Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đưa Đông y vào du lịch, lát cắt từ Huế

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang muốn đưa Đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch và xem đó là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch góp phần làm phong phú thêm sản phẩm, thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng doanh thu từ khách.

Trong thời gian 2 năm qua, dịch bệnh làm thay đổi nhu cầu của du khách, chú trọng chăm sóc sức khỏe, hạn chế tiếp xúc đông người. Với xu hướng này, nhiều điểm đến, khu nghỉ dưỡng, trong suốt giai đoạn dịch bệnh vừa qua đã chủ động khai thác nhiều dịch vụ mới, tập trung vào các gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trong đó có những gói với các hoạt động theo hướng y học cổ truyền.

Khai thác tiềm năng y thuật cung đình

Lương y Phan Tấn Tô đang bắt mạch cho một du khách Anh tại khách sạn Spatel d’Annam - nơi đang cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh Đông y dành cho du khách tại Huế. Ảnh: Thanh Trịnh

Nhằm khai phá tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đang muốn phục dựng và đưa y thuật cung đình nổi tiếng thời xa xưa vào du lịch để tăng trải nghiệm cho khách.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của Đông y ở Thừa Thiên Huế là có thêm mảng y thuật cung đình với trình độ y dược phát triển mà đỉnh cao là Thái Y Viện triều Nguyễn. Thái Y Viện có tổ chức quy mô, mang tính chuyên môn hóa cao với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho các vua, hoàng gia và nội cung dưới triều Nguyễn, đồng thời tham gia tư vấn cho Thượng thiện Sở khi chế biến các món ăn của vua cùng hoàng gia.

“Đây chính là một thế mạnh độc đáo và khác biệt của Đông y ở cố đô Huế, cần được bảo tồn, phục hồi và phát huy không chỉ phục vụ điều trị bệnh thông thường mà phải được nâng tầm thành dịch vụ thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe đẳng cấp gắn với hoạt động du lịch”, ông Phúc cho biết thêm.

Để có thể tận dụng lợi thế trên, lương y Thích Tuệ Tâm tại nhà thuốc Đông y Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa Huế gợi ý phục dựng Thái Y viện theo nguyên trạng cũ của ngày xưa về cả hình thức và cách thức hoạt động như Hoàng cung. “Chúng ta có thể phục dựng lại Thái Y viện trong khuôn viên bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên với những vật liệu thiên nhiên mang kiểu dáng cổ kính pha lẫn nét hiện đại. Các công trình này vừa có tính cách để bảo tồn, vừa để tôn vinh phát huy những giá trị của Thái Y viện trong quần thể di tích lịch sử cố đô Huế trong hơi thở cuộc sống đương đại”, vị lương y này chia sẻ.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Sương, Khoa Quản lý lữ hành, Trường Du lịch, Đại học Huế, có quan điểm trùng tu, bảo tồn các công trình di sản, xây dựng tuyến điểm đến tham quan kết hợp các dịch vụ khám chữa bệnh theo y thuật cung đình. Điều này, theo bà Sương, có thể phát huy các giá trị di sản Thái Y viện triều Nguyễn thành sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của vùng đất cố đô.

Ông Phúc cho hay đã có cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương để có thể đầu tư bảo tồn và phát triển du lịch kết hợp Đông y như hiện nay tại Huế. Tuy nhiên, việc đưa chính sách vào thực tế còn ở mức khiêm tốn vì những nguyên do khác nhau.

Ông Phúc lấy ví dụ điểm khai thác đầu tiên Đông y vào du lịch trên địa bàn tỉnh là Đại Nam Thái Y Đường ở thành phố Huế đi vào hoạt động từ năm 2019. Dự án này được kỳ vọng không chỉ sẽ tạo ra một không gian Đông y cổ truyền với điểm nhấn chính là y thuật cung đình, với các hoạt động thăm bệnh, bốc thuốc, mà còn như một không gian văn hóa để có thể cảm nhận phần nào về những giá trị mà lịch sử đã để lại qua kiến trúc nhà rường, qua vườn dược liệu, qua những thang thuốc cung đình quý hiếm.

Tuy nhiên, hiện nay Đại Nam Thái Y Đường chưa thể mở rộng thêm hoạt động chuyên sâu như dự định ban đầu, mà đang thực hiện song song việc khai thác dịch vụ lưu trú kết hợp dịch vụ khám chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền với một đối tác khách sạn khác nhằm đảm bảo nguồn thu ngắn hạn trước mắt.

Bên cạnh đó, thời gian qua tại Huế cũng hình thành một số cơ sở kết hợp y học cổ truyền cũng như các sản phẩm dịch vụ hướng tới sức khỏe cho khách như Tịnh Cư Cát Tường Quân (ẩm thực), Alba Wellness Valley by Fusion, Kobi Onsen Resort, Kawara  Mỹ An Onsen Resort (nghỉ dưỡng kết hợp khoáng trị liệu) hay Huyền Không Sơn Thượng (dưỡng thần).

Tuy nhiên, đây chỉ là những hoạt động riêng lẻ và chưa có sự kết hợp hài hòa thành chuỗi sản phẩm/dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe.

Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

Với mong muốn được đóng góp gỡ nút thắt của vấn đề này, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án “Định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, nhằm đánh giá tiềm năng và tình hình phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn tỉnh từ đó đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các điểm du lịch gắn với chăm sóc sức khoẻ trong thời gian tới nhằm đa dạng các sản phẩm.

Khách tham gia hoạt động dưỡng tâm trí tại Alba Wellness Valley By Fusion - Huế. Ảnh: TL

Theo kết quả khảo sát bước đầu của Sở Du lịch khi tiến hành xây dựng đề án này, chi tiêu của du khách ở Thừa Thiên Huế tập trung cho các hoạt động tham quan, thưởng thức ẩm thực; du khách ít quan tâm đến việc chi tiêu cho hoạt động mua sắm, chăm sóc sức khỏe hay trải nghiệm các làng nghề truyền thống.

Theo số liệu thu được, chi tiêu bình quân 1 ngày của du khách chủ yếu ở các khoản: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, mua hàng hóa, quà lưu niệm, ăn uống…, bình quân khoảng 1.900.000 - 2.200.000 đồng/ người.

Tuy nhiên, các khoản chi cho các dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe (không tính chi phí riêng cho điều trị y tế chuyên ngành vì thuộc lĩnh vực riêng) đang còn rất ít, chiếm dưới 5% trong cơ cấu chi tiêu.

“Những kết quả trên cho thấy chúng ta đang bỏ qua lợi thế rất lớn của một trung tâm y tế chất lượng cao, chuyên sâu; một trung tâm du lịch có đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh”, ông Phúc nói. Theo ông, để những tiềm năng này được khai thác và phát huy hiệu quả có thể trở thành những sản phẩm du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe, góp phần cho việc phục hồi và khai thác hiệu quả giá trị của Thái y Viện triều Nguyễn trong thời gian tới, rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, của các cấp, các ngành và cần có các nhóm giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh phục hồi hình thức hoạt động của Thái y Viện Huế, theo ông Phúc, cần kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện thêm một số cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp dựa trên lợi thế, nền tảng sẵn có của hệ thống y học Đông y của tỉnh nhà nhằm tạo không gian y thuật cổ truyền gắn với du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng dịch vụ và sản phẩm để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhanh chóng nghiên cứu kết nối tour và sớm đưa vào khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế, du lịch khám chữa bệnh gắn với Đông y cổ truyền; liên kết để khai thác và thực hiện những tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo hình thức Đông y cổ truyền tại những khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân và Mỹ An.

Có thể nói, với nhiều giải pháp khác nhau, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang muốn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, bao gồm y thuật cung đình, thành một lựa chọn khác cho khách khi đến cố đô với mục tiêu kéo dài kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu từ khách du lịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới