất lượng cao trình chiếu trên các nền tảng VOD (Video On Demand) đang dần trở nên quen thuộc với người xem trong nước và từ đó thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc đưa phim Việt lên các kênh trình chiếu này cũng mở ra cơ hội giúp các sản phẩm giải trí này tiếp cận với nhiều khán giả quốc tế hơn.
- Đa dạng dịch vụ xem phim theo nhu cầu (VOD)
- Xem phim theo nhu cầu: sân chơi màu mỡ nhưng đầy thách thức
Đưa trải nghiệm điện ảnh vào phim video
Sản xuất nội dung cho VOD, hình thức xem phim trả tiền, không còn mới lạ với các khán giả trong nước. Khi các “ông lớn” trong ngành như Netflix, K+ xâm nhập vào thị trường Việt Nam cùng sự phát triển của nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến trong nước, các nhà làm phim nhận định đây vẫn là dư địa để làm nghề trước sự chững lại của một vài thể loại phim khác.
Anh Hoàng Quân, nhà sản xuất và giám đốc của ProductionQ, với phim Tết Ở Làng Địa Ngục giành vị trí top 1 của K+ và Netflix sau khi công chiếu, chia sẻ để làm phim phát sóng ở những nền tảng trả phí, chất lượng phim được yêu cầu cao và tiệm cận với tiêu chuẩn làm phim chiếu rạp nhiều nhất có thể.
Đưa trải nghiệm điện ảnh vào phim chiếu VOD có thể hiểu như việc đầu tư vào dự án ở tất cả các khâu sản xuất, thiết bị, phục trang, hoá trang, bối cảnh, diễn viên, kỹ xảo, hậu kỳ như một tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, toàn bộ nhân sự tham gia vào dự án cũng là những nhân sự dày dặn kinh nghiệm trong mảng phim điện ảnh.
Theo đại diện nhà sản xuất khác, phim series trên VOD có suất đầu tư cao hơn nhiều so với phim truyền hình và ngang ngửa với phim điện ảnh. Những năm gần đây khi nguồn thu quảng cáo cho phim truyền hình giảm, các hoạt động sản xuất, đầu tư cho phim series cũng trở nên “dồi dào” hơn với một kịch bản tốt, phù hợp với nền tảng với thời lượng khoảng 30 phút cho một tập, tổng không quá 12 tập.
Khi có kịch bản thú vị, tương ứng với “gu” xem của khán giả quốc tế như phim hành động, phim kinh dị, nhà sản xuất sẽ “chào hàng” dễ hơn với đại diện nền tảng để mạnh tay sản xuất. Cũng không ít các nhà làm phim dạn tay làm phim series chiếu trên các ứng dụng thay vì triển khai thành dự án điện ảnh. Tuy vậy, thực tế cha đẻ của phim cũng gặp không ít cạnh tranh và rào cản để “lên app” khi kịch bản vẫn còn nằm trên giấy.
Để lại dấu ấn khi phát hành quốc tế các dự án kinh dị khác, anh Hoàng Quân tâm niệm việc nâng tầm chất lượng phim series nằm ở tầm nhìn đầu tư của những người cầm trịch dự án. Khi nhà sản xuất định vị dự án này theo chất lượng điện ảnh, thì mỗi phút phim được đánh đổi bằng chi phí, thời gian và sự nghiêm túc chăm chút cho tác phẩm.
“Chúng tôi không phân biệt khán giả phim điện ảnh hay series, mà với chúng tôi, chỉ có một đối tượng khán giả duy nhất là người xem mà thôi. Nhờ đó, chúng tôi không phải cân nhắc gì cả mà chỉ chuyên tâm làm sao cho bộ phim tốt nhất, hay nhất trong khả năng của mình”, anh nói.
Đạo diễn, nhà sản xuất phim của công ty StarkDeck, ông Trần Xuân Cảnh cho hay cả phim điện ảnh và phim series chất lượng đều “xêm xêm” nhau, hướng tới đối tượng khán giả khác nhau là người xem ở ngoài rạp hay xem phim ở nhà. Ở Việt Nam, ông đánh giá đội ngũ sản xuất các thể loại phim có đủ nội lực để đáp ứng được những tiêu chí cũng như yêu cầu tương thích với phía nền tảng và khán giả ngày càng khó tính.
Thông thường, những người sản xuất phim chiếu VOD cũng là người có chuyên môn điện ảnh, mỗi tập phim ngay từ khi bấm máy cũng có sự đầu tư kĩ càng. Riêng quá trình làm điện ảnh cần sự chuẩn bị tiền kì cao độ và nhiều tính toán riêng cho từng dòng, thể loại phim hơn.
Cơ hội kết nối cùng khán giả quốc tế
Anh Hoàng Quân chia sẻ 2 nền tảng K+ và Netflix phát sóng vào cùng một thời điểm là một yếu tố giúp phim có thể lan toả rộng rãi hơn đến với khán giả toàn quốc, cũng như khán giả của các thị trường Đông Nam Á và châu Âu, giúp phim giữ vị trí top 1 liên tục trong hai tuần liền sau khi ra mắt. Series Tết Ở Làng Địa Ngục là một mini-series bao gồm 12 tập với thời lượng 45 phút/tập, là format phù hợp với hai nền tảng K+ và Netlfix hiện nay.
Theo anh, điện ảnh Việt còn rất nhiều cơ hội để thể hiện bản sắc và vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Anh nhấn mạnh “Tôi luôn suy nghĩ tích cực về điều này và đã triển khai việc xuất khẩu phim Việt được hơn 5 năm nay. Kết quả rất khả quan và ngày càng có nhiều thị trường đón nhận các tác phẩm của ProductionQ nói riêng và phim Việt nói chung. Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn nhận thêm một yếu tố rất quan trọng không thể thiếu là yếu tố thị trường, khán giả”.
Phim Việt sẽ mạnh hơn, tốt hơn khi chúng ta có một thị trường mạnh hơn. Khán giả không ủng hộ, không theo dõi và không bỏ tiền, bỏ thời gian ra rạp xem phim thì không bao giờ có được điều đó, anh nói thêm.
Những nhà làm phim luôn mong ước phim Việt đặt chân đến nhiều thị trường bên ngoài Việt Nam. Nhưng khán giả Việt Nam vẫn là mục tiêu quan trọng nhất mà họ cần phải thuyết phục. Làm phim tốt hơn để phục vụ khán giả Việt Nam tốt hơn, đồng thời đội ngũ sản xuất cũng có thể hãnh diện khi phim của mình đứng vững, thậm chí chiến thắng ở nhiều thị trường, nền tảng khác.
Nhiều cơ hội khi tham gia đường đua làm phim chiếu VOD là vậy, nhưng nhà sản xuất cũng gặp không ít thách thức khi đưa phim lên nền tảng. Cụ thể, các dự án nếu chưa được bấm máy, thông thường rất khó để tìm kiếm sự đầu tư từ đầu hay nhận tổng kinh phí hoàn thành phim, mà phải sản xuất trước rồi mới làm việc với phía nền tảng. Điều này cũng xảy ra rủi ro khi đơn vị làm phim không ước lượng được doanh thu, thỏa thuận giá sau khi bán bản quyền, hay chọn lựa được ứng dụng phù hợp để phát sóng.
“Được làm phim và thấy sản phẩm của mình lan tỏa đến càng nhiều khán giả trong và ngoài nước luôn là niềm hạnh phúc khi làm nghề. Phim điện ảnh và phim chiếu trên ứng dụng trả tiền cũng sẽ có những nguồn thu khác nhau tùy thuộc vào các hình thức phát hành, quan trọng là chất lượng phim sẽ ngày được nâng tầm”, ông Xuân Cảnh nhấn mạnh.