Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đưa ruồi vào chuỗi lương thực toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đưa ruồi vào chuỗi lương thực toàn cầu

Nội dung: Trang Nguyễn – Trình bày: Thu Trang

Đưa ruồi vào chuỗi lương thực toàn cầu
 

(TBKTSG Online) – Nhắc đến loại côn trùng luôn bay vo ve quanh đồ ăn, thức uống đến… bãi rác, nhiều người nghĩ ngay tới ruồi và có tâm lý chán ghét, từ đó có các biện pháp phòng chống và tiêu diệt chúng. Nhưng cũng chính những con ruồi, mà chính xác ở đây là loại ruồi lính đen, đang dần trở thành một "ngôi sao mới nổi" trong chuỗi lương thực toàn cầu nhờ vào khả năng cung cấp nguồn protein phong phú và bền vững hơn so với nhiều loại nguyên liệu khác.

 

 

 

Bảy năm trước đây, Entobel – một công ty công nghệ sinh học đến từ Vương quốc Bỉ chuyên sản xuất và chế biến côn trùng, hiện có trụ sở tại Singapore, quyết định đến Việt Nam để mở đường cho chuỗi hoạt động nghiên cứu và phát triển mô hình chuyển hoá các chất hữu cơ giá trị thấp thành nguồn protein bền vững. Vào năm ngoái, Entobel đã chính thức thành lập một nhà máy chế biến thử nghiệm các sản phẩm từ ruồi lính đen, với năng suất 1.000 tấn protein từ ruồi mỗi năm, tại tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.

Cái tên Entobel có mối liên hệ đến nguyên liệu làm nên sản phẩm của công ty này. Nhà đồng sáng lập của Entobel, ông Alexander de Caters, lý giải Entobel là tên ghép của côn trùng (‘ento’ trong tiếng Hy Lạp là côn trùng) và quê hương của công ty này – vương quốc Bỉ (‘bel’ từ Belgium trong tiếng Anh).

 

Từ một loại côn trùng nhỏ bé trong tự nhiên (khác với loại đã nhắc tới ở trên), Entobel sản xuất ra thức ăn chăn nuôi với hàm lượng protetin cao từ ấu trùng sấy khô của loài ruồi này. Trong khi đó, phần dầu thu được từ ấu trùng có thể sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, còn xác của loại côn trùng này được sử dụng như một loại phân bón hữu cơ cải tạo đất. Vòng đời của chú ruồi đen như vậy từ khi còn là ấu trùng đến lúc trưởng thành được tận dụng hoàn toàn để cống hiến cho chuỗi lương thực của loài người.

Theo các báo cáo nghiên cứu sinh học, ruồi lính đen là một nguồn cung cấp protein dồi dào, có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, và hiện chưa phát hiện mang mầm bệnh truyền nhiễm cho người và động vật như một số loại ruồi khác.

 

“Về cơ bản, chúng tôi sử dụng côn trùng để sản xuất ra một loại đạm chất lượng cao cho ngành thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngành nuôi trồng thuỷ sản. Chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho nhà máy sản xuất bởi Việt Nam là một trong những nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi trồng và sản xuất tôm. Đây là một thị trường rất lớn đối với chúng tôi và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính là nơi tập trung của lĩnh vực này”, ông Alexander de Caters, chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về mục đích của công ty khi nhắm tới thị trường Việt Nam và lý do thành lập nhà máy tại một tỉnh phía Nam.

Thức ăn chăn nuôi sản xuất từ ruồi lính đen không phải một sản phẩm mới trên thị trường thế giới, khi gần đây, sản phẩm này nổi lên như một sự lựa chọn thay thế mang tính bền vững hơn cho ngành nuôi trồng thuỷ sản, thay thế nguồn đạm từ đậu nành và cá biển với giá thành cao và thiếu bền vững do các yếu tố môi trường tác động.

Nhưng những trang trại nuôi trồng thuỷ sản sẽ không phải là nơi duy nhất tận dụng được nguồn protein dồi dào từ ruồi lính đen. Tại một số nước khác trên thế giới, loại côn trùng này từ lâu đã được sử dụng như một loại phân bón cho cây trồng, xử lý chất thải hữu cơ hay làm thức ăn chăn nuôi cho các loại động vật khác.

 

 

Theo ông Alexander de Caters, Entobel đã tiến hành những nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm ấu trùng ruồi đã được tách dầu và sấy khô (H-Meal) trong các công thức phối trộn thức ăn nuôi tôm tại Việt Nam. Và kết quả thu được là những chỉ số tích cực về trọng lượng tôm và khả năng miễn dịch cao hơn của con tôm khi sử dụng H-Meal, trong tương quan so sánh với những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật khác.

Entobel cho biết các sản phẩm của công ty này đang được tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp tại Việt Nam, và một phần được xuất khẩu tới các thị trường khác như Mỹ.

 

 
 

Ruồi lính đen hiện nay đã được nhiều công ty tại châu Âu đưa vào khai thác và sản xuất thương mại. Trong khi đó, tại Việt Nam, hoạt động khai thác, nuôi trồng và nhân giống loại côn trùng này mới dừng lại ở quy mô tự phát nhỏ lẻ, chưa có những quy trình nuôi công nghiệp bài bản để phát triển được tiềm năng của loại côn trùng này.

Đối với Entobel, những cơ sở sản xuất ruồi lính đen có tính chất vi mô như vậy chưa thể trở thành đối thủ trực tiếp đe doạ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tại Việt Nam. Nhưng với sự xuất hiện của những cơ sở này, Entobel cho rằng thị trường sẽ ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về một loại protein được khai thác từ côn trùng và có tính bền vững hơn so với nhiều loại nguyên liệu khác.

“Một điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là loại ruồi lính đen này có nguồn gốc bản địa và như vậy chúng tôi hoàn toàn không cần phải nhập khẩu loại côn trùng này vào Việt Nam để sản xuất”, ông Alexander de Caters chia sẻ.

 

Loại ruồi sử dụng trong nhà máy của Entobel là loài bản địa và đã tồn tại trong điều kiện tự nhiên của Việt Nam qua nhiều năm. Chúng là loài an toàn và có ích và hiện đang được Entobel sản xuất bằng các giải pháp công nghệ cao tại Đồng Nai. Nguồn gốc loại ruồi lính đen này được cung cấp từ các giảng viên trường Đại học Nông lâm TPHCM.

Theo người đồng sáng lập của Entobel, tại thời điểm này, protein và dầu chiết xuất từ ruồi lính đen đang được sử dụng cho động vật, nhưng trong vòng 10-20 năm tới, các sản phẩm có nguồn gốc từ ruồi lính đen có thể sẵn sàng được sử dụng cho con người. Và cũng không khó để tưởng tượng khi một ngày không xa ruồi lính đen có thể trở thành một món khoái khẩu của loài người, khi hiện tại nhiều loại côn trùng đã góp mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn như dế, châu chấu, bọ cạp hay nhộng ong…

 

Tin tưởng vào sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản tại Việt Nam và nhu cầu thế giới cho các sản phẩm có nguồn gốc từ côn trùng, Entobel đã lên kế hoạch mở tiếp một nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng có quy mô lớn gấp 10 lần cơ sở hiện tại, với công suất 10.000 tấn protein/ năm, cũng tại một tỉnh phía Nam gần TPHCM vào năm 2021.

Cách đây không lâu, Entobel đã nhận được nguồn vốn đầu tư từ Gomata Partners, một quỹ đầu tư quy mô gia đình có trụ sở tại Đức, chuyên tập trung vào đầu tư tăng trưởng bền vững về chuỗi thực phẩm.

Khoản đầu tư này là một cột mốc quan trọng cho Entobel khi công ty này đang muốn mở rộng các cơ sở sản xuất thức ăn côn trùng tại chính Việt Nam và vươn ra thế giới.

“Trong ngành công nghiệp mới nổi về chế biến ruồi lính đen, Entobel hoạt động như một trong những cơ sở thí điểm lớn nhất toàn cầu và đã phát triển một mô hình mở rộng rất hiệu quả về vốn. Chúng tôi tự hào được hỗ trợ Entobel trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo tại thị trường mang tính chiến lược và hấp dẫn ở Việt Nam”, ông Torsten Vogt, nhà sáng lập Gomata cho biết.

 

Để tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho hoạt động phát triển, Entobel đã lên kế hoạch gây quỹ với vòng Series B vào cuối năm 2020, hướng tới các nhà đầu tư từ Singapore.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chuyến đi thực địa được tổ chức cho các nhà đầu tư tới tham quan nhà máy sản xuất của Entobel hiện đã bị hoãn lại hoặc huy bỏ.

Để khắc phục trở ngại này, ông Alexander de Caters cho biết Entobel đã có chiến lược chuyển hướng sang các nhà đầu tư trong nước để kêu gọi vốn: “Chúng tôi tin rằng việc tiếp cận các nhà đầu tư trong nước trong thời điểm hiện tại sẽ giúp Entobel tiến hành kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất. Chúng tôi đã tiếp cận một số nhà đầu tư tiềm năng và vòng gọi vốn vẫn mở rộng cửa với các nhà đầu tư mới tại Việt Nam”.

Nhận định thêm về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, người đồng sáng lập Entobel đánh giá đây là một nơi khá lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp vì “Việt Nam rất năng động và có rất nhiều nhân tài”.

Ngoài ra, sự hỗ trợ và cởi mở của chính quyền địa phương đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng là một yếu tố quan trọng giúp tiếp tục thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới